“Chắp cánh” cho nông sản vươn xa

Vẫn những cây trồng quen thuộc, những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nhưng được các hợp tác xã và người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất sản phẩm sạch, từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm và ghi dấu ấn tại các thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu.

Trong câu chuyện về lãnh đạo sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhân dân trong huyện, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La, chia sẻ: Huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nông dân chăm sóc, cải tạo vườn tạp; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Mường La đã xuất khẩu trên 1.300 tấn xoài, hơn 5.300 tấn chuối và tiêu thụ trên 16.000 tấn nhãn, xoài, chuối, sơn tra tại siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh trong nước.

Người dân xã Mường Bú thu hoạch, phân loại xoài phục vụ xuất khẩu 

Cùng vào cuộc với người dân, huyện đã định hướng cho các xã lựa chọn các giống cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Mường La chọn vùng thấp trồng các loại cây ăn quả: Xoài, nhãn, táo, chuối...; vùng cao trồng sơn tra, mận hậu ghép và một số loại cây dược liệu. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện hỗ trợ trên 28,8 tỷ đồng, trồng mới hơn 1.500 cây ăn quả các loại; hỗ trợ gần 893 triệu đồng cho gần 3.699 hộ cải tạo vườn tạp; hỗ trợ 391 triệu đồng cho các HTX mua bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ xuất khẩu. Năm 2021, hỗ trợ 480 triệu đồng cho các hộ dân xây dựng lò sấy nhãn... Những chính sách hỗ trợ kịp thời đã làm điểm tựa quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện nay, Mường La có trên 5.000 ha cây ăn quả các loại; 8 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 1 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, với trên 200 ha được cấp mã số vùng trồng; hình thành 7 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm (2 chuỗi cây sơn tra; 2 chuỗi cây mận; 3 chuỗi cây xoài).

Nhìn lại mùa thu hoạch nông sản, ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX nông nghiệp Mường Bú, chia sẻ: HTX có 28 ha xoài, 12 ha nhãn, 5 ha mít, 20 ha táo đại... Các thành viên HTX đều áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, liên kết với các HTX, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, HTX đã xuất bán trên 500 tấn quả các loại, trong đó 200 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc.

Thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo sản xuất, chế biến, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Nhất là việc kết nối giao thương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các HTX trong huyện tìm hiểu nhu cầu thị trường, giá cả, gặp gỡ, trao đổi và ký kết hợp đồng tiêu thụ hàng hóa nông sản với các doanh nghiệp, nhà phân phối tại thị trường trong và ngoài nước. Nhiều HTX trong huyện đã đứng ra thu mua nông sản cho người dân. Đó là các HTX: Hưng Thịnh, Đoàn Kết, Đảo Ngọc, Nông nghiệp Mường Bú... Đồng thời, liên kết với các đơn vị xuất khẩu là Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Công ty Đồng Giao Doveco; Công ty CP nông - lâm nghiệp Cánh đồng vàng, Công ty cổ phần TM&XNK GreenPath Việt Nam.

Chị Phạm Thị Ảnh, Giám đốc HTX Đảo Ngọc, cho biết: Hàng năm, Ban Giám đốc HTX đã kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua sản phẩm nông sản của nhân dân một số xã của huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu. Đặc biệt, vụ năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn kết nối và thu mua trên 1.000 tấn xoài, hơn 3.000 tấn nhãn để xuất khẩu sang Trung Quốc và bán trên chợ đầu mối ở các tỉnh, giúp người dân có thu nhập ổn định và yên tâm phát triển sản xuất.

Người dân xã Mường Bú thu hoạch, phân loại xoài phục vụ xuất khẩu 

Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất, trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương, “chắp cánh” cho nông sản của huyện khẳng định thương hiệu và vươn tới tiêu thụ trên thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện, Mường La có 4 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao, gồm: Tinh dầu sả java, gạo nếp tan Ngọc Chiến, Táo đại Mường Bú, Thịt hun khói Thúy Sương. Các sản phẩm này đều đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh trong cả nước.

Ông Lò Văn Xây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, phấn khởi: Ngọc Chiến có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của tỉnh, trong đó có sản phẩm gạo nếp tan. Đây là giống gạo nếp quý, đã khẳng định được giá trị trên thị trường trong tỉnh, trong nước. Ai về Ngọc Chiến cũng mong muốn được thưởng thức cơm xôi được đồ từ loại gạo này và mua làm quà cho bạn bè, người thân. Hiện nay, xã đã trồng 250 ha, đồng thời triển khai nhiều giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo nếp tan, để sản phẩm vươn xa đến nhiều vùng, miền trong cả nước.

Ánh nắng xuân trải dài trên những nương đồi, đồng ruộng Mường La, mang niềm tin về những mùa nông sản bội thu và tiếp tục vươn xa trên nhiều thị trường trong và ngoài nước, để cuộc sống người dân thêm đủ đầy, hạnh phúc.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới