Tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp, những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh trong huyện ở mức cao và giảm chậm, với 122 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm trên 20%. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác dân số, từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Giọng nữ
Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân.

Ông Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Tỷ số giới tính khi sinh được coi là bình thường trong khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính, gây thêm áp lực về kết hôn ở độ tuổi trẻ, tảo hôn, gia tăng nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống mà phụ nữ và các em gái phải đối mặt. Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ gây ra các rắc rối về tâm lý, tăng nguy cơ bệnh tật. Đây là một trong những lý do làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn mại dâm; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em gia tăng.

Huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, các xã tập trung triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2020-2025). Đẩy mạnh truyền thông chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; nội dung của Pháp lệnh dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Hằng năm, cử cán bộ Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện), chuyên trách dân số - KHHGĐ của 8 xã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chương trình dân số và phát triển do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức.

Cán bộ Trạm Y tế xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, tuyên truyền về bình đẳng giới cho nhân dân.

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị truyền thông về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các xã Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh và Trường THPT Sốp Cộp, Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện, với trên 3.000 lượt người tham gia; tổ chức 32 cuộc nói chuyện chuyên đề, cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức của nhân dân về mất cân bằng giới tính khi sinh tại các bản đặc biệt khó khăn của huyện, với gần 1.300 người tham dự. Ngoài ra, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện đã xây dựng 2 chương trình truyền thanh có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phát 2 lần/tháng trên loa truyền thanh các xã của huyện.

Ông Tòng Văn Phú, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Púng Bánh, thông tin: Sau khi triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2020-2025), Trạm Y tế xã phối hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên ở xã lồng ghép nội dung về chính sách dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào nội dung sinh hoạt. Phối hợp với Trường THCS Púng Bánh tổ chức hoạt động ngoại khóa, giao lưu với học sinh, giáo viên về nội dung bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh... giúp học sinh nâng cao nhận thức và trở thành tuyên truyền viên đối với gia đình về lĩnh vực này.

Chị Cầm Thị Mai, bản Nghè Vèn, xã Mường Và, chia sẻ: Năm 2016, tôi kết hôn, hiện đã có 2 con gái. Trước đây, vợ chồng tôi cũng có ý định sinh thêm con thứ 3 với hy vọng có con trai. Nhưng được 2 bên nội ngoại động viên và cán bộ xã, Hội phụ nữ vận động, tuyên truyền nên vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm con, mà dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy các con tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Cán bộ xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn nhiều khó khăn, do trình độ dân trí thấp, không đồng đều, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế; một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại, nhiều trường hợp muốn sinh thêm con trai, dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, chênh lệch giới tính khi sinh có chiều hướng tăng. Đội ngũ y tế bản kiêm cộng tác viên dân số bản thường xuyên thay đổi, thiếu kỹ năng tuyên truyền nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trao đổi về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết thêm: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức, loại bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ; triển khai hiệu quả các giải pháp trong Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về dân số tại các cơ sở y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi; đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới vào hoạt động ngoại khóa của các trường học... nhằm từng bước đưa mức sinh về mức cân bằng, tự nhiên.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới