Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Trước yêu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,5% vào năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, góp phần phát triển thị trường tín chỉ các-bon rừng trên địa bàn tỉnh.

Kiểm lâm địa bàn và nhân dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu làm đường băng cản lửa PCCCR.
                                                                                                                                                                                       Ảnh: PV

Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho nhân dân.

Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý hiệu quả diện tích rừng và đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được xác lập. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ môi trường rừng.

Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Lồng ghép, cân đối các nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; trong đó ưu tiên công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng gắn với ổn định, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng. Phát triển lâm nghiệp đảm bảo theo đúng định hướng, mục tiêu tổng quát chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Triển khai thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích đất, rừng do các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; khuyến khích các chủ rừng xây dựng và thực hiện quản lý rừng bền vững trên diện tích được giao, cho thuê.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, như phát triển lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, như dược liệu, thực phẩm. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, gắn trồng rừng với khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng và phát triển nhanh thị trường tín chỉ các-bon rừng trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; kiên quyết không chuyển diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).

Quản lý, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung những diện tích đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp thuộc các công trình, dự án, nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất.

Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; có chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực làm công tác lâm nghiệp. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tham mưu giải quyết diện tích đất bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm đất đai đối với đất có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Tổ chức xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, thí điểm phát triển tiềm năng cây đặc sản, trồng dược liệu dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới