Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu

Bám sát chức năng, nhiệm vụ, những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Giọng nữ
Cơ sở sản xuất rượu của hộ kinh doanh tại tổ 9, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.

Rượu là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần được quản lý do liên quan đến sức khỏe con người, trật tự an toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đơn vị sản xuất rượu công nghiệp được Sở Công Thương cấp giấy phép và 109 cơ sở, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công được UBND cấp huyện cấp giấy phép bán lẻ rượu. Sở Công Thương đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong ngành Công Thương; tham mưu trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Cùng với đó, ngành đã phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; cấp giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu... Qua đó, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các quy định, nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, các kiến thức về an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thái Xuân, chủ cơ sở rượu Tiến Xuân, phường Chiềng Lề, Thành phố, cho biết: Gia đình tôi đã nấu rượu thủ công 30 năm. Trước đây, nấu và ủ rượu theo kiểu thủ công, truyền thống. Năm 2019, gia đình đầu tư nồi hơi, nồi nấu điện, máy lọc rượu, chum ủ rượu... đảm bảo để thực hiện quy trình sản xuất rượu an toàn và đã được cấp giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu thủ công tại cơ sở.

Sông Mã là địa phương có số lượng cơ sở bán rượu thủ công nhiều nhất tỉnh với 34 cơ sở, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: UBND huyện thường xuyên chỉ đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND các xã, thị trấn thực hiện việc rà soát, nắm bắt số lượng các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công và các cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu trên địa bàn. Vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký sản xuất, kinh doanh rượu. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát thị trường, quản lý sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng rượu được các lực lượng chức năng chú trọng triển khai. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và các cơ sở bán lẻ rượu trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện, xử lý 34 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt gần 100 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu, gồm: Không niêm yết thông báo không bán rượu cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu; kinh doanh rượu sản xuất trong nước có độ cồn từ 5,5 độ trở lên không dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước; kinh doanh không đúng mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Thực tế hiện nay, hoạt động sản xuất rượu chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống từ các nguyên liệu tự nhiên, như: Ngô, gạo, sắn,... phục vụ nhu cầu các hộ gia đình, hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại địa phương và lấy phụ phẩm để chăn nuôi. Các cơ sở sản xuất rượu tự phát hầu hết có quy mô nhỏ, nằm rải rác trên địa bàn, khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng của người dân vẫn ưa chuộng các sản phẩm rượu sản xuất thủ công mà chưa quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của các sản phẩm rượu. Vì vậy, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sở Công Thương tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, tích cực đôn đốc, phối hợp với các địa phương tổ chức, tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở sản xuất rượu thủ công ký kê khai và cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, kiểm soát, kiểm tra điều kiện kinh doanh rượu sản xuất trong nước, rượu nhập khẩu; phòng ngừa và xử lý rượu giả, nhập lậu và không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công, nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh sự nỗ lực quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất rượu thủ công cũng cần nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; người tiêu dùng cũng nên thận trọng khi mua bán, sử dụng rượu thủ công và chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm định công bố hàm lượng rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình.

Bài, ảnh: Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới