Xét xử cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và thuộc cấp

Xét xử cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và thuộc cấp; mưa lớn kéo dài, đường sắt Bắc Nam bị sạt lở, ngập lụt nhiều đoạn; ngành dệt may Bangladesh chịu thiệt hại do biểu tình đòi tăng lương…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 30/10.

Xét xử cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và thuộc cấp

 Các bị cáo tại phiên tòa ngày 30/10. Ảnh: TTXVN

Ngày 30/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Thành phố. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố theo dõi, chỉ đạo.

Vụ án đã hoãn xét xử nhiều lần. Lý do hoãn trong lần mở phiên tòa gần đây nhất vào ngày 29/9 do bị cáo Phan Minh Tân (cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) và bị cáo Nguyễn Quốc Thái (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ) nhập viện; bị cáo Khuất Duy Vĩnh Long (cựu cán bộ Phòng Quản lý công nghệ) bỏ trốn.

Trong phần làm thủ tục phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành xác minh tình trạng sức khỏe của Nguyễn Quốc Thái khi bị cáo này tiếp tục vắng mặt do nhập viện. Hội đồng xét xử hội ý và quyết định vẫn xét xử vụ án. Cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phan Minh Tân và 5 thuộc cấp bị truy tố vì có hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại hơn 22,6 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, tháng 8/2009, Nguyễn Trọng Vũ - Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng, chuyên sản xuất chip) có công văn gửi Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đề nghị hỗ trợ kinh phí 5,1 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học để thực hiện dự án 1.

Sau khi Hội đồng xét duyệt dự án do Phan Minh Tân làm Chủ tịch thẩm định và thông qua, Công ty Huy Hoàng được hỗ trợ 4,9 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, tiến độ cấp kinh phí được chia thành 3 đợt.

Mặc dù tiến độ thực hiện dự án của Công ty Huy Hoàng chậm hơn kế hoạch nhưng Phan Minh Tân cùng các đồng phạm vẫn đề xuất, xét duyệt cấp tiếp kinh phí đợt 2 là 700 triệu đồng. Sau khi nhận kinh phí đợt 2, Công ty Huy Hoàng không hoàn thành được dự án, cũng không hoàn trả kinh phí phải thu hồi. Theo kết luận giám định, dự án gây thiệt hại gần 3,2 tỷ đồng.

Tháng 9/2009, Nguyễn Trọng Vũ tiếp tục có công văn gửi Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị vay 10 tỷ đồng để thực hiện dự án khác. Sau các bước thẩm định, xét duyệt, đầu năm 2010, Phan Minh Tân đã ký văn bản kết luận dự án đạt yêu cầu, đồng ý cho vay dù có nhiều ý kiến phản đối cho rằng dự án không khả thi, đồng thời đề nghị xem xét lại nguồn vốn của Công ty Huy Hoàng.

Tháng 4/2019, Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (HIFU) ký hợp đồng cho Công ty Huy Hoàng vay 10 tỷ đồng, thời hạn 48 tháng, lãi suất 0%, tiến độ giải ngân chia thành nhiều đợt. Sau khi nhận giải ngân đợt 3 ngày 13/5/2011, Nguyễn Trọng Vũ xuất cảnh bỏ trốn đi Mỹ.

Bị cáo Phan Minh Tân thừa nhận dù biết Công ty Huy Hoàng không đủ năng lực tài chính và còn hạn chế nhưng xét thấy lĩnh vực sản xuất chip điện tử đang được Nhà nước khuyến khích nên vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội vì cho rằng việc xét duyệt cho vay là đúng quy định.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, truy nã Nguyễn Trọng Vũ, Giám đốc Công ty Huy Hoàng về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến tháng 4/2017, Cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra Vũ, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Mưa lớn kéo dài, đường sắt Bắc Nam bị sạt lở, ngập lụt nhiều đoạn

 Điểm sạt lở xuất hiện tại Km 354+900 đến Km 355+400 đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang. Ảnh: TTXVN 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh di chuyển lệch Đông xuống phía Nam, những ngày qua tại Hà Tĩnh có mưa vừa, to đến rất to. Mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, sạt lở đất và ngập úng tại một số địa phương.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lượng mưa đo được tính từ 7 giờ ngày 29/10 đến 7 giờ ngày 30/10/2023 tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh ở Hương Trạch là 103,0 mm; Kỳ Anh 132 mm; Sơn Kim ll 110mm; Chu Lễ 166 mm; Hương Khê 204 mm; Linh Cảm 212 mm; Hòa Duyệt 88,0 mm; Sơn Diệm 145,0 mm; Hoành Sơn 84 mm; Hương Sơn 137 mm; thành phố Hà Tĩnh 35 mm; Cẩm Nhượng 46 mm.

Mưa lớn kéo dài đã khiến một số đoạn của tuyến đường sắt qua địa bàn xã Đức Liên sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở xuất hiện tại Km 354+900 đến Km 355+400 đoạn qua thôn Liên Châu. Hàng nghìn mét khối đất bị sạt lở, trôi xuống sông Ngàn Sâu. Do sạt lở nên việc vận hành các tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngưng trệ, ngành đường sắt đã ra thông báo dừng tàu. Đại diện lãnh đạo xã Đức Liên cho biết, địa phương đang phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường sắt để có phương án khắc phục sớm nhất.

Độ ẩm trong đất rơi vào trạng thái bão hòa đã khiến nhiều vùng xảy ra tình trạng sạt lở như bờ sông Ngàn Mọ qua xã Cẩm Duệ bị dài 150m tại các thôn: Phương Tứ, Trung Thành, Quốc Tiến (huyện Cẩm Xuyên); đường giao thông nông thôn Tân Quang sạt lấp đường khoảng 30m, đường Hà Cát - Vĩnh Yên xã sạt lề đường 2 điểm dài khoảng 40m; sạt lở đất vườn đồi 3 hộ tại thôn Hà Cát và 1 hộ tại thôn Vĩnh Yên (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ),…

Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại một số địa phương miền núi. Tại huyện Hương Khê, một số cầu tràn bị ngập cục bộ như cầu Lim, cầu tràn đập Làng, xã Hương Bình; cầu tràn đập úc, xã Hương Xuân. Tại huyện Hương Sơn ngập một số tuyến đường giao thông nội đồng. Huyện Vũ Quang ngập một số tuyến đường giao thông nội vùng tại xã Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, khu tái định cư tổ 2 thị trấn.

Ngành dệt may Bangladesh chịu thiệt hại do biểu tình đòi tăng lương

Hàng chục nhà máy dệt may tại Bangladesh đã bị hư hại giữa lúc hàng nghìn công nhân ngành may mặc ở quốc gia Nam Á này biểu tình yêu cầu tăng lương.

Ngày 30/10, cảnh sát cho biết, ít nhất 10.000 công nhân đã bỏ ca làm việc để tham gia các hoạt động biểu tình tại Gazipur - thành phố công nghiệp lớn nhất Bangladesh. Khoảng 7.000 người khác biểu tình ở thị trấn Ashulia và Hemayetpur, đều ở gần thủ đô Dhaka. Trong khi đó, lãnh đạo nghiệp đoàn dệt may ở vùng Ashulia cho biết số người tham gia biểu tình lên đến ít nhất 100.000 người.

Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở thành phố Gazipur, ít nhất 40 nhà máy bị ảnh hưởng sau khi người biểu tình đập phá cửa sổ và làm hư hại trang thiết bị.

Bangladesh là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm dệt may. Kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 55 tỷ USD của nước này mỗi năm. Hiện có khoảng 3.500 nhà máy sản xuất hàng dệt may cho một số thương hiệu lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Bangladesh,…/.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới