Những kỹ sư nông nghiệp trong lòng dân

Không quản ngại khó khăn, luôn tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân chủ động sản xuất trên từng thửa ruộng, mảnh nương, khu vực chăn nuôi, ao cá. Đó là hình ảnh những cán bộ khuyến nông các cấp đồng hành cùng nông dân trong tỉnh đem lại mùa vàng bội thu.

Mô hình trồng cam VietGAP tại HTX Trường Tiến, bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Tròn 20 năm làm khuyến nông viên ở cơ sở, khắp các bản từ vùng thấp đến vùng cao đều ghi ấn dấu chân của khuyến nông. Ông Lường Trung Hải, khuyến nông viên xã Phiêng Luông (Mộc Châu), kể: Trước đây không có điện thoại, phương tiện thông tin đại chúng hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, có những nơi phải đi bộ mới đến được, ấy vậy mà cứ đều đặn hàng tuần tôi đều đi các bản để tuyên truyền, thực hành kỹ thuật cho bà con. Khó khăn nhất là tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi sang các cây trồng mới, khuyến nông viên phải nghiên cứu vận động thực hiện mô hình điểm, thấy hiệu quả các hộ sẽ làm theo. Ngày nay, nông dân đã làm chủ khoa học kỹ thuật, cập nhật, chọn lọc các loại giống cây trồng mới phù hợp vào để sản xuất, nâng cao giá trị, thu nhập. Đặc biệt chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo yêu cầu, nhu cầu thị trường.

Lăn lộn với cơ sở, đưa các mô hình khuyến nông về với nông dân, chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn không nhớ nổi mình đã triển khai bao nhiêu mô hình, bởi công việc cứ cuốn hút, mô hình này chưa xong đã gối mô hình tiếp theo. Với gần 20 năm kinh nghiệm làm cán bộ khuyến nông huyện, không chỉ nắm chắc kiến thức kỹ thuật lý thuyết, chị Lan còn thực hành sản xuất trên 2 ha đất của gia đình. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình được nhiều nông dân đến học tập kinh nghiệm. Kể về những kỷ niệm đáng nhớ nhất, chị Lan chia sẻ: Chuyển đổi trồng cây ăn quả là mô hình mới đối với bà con, để thay đổi tư duy, nhận thức và giúp nông dân nhìn thấy lợi nhuận, chúng tôi đã xây dựng mô hình điểm trồng cây ăn quả đầu tiên tại xã Cò Nòi. Hiệu ứng tích cực từ mô hình đã lan rộng ra toàn huyện. Mai Sơn hiện đã trở thành một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả an toàn, chất lượng cao và cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng cây ăn quả.  Hiện nay, hệ thống khuyến nông tỉnh đang duy trì trên 200 khuyến nông viên các xã, trên 100 khuyến nông các huyện, thành phố và gần 20 cán bộ kỹ thuật khuyến nông tỉnh. Năm 2021, hệ thống khuyến nông tỉnh đã tổ chức 43 lớp tập huấn, với trên 1.538 lượt người tham gia; tổ chức 7 cuộc hội thảo, tổng kết, đánh giá nhân rộng các mô hình khuyến nông tiêu biểu. Triển khai xây dựng 18 loại mô hình khuyến nông với trên 1.000 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi.

Vừa xuất bán lứa gà lai mía do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ vào dịp giáp Tết, anh Quàng Văn Nhất, bản Chộ Muông, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) đã thu lãi gần 20 triệu đồng. Không giấu được niềm vui, anh Nhất bày tỏ: Gia đình tôi là một trong 30 hộ nghèo ở bản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% về giống, phân bón và thức ăn chăn nuôi để thực hiện mô hình. Cán bộ kỹ thuật tận tình hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cách chăn nuôi gà an toàn sinh học kết hợp với trồng trọt tăng gia sản xuất và tư vấn liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Còn gia đình anh Hà Văn Khánh, bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) tham gia mô hình “Thâm canh cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP”. Qua 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Anh Hà Văn Khánh, chia sẻ: Giờ nông dân chúng tôi không còn sản xuất tự phát, mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Với 1 ha trồng xoài VietGAP, sản lượng đạt 25 tấn, giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với giá thị trường, gia đình vẫn đạt doanh thu 200 triệu đồng/ha.

Bà Cầm Thị Thắm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Bà con nông dân cũng rất năng động, sáng tạo, học hỏi nhanh chóng những kinh nghiệm từ sản xuất thực tế. Để đổi mới công tác khuyến nông hiện nay, việc tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật luôn được xây dựng xuất phát từ đề xuất của bà con nông dân và nhu cầu sản xuất thực tế. Việc tổ chức tập huấn lý thuyết luôn được gắn với thực hành, thực địa để nâng cao hiệu quả hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Thành tựu mà ngành nông nghiệp tỉnh ta chuyển mình mạnh mẽ như ngày hôm nay có vai trò rất lớn của hệ thống Khuyến nông tỉnh. Các anh, các chị, những kỹ sư nông nghiệp vừa là người bạn đồng hành vừa là cầu nối đưa tiến bộ khoa học tới người dân, tạo cho bà con thêm niềm tin, động lực thi đua sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới