An toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

Đảm bảo an toàn thực phẩm, các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp trong hoạt động quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ gia đình và nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Giọng nữ

Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Thời gian qua, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn vẫn còn xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La.

Ngày 26/1, qua nguồn tin báo, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 4 đã kiểm tra xe ô tô BKS 29H-836.24 do ông L.V.Đ điều khiển, địa chỉ xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, trên phương tiện vận chuyển 28 hộp kẹo dưa hấu, 30 hộp kẹo mơ, 35 hộp kẹo dâu tây, 27 bao bim bim que, 36 bao bim bim sò, 2 bao bánh gạo, 50 hộp mứt tết, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 10 triệu đồng và trị giá hàng buộc tiêu hủy gần 20 triệu đồng.

Ngày 7/5, Đội cảnh sát kinh tế thành phố Sơn La phối hợp với Đội QLTT số 1, kiểm tra cơ sở kinh doanh bia hơi, bia chai do bà T.T.H làm chủ tại bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La. Thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở đang kinh doanh bia hơi, bia chai các loại, những dụng cụ thu gom chất thải rắn (thùng đựng rác) của cơ sở không có nắp đậy theo quy định. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, phạt 4 triệu đồng theo quy định.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, 4 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thành lập 217 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra 1.790 cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện xử phạt 29 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 60 triệu đồng. Thực hiện 23 cuộc giám sát đảm bảo ATTP tại các huyện, thành phố; tổ chức lấy 558 mẫu tại các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể các nhà hàng, khách sạn.

Cùng với đó, các ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng nhiều hình thức, như: Nói chuyện trực tiếp, cấp, phát băng đĩa hình, tờ rơi, poster, sách nhỏ. Khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm; mua những thực phẩm còn tươi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú ý thời hạn sử dụng của sản phẩm; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Cao điểm Tháng hành động về an toàn thực phẩm

Tháng hành động ATTP năm 2024 có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh ATTP trong tình hình mới”, ông Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế, thông tin: Tháng hành động, tập trung triển khai các chiến dịch truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với ban chỉ đạo các cấp để nắm tình hình, đánh giá thực trạng công tác quản lý ATTP trên địa bàn; kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu kiểm tra ATTP tại cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống trên địa bàn.

Bám sát kế hoạch, các thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, tổ chức 131 hội thảo, nói chuyện chuyên đề với 2.160 người tham gia. Thành lập 223 đoàn kiểm tra 1.820 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý 46 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các đoàn tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, điều kiện ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh; chất lượng, an toàn của thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn...

Tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La, thành phố Sơn La, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Tất cả các mặt hàng khi nhập đều được kiểm tra, test nhanh, nếu sản phẩm không đảm bảo quy định sẽ trả lại nhà cung cấp và xử phạt theo hợp đồng đã ký kết. Mặt hàng được niêm yết đầy đủ thông tin, có tem truy xuất nguồn gốc, thời gian sử dụng, giá bán để người mua truy xuất, kiểm chứng. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân về ATTP được nâng lên trong việc lựa chọn những mặt hàng thực phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Chị Đỗ Phương Nhài, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, chia sẻ: Tôi thường lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến thức ăn, không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín; giữ bếp, dụng cụ chế biến sạch sẽ; sử dụng nguồn nước sạch; đảm bảo ăn chín, uống sôi.

Siết chặt công tác quản lý

Hiện nay, toàn tỉnh có 18.854 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh đã chỉ đạo các thành viên triển khai chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác ATTP.

Sở Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm ATTP từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sông Mã kiểm tra lưu mẫu thực phẩm tại trường học.

Các ngành, các địa phương tập trung xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình điểm về ATTP; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng tại các địa phương. Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp trong đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm về ATTP; vận động nhân dân phát hiện, tố giác đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Cùng với sự quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc lựa chọn những nguyên liệu chất lượng, sản phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, nói không với những thực phẩm bẩn, kém chất lượng, từ đó, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới