Lan tỏa phong trào yêu thơ

Trước sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa mới, những giá trị nghệ thuật truyền thống như thơ ca vẫn luôn có một vị trí vững chắc trong lòng công chúng.

Thời gian qua, phong trào thơ ca trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng có bước phát triển, lan tỏa sâu rộng với nhiều CLB thơ thu hút hàng trăm hội viên, mỗi năm sáng tác hàng nghìn tác phẩm thơ với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, thể hiện tình yêu quê hương đất nước và đóng góp vào sự phát triển của dòng chảy văn hóa Sơn La.

Là một trong 5 CLB thơ trên địa bàn thành phố Sơn La, CLB thơ Chiềng Lề được thành lập năm 1996, trải qua 28 năm duy trì và phát triển, đến nay có 25 hội viên, hầu hết là cán bộ hưu trí đã từng công tác ở nhiều lĩnh vực, am hiểu về văn hóa nghệ thuật, sâu nặng tình cảm với con người và mảnh đất quê hương Sơn La. Trong đó có nhiều tác giả tiêu biểu như: Cao Thành, Trần Phiến, Hoàng Việt Thắng, Bùi Nguyên Lượng với nhiều sáng tác chất lượng, thường được đăng tải trên các tạp chí của tỉnh và trung ương. Trong suốt chặng đường phát triển, CLB đã ghi dấu ấn qua 4 tập thơ được xuất bản gồm: “Chiềng Lề trong tôi”; “Thơ Chiềng Lề”; “Màu áo lính”; “Hồn đất – tình thơ”.

CLB Thơ Chiềng Lề, Thành phố gặp mặt hội viên đầu xuân.

Ông Cao Thành, Hội viên CLB thơ Chiềng Lề, cho biết: CLB luôn là sân chơi văn hóa nghệ thuật, thỏa mãn niềm đam mê cho những người yêu thơ ca. Các sáng tác của hội viên CLB luôn bám sát hơi thở cuộc sống, nhạy bén, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương, những sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, phản ánh kịp thời, sinh động sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại các phường, xã, tổ, bản..., làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Hội viên CLB Thơ Chiềng Lề đàm đạo thơ.

Là một cán bộ hưu trí với tâm hồn yêu thơ ca, ông Bùi Nguyên Lượng, hội viên Chi hội Văn học thành phố Sơn La luôn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác thơ. Đồng thời tích cực tham gia các trại sáng tác do Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức, đến với nhiều vùng đất, miền quê trong tỉnh để chiêm nghiệm cuộc sống, tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, từ đó khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo. Đầu xuân Giáp Thìn, ông Bùi Nguyên Lượng vừa hoàn thành bài thơ “Thành phố trẻ Sơn La” với những áng thơ mang đầy cảm xúc, ca ngợi sự phát triển của quê hương phố núi. 

"Những con đường vươn tới những miền xa

Những cây cầu nối đôi bờ mơ ước

Dòng Nậm La cũng hiền hòa hơn trước

Như dải lụa mềm giữa đô thị nguy nga…"

Bài thơ của ông Bùi Nguyên Lượng được lựa chọn để thể hiện trong chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu năm 2024, ông chia sẻ: Dù là nhà thơ hay chỉ là một người yêu thơ, thích làm thơ, thì cảm xúc luôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc sáng tác tác phẩm. Muốn có nhiều cảm xúc, phải đi nhiều, đọc nhiều, trải nghiệm nhiều. Thi sĩ càng giàu xúc cảm thì ý tứ thơ ca càng dồi dào. Nhất là sau mỗi sáng tác được thể hiện, chia sẻ, bình thơ với các thi hữu sẽ rất vui và hạnh phúc.

Thành phố Sơn La tươi đẹp là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ.

Mỗi dịp rằm tháng giêng hàng năm, cùng với cả nước, công chúng yêu thơ của tỉnh Sơn La lại hội tụ tại đêm thơ Nguyên tiêu để cùng thưởng thức những vần thơ sâu lắng, đặc sắc. Năm nay, chương trình đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ XXII do Hội Liên hiệp VHNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp tổ chức vào tối ngày 22/2 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, sẽ mang đến cho các thế hệ yêu thơ một bức tranh thơ ca muôn màu về cuộc sống, văn hóa, con người, những đổi thay của quê hương đất nước, mang theo những khát vọng tươi đẹp, những giá trị chân - thiện - mỹ mà thơ ca hướng đến.

Họa sỹ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, cho biết: Đây là lần thứ 22, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu. Chủ đề “Bản hòa âm đất nước” mang ý nghĩa tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là sự kiện văn hóa, nghệ thuật thiết thực mừng các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024, đồng thời, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của thi ca, giá trị của văn học nghệ thuật đến với công chúng.

Những giá trị thẩm mỹ mà thơ ca mang đến làm cho cuộc sống thêm phong phú, sinh động, trở thành sợi dây gắn kết giữa con người với con người. Hơn hết, thơ ca cũng là hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, còn người, đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới