Cây dưa trên đất Tú Nang

Những năm qua, xã Tú Nang, huyện Yên Châu đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất. Trong đó, phát triển trồng các loại dưa đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Giọng nữ
Nông dân bản Nà Khoang, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, thu hoạch dưa lê. 

Chúng tôi về bản Chiềng Ban 1, bản đầu tiên của xã đưa cây dưa, rau màu vào trồng thay thế cây ngô. Bản có 90 hộ dân, trên 100 ha đất sản xuất nông nghiệp. Gia đình anh Lê Tiến Đạt, có hơn 1.000 m² đất trồng dưa lê giống M18 và dưa bở giống Phú Điền. Để dưa sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng quả ngon, ngọt, gia đình anh đã đầu tư hệ thống tưới ẩm, phủ kín nilon bảo vệ; hạn chế bón phân hóa học, tăng cường bón phân vi sinh. Khi cây dưa phát triển đủ 6 lá đến 8 lá thì ngắt ngọn thường xuyên để quả sai, đều, đẹp. Anh Đạt chia sẻ: Vụ dưa năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 6 tấn dưa bở, 2 tấn dưa lê. Giá bán trung bình 15.000 đồng/kg dưa bở; 30-35 nghìn đồng/kg dưa lê, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ/năm. So với một số cây màu khác, trồng dưa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ dưa năm sau, gia đình dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lên 5.000 m².

Ông Hà Văn Dương, Bí thư chi bộ bản Chiềng Ban 1, phấn khởi nói: Bản có 40 hộ trồng 5 ha dưa lê, dưa bở và dưa chuột. Năm nay ít mưa, nên cây dưa ít bị sâu bệnh hại, quả dưa mẫu mã đẹp, có độ giòn, ngọt hơn, được giá hơn so với mọi năm. Vụ dưa được bà con trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 4 cho thu hoạch. Việc thu hoạch được thực hiện thành nhiều đợt tùy theo diện tích trồng và từng lứa quả nên không bị ép giá, thương lái trong và ngoài huyện đến tận vườn thu mua sản phẩm.

Tiếp tục đến thăm vườn dưa của gia đình anh Hà Văn Chung, bản Nà Khoang. Anh Chung đang thu hoạch dưa cuối vụ bán cho thương lái. Mời chúng tôi thưởng thức những quả dưa lê chín thơm nức, ngọt đậm, anh Chung phấn khởi nói: Hiện nay, đang là thời điểm cuối vụ, quả không to như đợt đầu vụ nhưng giá bán vẫn được 22.000 đồng/kg. Thương lái đến tận nơi thu mua, nên chúng tôi vui lắm. Do mới chuyển đổi sang trồng dưa, nên gia đình trồng thử nghiệm 200 m² đất, mang lại thu nhập 20 triệu đồng/vụ/năm, giúp gia đình có thêm tiền lo cho các con học tập.

Chị Bùi Thị Dụ, bản Tin Tốc, là thương lái thu mua dưa ở xã, tâm sự: Để quảng bá, giới thiệu dưa Tú Nang đến với người tiêu dùng, tôi đã sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, nền tảng tiktok. Dưa lê, dưa bở được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngon, ngọt, đảm bảo an toàn; dưa dễ bán và được giá. Vụ dưa kéo dài trong 2 tháng, trung bình gia đình tôi thu mua 2 tấn dưa các loại, cung cấp tại các chợ trên địa bàn tỉnh và bán cho các chợ ở ngoài tỉnh. 

Ông Sa Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, cho biết: Hiện nay, xã có hơn 12 ha đất trồng dưa, tập trung chủ yếu ở 4 bản: Chiềng Ban 1, Chiềng Ban 2, Nà Khoang và Đông Khùa. Những năm qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật, cách phòng, trừ sâu bệnh hại để nâng cao năng suất, sản lượng. Trung bình 1 ha dưa cho thu hoạch 30-35 tấn quả, thu nhập trung bình từ 400-500 triệu đồng/ha. Cây dưa ở xã Tú Nang đã và đang mang lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Để cây trồng phát triển bền vững, nhân dân xã Tú Nang mong muốn xây dựng mối liên kết “4 nhà” tạo thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Cấp ủy, chính quyền phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa theo hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới