Lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian trong đời sống đương đại

Các dân tộc tại Sơn La có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Các loại hình văn hóa dân gian được bảo tồn, phát huy theo nhiều cách khác nhau, tạo nên nét độc đáo riêng, làm phong phú đời sống tinh thần và gắn kết cộng đồng dân cư.

Giọng nữ

Trình diễn xòe Thái tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2024

Trước đây, các lễ hội truyền thống thường là của riêng dòng họ, một cộng đồng bản thì nay nhiều lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức phục dựng quy mô cấp huyện, cấp xã. Trong đó nổi bật phải kể đến, như: Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; lễ hội Kin Pang Then của dân tộc Thái trắng Quỳnh Nhai; lễ cấp sắc, lễ cưới truyền thống của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông; lễ hội Pang A của dân tộc La Ha; lễ hội Xé Pang Á dân tộc Kháng… 

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Huyện duy trì phục dựng các lễ hội truyền thống tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai hằng năm, tái hiện không gian văn hóa các dân tộc để phục vụ du khách đến tham quan. Qua đó, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, các nghệ nhân dân gian có nhiều đóng góp trong lưu giữ, truyền dạy văn hóa dân tộc. Nhờ vậy, bà con các dân tộc trên địa bàn huyện luôn tự hào và có ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào.

Phục dựng lễ hội Kin Pang Then tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2024.

Không chỉ ở các bản làng vùng cao mà ngay cả tại Thành phố hay các khu dân cư có kinh tế phát triển, nét văn hóa truyền thống vẫn luôn được lưu giữ trong cuộc sống thường ngày. Từ các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống cho đến trang phục, tiếng nói, chữ viết, các loại hình trình diễn dân gian của các dân tộc đến nay vẫn được bảo tồn và giữ vẹn nguyên giá trị trong đời sống, văn hóa tinh thần của đồng bào.

Nghệ nhân ưu tú Tòng Văn Hỏa, phường Chiềng Cơi, Thành phố, chia sẻ: Dân tộc Thái có nền văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú. Ngày nay, có không ít nơi, bà con vẫn giữ được nếp nhà sàn đặc trưng, phụ nữ duy trì tục lệ tằng cẩu khi làm dâu, giữ các tín ngưỡng dân tộc. Mỗi dịp lễ, tết, bà con lại tụ tập ở nhà văn hóa, cùng nhau múa hát, nhảy sạp, múa xòe trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. 

Gia đình Nghệ nhân ưu tú Tòng Văn Hỏa yêu thích đàn nhị.

Các điệu dân vũ truyền thống, như: Múa xòe, nhảy tha kềnh, múa chuông, múa au eo, tăng bu… được dàn dựng thành những tiết mục biểu diễn độc đáo, phục vụ các sự kiện văn hóa của địa phương và đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa dân tộc của du khách tại các điểm du lịch, nhất là các bản du lịch cộng đồng. Dân ca, dân vũ dân tộc cũng là chất liệu thường thấy trong sáng tác các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp mang âm hưởng miền núi…

Nét đẹp trong trang phục dân tộc cũng cũng được phát huy triệt để với xu hướng sáng tạo, cách tân lấy chất liệu nền là thổ cẩm truyền thống, được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Hay những món đồ đan lát thủ công vốn chỉ được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày nay cũng được đổi mới, sáng tạo thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, được ưa dùng cho việc trang trí không gian kiến trúc của các nhà hàng, khách sạn… Tất cả đã giúp những nét đẹp trong văn hóa dân gian truyền thống đang được hiện hữu và phát triển trong đời sống và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của xã hội hiện đại.

Tái hiện nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục dân tộc Mông tại Bảo tàng tỉnh.

Tại các địa phương có du lịch phát triển, văn hóa dân gian các dân tộc cũng trở thành sản phẩm độc đáo thu hút du khách. Những bản du lịch cộng đồng, các homestay được xây dựng trên ý tưởng phát huy nét đẹp đặc trưng trong văn hóa truyền thống từ kiến trúc nhà ở cho đến ẩm thực, lối trang trí, tạo không gian hài cổ, đậm chất dân tộc miền núi là yếu tố hấp dẫn du khách đến trải nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, nói: 12 dân tộc ở huyện có nền văn hóa đa đạng, phong phú và đặc sắc. Những năm qua, huyện luôn khuyến khích đồng bào gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, phục dựng lễ hội, khai thác giá trị văn hóa và con người để xây dựng thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. 

Các thiếu nhi hào hứng với nghệ thuật vẽ sáp ong trên váy của dân tộc Dao.

Nói về định hướng bảo tồn văn hoá các dân tộc, ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của nền văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La. Từ đó, nâng cao nhận thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống. Thường xuyên mở các lớp tập huấn truyền dạy về dân ca, dân vũ, dân nhạc cho cộng đồng dân cư ở các xã, bản, tập hợp đội ngũ nghệ nhân trực tiếp tham gia công tác truyền dạy văn hoá. Kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc đề nghị các cấp công nhận… Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ nghiên cứu, sử dụng chất liệu dân gian dân tộc trong sáng tác các tác phẩm mới thuộc các loại hình nghệ thuật hiện đại, đương đại… 

Giữ gìn văn hóa truyền thống chính là giữ mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, kết nối tương lai, để thế hệ hôm nay, mai sau luôn khắc ghi và biết trân trọng giá trị văn hóa nguồn cội. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển, nhất là trở thành yếu tố độc đáo, khác biệt, tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới