Thêm lực cho đồng bào dân tộc thiểu số

Năm 2022, thêm niềm vui đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh khi Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đang đi vào cuộc sống.

Nhân lên niềm tin

Nhìn lại những năm qua, công tác dân tộc của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt với những con số biết nói: Trên 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 73,1% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 97,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,45% năm 2016 xuống 18,38% năm 2020...

Đồng bào dân tộc Mông xã Tà Xùa (Bắc Yên) thu hái chè cổ thụ đặc sản.

Tiền đề quan trọng này càng nhân lên kỳ vọng vào tầm nhìn dài hạn, toàn diện của Nghị quyết số 16-NQ/TU sẽ tác động mạnh mẽ tới sự đổi thay của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vào thực tế của địa phương. Nghị quyết tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi, thu hẹp nhanh hơn khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 4-5%/năm; hết năm 2025 có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn... đến năm 2030: không còn huyện nghèo thụ hưởng chính sách; xóa bỏ nhà tạm...

Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành, các huyện rà soát, tổng hợp nội dung đầu tư, đối tượng, địa bàn thụ hưởng các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH. Căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương và 10 dự án thành phần để xác định nội dung, hình thức đầu tư hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các xã, bản đặc biệt khó khăn, các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Khi lựa chọn các hạng mục đầu tư, căn cứ nhu cầu thực tế và có sự tham gia đề xuất của người dân sau khi đã thống nhất, chọn hạng mục cấp thiết nhất và dựa trên nguồn lực đầu tư để triển khai, đảm bảo đồng bộ hiệu quả.

  

Xuân về trên những bản làng

Tỉnh Sơn La được phê duyệt 202 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (126 xã khu vực III; 10 xã khu vực II và 66 xã, thị trấn khu vực I); có 1.449 bản đặc biệt khó khăn sẽ được thụ hưởng. Trong 9 nhiệm vụ, Nghị quyết đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, như: Dân tộc La Ha (dưới 10.000 người) và 4 nhóm dân tộc: Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Mông.

Ở huyện Thuận Châu nhóm dân tộc được thụ hưởng chính sách hầu hết ở các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn, nên đây là điều kiện thuận lợi để huyện sớm đưa các chính sách đến với bà con. Ông Lò Văn Quý, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, chia sẻ: UBND huyện Thuận đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành rà soát đề xuất các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch thực hiện nguồn vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Dự kiến nhu cầu đầu tư, hỗ trợ của các dự án thành phần của Chương trình giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó Dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn cần tổng nhu cầu vốn hơn 241 tỷ đồng hỗ trợ dân tộc có khó khăn đặc thù (La Ha) và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (Mông, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú) sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Lò Văn  Dung, bản Căm Cặn, xã Mường Bám (Thuận Châu), nói: Bản có 64 hộ với hơn 290 nhân khẩu đồng bào dân tộc Khơ Mú. Bản vẫn còn khó khăn, do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, hạn chế về kỹ thuật nên số hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm 45%. Bản mong được hỗ trợ xây dựng các mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo; đầu tư cứng hóa tuyến đường vào bản, đường đến khu sản xuất, xây dựng nhà lớp học cho các cháu mầm non.

Về huyện vùng cao Bắc Yên, nơi có trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Xuyên qua lớp sương mù, chúng tôi về dự Ngày hội văn hóa các dân tộc xã vùng cao Hang Chú đầu xuân mới cũng cảm thấy niềm vui rộn ràng trên mảnh đất sinh sống gần 750 hộ, hơn 3.700 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Với nội lực của xã và được hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng từ các chương trình, dự án của Nhà nước trong 5 năm qua, đã từng bước làm thay da đổi thịt vùng cao Hang Chú; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%/năm; xã đạt 12/19 tiêu chí và 33/49 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, đây là kết quả rất tích cực với xã thuộc diện xa xôi nhất huyện.

Nhiều điều mừng, song Hang Chú vẫn còn khó khăn, theo tiêu chí đa chiều, hộ nghèo chiếm 59,8%, cận nghèo 18,6%, cần một nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa làm “đòn bẩy” cho xã phát triển hơn. Nghị quyết 16-NQ/TU là kỳ vọng lớn đối với cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Mông Hang Chú. Không dấu niềm vui, anh Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Xã mong Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống cho xã Hang Chú nói riêng và các xã khó khăn ở vùng sâu, vùng xa nói chung thụ hưởng; ưu tiên các nguồn vốn, các chương trình dự án như đầu tư kiên cố hóa các công trình thủy lợi, nhựa hóa hoặc bê tông hóa các tuyến đường từ xã đi vào các bản trong xã, đường nội bản; hỗ trợ sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản để tăng thu nhập cho người dân. Xã chúng tôi sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chương trình đầu tư; đảm bảo nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Mùa Xuân đến mang theo những hy vọng về năm mới thắng lợi mới. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành triển khai chương trình  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ mang lại những mùa Xuân đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn cho những đồng bào dân tộc thiểu số, thêm đổi mới khắp bản làng vùng sâu, vùng xa.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới