Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách xã hội

Những năm qua, quán triệt chủ trương của Đảng về thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách giảm nghèo bền vững, việc làm cho người lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được triển khai hiệu quả.

00:00
00:00
00:00
Giọng nữ

Năm 2015, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 34,44%. Sau 5 năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,62%. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đến hết năm 2023, toàn tỉnh còn 14,83% hộ nghèo, trung bình giảm 3%/năm; năm 2024, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 11,17%.

Thực hiện mục tiêu đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo cơ hội cho nhân dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, gắn với việc làm bền vững.

Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách xã hội trong giai đoạn mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận chính sách xã hội, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách. Từng bước áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội, bảo đảm liên thông, an toàn, bảo mật thông tin chung và dữ liệu cá nhân. Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội thông qua cơ chế quản lý, cập nhật, chia sẻ dữ liệu và thông tin trên nền tảng số.

Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo.Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công; ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bảo đảm người có công và gia đình người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Thực hiện tốt giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, gắn kết cung, cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm theo hướng bền vững, thu nhập ổn định.

Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đa dạng các hình thức, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất. Phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp trung học cơ sở.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; cải cách, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.

Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đổi mới việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội, cứu trợ khẩn cấp; quản lý, sử dụng quỹ cứu trợ xã hội từ thiện, nhân đạo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới