Tập trung các nguồn lực giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, tỉnh ta đã chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, bảo đảm phù hợp nguyện vọng và điều kiện thực tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, từng bước triển khai xã hội hóa công tác giảm nghèo, góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, địa phương và các nhóm dân cư trong tỉnh.

Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, công trình thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất; trong đó, chủ yếu là công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, giao thông, điện tại các huyện nghèo, xã, bản vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Đa dạng hóa sinh kế, triển khai dự án giảm nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, các xã, bản đặc biệt khó khăn. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; đẩy mạnh công tác dạy nghề, hướng nghiệp; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu, vật tư, công cụ và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, gắn với với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm; phát triển mô hình gắn với đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, qua đó thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu giảm nghèo bền vững trong từng giai đoạn. Đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở; tuyên truyền về các tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hiệu quả, từ đó nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo.

Tiếp tục phân cấp trao quyền cho địa phương, cơ sở để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các huyện nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện, từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng, đến lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch.

Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo, tạo điều kiện và động viên, khuyến khích các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo; tập trung các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn những hộ đăng ký thoát nghèo phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, thu nhập ổn định.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới