Thắm tình hữu nghị đặc biệt, son sắt thủy chung Việt Nam - Lào: QUAN HỆ HỢP TÁC HỮU NGHỊ GIỮA SƠN LA VÀ CÁC TỈNH BẮC LÀO

QUAN HỆ HỢP TÁC HỮU NGHỊ GIỮA SƠN LA VÀ CÁC TỈNH BẮC LÀO

Đồng chí Hoàng Nó, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đón Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào)

do đồng chí Xay-nha-vông làm Trưởng Đoàn thăm Sơn La năm 1983. Ảnh chụp lại.

Tỉnh Sơn La có 250 km đường biên giới giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ tháng 11 năm 1969 tỉnh Sơn La đã ký văn bản hợp tác với tỉnh Hủa Phăn, năm 1985 ký văn bản hợp tác toàn diện với tỉnh Bò Kẹo (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào). Do điều kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh Sơn La có nhiều nét tương đồng với các tỉnh Bắc Lào, nên mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào không ngừng được mở rộng. Đến nay tỉnh Sơn La đã ký kết văn bản hợp tác toàn diện với 8 tỉnh Bắc Lào gồm: Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, U Đôm Xay, Phông Sa Lỳ, Luông Nặm Thà, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng.

Tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hoá và xã hội. Đặc điểm đó tạo nên mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào không ngừng phát triển, thu được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển Kinh tế - Xã hội, củng cố Quốc phòng - An ninh ổn định và nâng cao đời sống nhân dân mỗi bên, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn tỉnh Sơn La luôn gắn liền và là hậu phương vững chắc cho căn cứ địa cách mạng Viêng Xay của Lào ở tỉnh Hủa Phăn. Trong lúc cách mạng Lào còn khó khăn, một số bản khu vực biên giới của Sơn La đã là nơi trực tiếp giúp đỡ cán bộ Lào hoạt động. Nhiều đồng chí cán bộ Trung ương và Chính phủ Lào hoạt động ở vùng biên giới giáp ranh giữa Sơn La và Hủa Phăn đã được đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La giúp đỡ và che chở, trong đó có đồng chí Cay - Xỏn - Phôm - Vi - Hản vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào, đã từng hoạt động và làm việc tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trong những năm 1950 - 1960 của thế kỷ XX. Đã có nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ là con em các dân tộc Sơn La cùng kề vai sát cánh với các chiến sỹ Pa thét Lào và nhân dân các dân tộc Lào chiến đấu anh dũng, không ngại hy sinh gian khổ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Sơn La đã sớm thiết lập và đặt quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn Lào, đặc biệt với hai tỉnh giáp biên giới là Hủa Phăn và Luông Pha Bang. Tháng 11 năm 1969 tại căn cứ địa cách mạng Lào ở Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn) đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La đã ký văn bản hợp tác đầu tiên với tỉnh Hủa Phăn, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào. Năm 1985, thực hiện nhiệm vụ do Trung ương Đảng và Chính phủ hai nước giao, tỉnh Sơn La và tỉnh Bò Kẹo đã ký kết văn bản hợp tác. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có quan hệ hữu nghị và ký kết hợp tác toàn diện với 8 tỉnh Bắc Lào gồm: Hủa Phăn, Luông Pha Bang, U Đôm Xay, Bò Kẹo, Luông Nậm Thà, Phông Sa Lỳ, Xiêng Khoảng, Xay Nha Bu Ly đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của hai nước cũng như lợi ích và nguyện vọng của nhân dân mỗi bên.

Trên cơ sở nội dung các văn bản hợp tác đã ký giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Sơn La thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Sơn La và các tỉnh Bắc Lào; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của mỗi nước; cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng hai nước của các thế lực thù địch, chủ động giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào thường xuyên cử đoàn đại biểu cấp tỉnh, các đoàn công tác liên ngành sang thăm và làm việc để triển khai thực hiện các nội dung hợp tác.

Trên cơ sở các nội dung văn bản đã ký kết, tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào đã duy trì trao đổi giữa các đoàn đại biểu cấp cao, các đoàn chuyên môn, đoàn công tác của các cấp, các ngành và đoàn thể sang thăm hữu nghị, thăm và làm việc, thăm quan học tập kinh nghiệm, đảm bảo mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Quan hệ hữu nghị và hợp tác đó trong giai đoạn 2011-2015 và 2016 - 2017  thể hiện như sau:

Hợp tác về chính trị

Đồng chí Đỗ Văn Ân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

và Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Sơn La thăm tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), năm 1994

Ảnh chụp lại.

Tỉnh Sơn La đã có quan hệ hữu nghị đặc biệt và đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với 8 tỉnh Bắc Lào (Hủa Phăn, Luông Pha Bang, U Đôm Xay, Bò Kẹo, Phông Sa Lỳ, Luông Nặm Thà, Xay Nhạ Bu Ly và Xiêng Khoảng).

Trên cơ sở nội dung các văn bản đã ký kết, tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào đã cử các đoàn đại biểu cấp cao thăm hữu nghị chính thức lẫn nhau, các đoàn liên ngành sang thăm và làm việc để bàn biện pháp tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác. Riêng trong năm 2016 tỉnh Sơn La đã đón tiếp, làm việc với 41 đoàn đại biểu với 411 lượt người của các tỉnh Bắc Lào sang thăm, làm việc, tham quan học tập kinh nghiệm, khám chữa bệnh và đưa lưu học sinh sang nhập học tại Sơn La; cho phép 24 đoàn công tác với 279 lượt cán bộ của tỉnh sang công tác tại các tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; trong đó  tổ chức 03 Đoàn cán bộ do đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sang thăm và làm việc tại 8 tỉnh Bắc Lào.

Chỉ đạo các ngành, cấp uỷ, chính quyền các huyện biên giới chủ động nắm và giải quyết kịp thời tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và các vấn đề có liên quan; duy trì mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Phối hợp với các tỉnh phía Lào tổ chức tiếp nhận, trao trả các hộ dân di cư tự do, các đối tượng vượt biên giới trái pháp luật.

Phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện, lâu dài Việt Nam - Lào. Tỉnh Sơn La đã thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc về truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào ; Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, các chủ trương, chính sách của hai Đảng, hai Nhà nước.

Nhân dân dọc vùng biên giới giữa Sơn La và các tỉnh Bạn đã chủ động giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế; nâng cao đời sống, cùng nhau xây dựng đường biên giới hữu nghị. Tỉnh cũng có chủ trương tạo điều kiện để các huyện trong tỉnh tổ chức kết nghĩa và hợp tác với các huyện Bạn. Đến nay đã có 8 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La ký kết hợp tác với 5 huyện của tỉnh Hủa Phăn, 2 huyện của tỉnh Luông Pha Bang và 1 huyện của tỉnh U Đôm Xay.

Nhân dịp các ngày lễ lớn, những ngày kỷ niệm trọng đại của mỗi tỉnh, mỗi nước, tỉnh Sơn La đã gửi thư chúc mừng và cử các đoàn đại biểu sang tham dự lễ kỷ niệm, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào nói chung, Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng.

Hợp tác về kinh tế, văn hóa, xã hội

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La (nước CHXHCN Việt Nam) tặng

Bức trướng “Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Sơn La - Bò Kẹo

mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững"

nhân dịp Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bò Kẹo (nước CHDCND Lào) thăm và làm việc tại tỉnh ta, năm 1999.

Ảnh chụp lại.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật

Tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào khuyến khích các thương nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, thúc đẩy trao đổi, giao lưu hàng hoá và tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên. Tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ nông nghiệp của các tỉnh Bạn thăm quan trao đổi kinh nghiệm về phương pháp sản xuất giống cây trồng, con nuôi, thuỷ sản, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đã hỗ trợ Bạn về giống vật nuôi và cây trồng. Đồng thời, các tỉnh Bắc Lào cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Sơn La sang đầu tư phát triển sản xuất như trồng và thu mua ngô năng suất, chất lượng cao tại các tỉnh Bạn; giới thiệu sản phẩm, khảo sát thị trường, xem xét khả năng hợp tác, đầu tư sản xuất hàng hoá, chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản; tổ chức Hội chợ thương mại biên giới thúc đẩy giao thương hàng hoá.

Hàng năm, tỉnh Sơn La đã trích từ nguồn ngân sách của tỉnh giúp các tỉnh Bắc Lào xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị văn phòng. Một số công trình viện trợ cụ thể như: Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Luông Pha Bang, Trạm thu phát truyền hình tỉnh Hủa Phăn, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Phông Sa Lỳ, trạm hạ thế và lưới điện cung cấp cho khu vực Phiêng Sa (Xiềng Khọ - Hủa Phăn), sửa chữa và nâng cấp bến phà Mường Ét, Trường chính trị - Hành chính tỉnh U Đôm Xay; trụ sở làm việc của BCH quân sự huyện Viêng Khăm (Luông Pha Bang); Trường dạy nghề tỉnh Phông Sa Lỳ, Nhà văn hóa tỉnh Xay Nha Bu Ly...Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, tỉnh Sơn La đã thực hiện một số dự án là quà tặng của Chính phủ Việt Nam tặng cho Chính phủ Lào giao cho tỉnh Sơn La thực hiện như: Công trình bệnh viện Tôn Phậng, tỉnh Bò Kẹo (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng), dự án Trường Dạy nghề tỉnh Bò Kẹo giai đoạn II, dự án Trường dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn…

Trong năm 2016, tỉnh Sơn La tiếp tục trích từ nguồn ngân sách của tỉnh số tiền 26,1 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh Bạn xây dựng một số hạng mục công trình thiết yếu như: Trung tâm cá giống và giống cây trồng tỉnh Bò Kẹo, kinh phí xây dựng hội trường của Trường dân tộc nội trú tỉnh Luông Nặm Thà, 01 hạng mục của Trường Chính trị tỉnh Phông Xa Lỳ; xây dựng Trường học tại huyện Xay Nha Bu Ly, tỉnh Xay Nha Bu Ly; xây dựng hệ thống nước sạch tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh và đầu tư phát triển nông nghiệp cho người người dân tại 03 bản thuộc huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng.

Nhân dân tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) nồng nhiệt đón

Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La (nước CHXHCN Việt Nam), tháng 10 năm 2010. .Ảnh chụp lại.

Riêng kinh phí đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại ở khu vực biên giới hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đầu tư còn rất khiêm tốn so với khu vực đô thị. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 17 xã giáp biên, nhưng mới có 5 xã với 06 chợ biên giới trong đó có 04 chợ được xây dựng kiên cố, 02 chợ tạm, 12 xã còn lại chưa có chợ. Các hoạt động của chợ chủ yếu là nơi tập kết hàng hóa cho các vùng trong khu vực, hàng hóa chưa đa dạng về chủng loại và mới đang là các hàng hóa thiết yếu, hiện nay tỉnh Sơn La đang chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành khảo sát vị trí, mở thêm và nâng cấp các chợ trên tuyến biên giới nhằm từng bước góp phần phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội.

Tỉnh Sơn La đã tặng và cung ứng nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, năng suất cao như giống nấm, giống ngô LVN, Biocid; chuyển giao kỹ thuật mô hình sản xuất lúa nước tại bản Đán (Hủy Phăn), mô hình trình diễn ngô tại tỉnh Xay Nha Bu Ly và U Đôm Xay. Hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ và nuôi bò sữa chất lượng cao tại tỉnh U Đom Xay… Ngoài ra, một số doanh nghiệp của tỉnh đã thu mua, tiêu thụ nông sản cho nhân dân các tỉnh Bạn ở vùng gáp biên giới.

Tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện cho các cơ quan, ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể cũng như các thương nhân thuộc các thành phần kinh tế của hai bên được sang thăm quan trao đổi kinh nghiệm, tham gia ký kết hợp đồng kinh tế về kinh doanh thương mại, dịch vụ, thúc đẩy trao đổi, giao lưu hàng hoá và tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên trên cơ sở  tôn trọng pháp luật của mỗi nước.

 

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội

 Do có nhiều nét tương đồng về văn hóa và mối quan hệ láng giềng thân thiết, văn hóa đã trở thành cầu nối gắn bó giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và nhân dân các dân tộc Lào, vì vậy hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng được quan tâm chú trọng. Duy trì tổ chức giao l­ưu văn hoá, văn nghệ nhân các dịp kỷ niệm ngày lễ quan trọng và tết cổ truyền của mỗi nước, mỗi tỉnh, như nhân dịp Tết cổ truyền Bun Pi May của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp, hướng dẫn các cơ sở đào tạo có lưu học sinh Lào đang học tập tổ chức các hoạt động chào mừng như: tổ chức chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào; lễ buộc chỉ cổ tay...; các huyện, xã biên giới tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ giữa nhân dân hai bên biên giới; hỗ trợ các tỉnh bạn Lào tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ ngành thông tin văn hoá, nghệ thuật, thể thao, du lịch... góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bạn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La (nước CHXHCN Việt Nam) đón

đoàn đại biểu tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), tháng 6-2010. Ảnh chụp lại.

 Hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo

 

Trên cơ sở nội dung hợp tác về giáo dục và đào tạo, các chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực lâu dài và vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

 

Từ năm học 2000 - 2001 đến năm học 2015 - 2016: tỉnh đã đào tạo cho lưu học sinh của 08 tỉnh Bắc Lào tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La là 1.641 lưu học sinh, trong đó: Diện có ngân sách của tỉnh hỗ trợ 955 lưu học sinh; diện tự túc 686 lưu học sinh (diện học sinh tự túc được thực hiện từ năm học 2011-2012). Tỉnh Sơn La chủ trương giao số lượng đào tạo trung cấp, tăng mạnh số lượng đào tạo Cao đẳng, Đại học; tiếp nhận lưu học sinh Lào đã học ở Sơn La sang tiếp tục học văn bằng cao hơn.

Năm học 2016 - 2017 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1204/QĐ-UBND ngày 20.5.2016 phê duyệt kế hoạch đào tạo 144 cán bộ cho các tỉnh Bắc Lào bằng ngân sách của tỉnh. Cụ thể: trung cấp 16 cán bộ; cao đẳng 56 cán bộ; đại học 72 cán bộ. Tiếp nhận 376 em lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào sang học tập tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh (trong đó 130 em theo diện được hỗ trợ kinh phí và 346 em đăng ký học theo diện tự túc kinh phí)

 

Hợp tác về y tế

 

Đã triển khai công tác khám chữa bệnh cho hàng ngàn cán bộ và nhân dân của hai n­ước tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm xá các xã giáp biên. Ngành y tế của tỉnh Sơn La đã cử các đoàn chuyên gia y tế, hỗ trợ trang thiết bị và thuốc chữa bệnh sang phối hợp với Bạn thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh phát sinh ở khu vực biên giới. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay Trường Cao đẳng y tế Sơn La đã đào tạo cho 277 em lưu học sinh Lào học tập tại trường, trong đó: Năm học 2013 - 2014 nhà trường tuyển 27(cao đẳng 17 em, trung cấp 10).T ổng số lưu học sinh Lào học tập tại trường năm học 2013 - 2014 là có 35 lưu học sinh Lào học tập tại trường (cao đẳng 25 em, trung cấp 10) tháng 9/2014 tốt nghiệp ra trường 06 em (cao đẳng 6 em, trung cấp 0 em); Ngân sách nhà nước cấp là 15 em; HSSV tự túc kinh phí học tập là 20 em. Năm học 2014 - 2015 nhà trường tuyển 97 lưu học sinh Lào học tập tại trường (cao đẳng 69 em, trung cấp 28) tháng 9/2015 tốt nghiệp ra trường 11 em (cao đẳng 2 em, trung cấp 9 em); Tổng số lưu học sinh Lào học tập tại trường năm học 2014 - 2015 là 173 em (Cao đẳng: Dược 69 em, Điều dưỡng 9 em, Hộ sinh 45 em; y sĩ 50 em); Ngân sách nhà nước cấp là 49 em; HSSV tự túc kinh phí học tập là 124 em. Năm học 2015 - 2016 nhà trường đã tuyển sinh được 86 em, trước khi nhập trường 100% các em đã được kiểm tra và đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt phục vụ cho học tập chuyên ngành Y - Dược. Năm học này nhà trường đào tạo 171 em lưu HSSV Lào. Trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng 115 em (Dược 61 em, Điều dưỡng 9 em, Hộ sinh 45 em); đào tạo trình độ trung cấp (Y sĩ)  49 em. Trong đó 30 em đào tạo theo ngân sách nhà nước, 60 em đào tạo theo hệ tự túc. Năm học 2016 - 2017 nhà trường đã tuyển sinh được 67 em: Trung cấp 21, CDDD 3, CĐHS: 17, CD Dược 26. Hiện tại tổng số lưu học sinh Lào học tập tại trường năm học 2016 - 2017201 em (Cao đẳng: Dược 82 em, Điều dưỡng 7 em, Hộ sinh 60 em; y sĩ 52 em); Ngân sách nhà nước cấp là 81 em; HSSV tự túc kinh phí học tập là 120 em.

Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào)

thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La (nước CHXHCN Việt Nam), tháng 1-2010. Ảnh chụp lại.

 Hợp tác về quốc phòng, an ninh

 Lực lượng quân sự, an ninh tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào thường xuyên duy trì công tác trao đổi thông tin, phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của mỗi bên. Tỉnh Sơn La phốihợp với phía bạn duy trì đều đặn giao ban công tác biên giới việc tuần tra song phương và sửa chữa mốc giới trên tuyến biên giới giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng. Phối hợp, đấu tranh phòng, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm trọng tâm là tội phạm về ma túy. Duy trì trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả những vụ việc phát sinh liên quan đến hai bên. Lực lượng vũ trang tỉnh Sơn La đã tổ hỗ trợ giúp các tỉnh Bạn đào tạo, tập huấn cán bộ và một số phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo quy định. Xây dựng khu vực biên giới ổn định và phát triển bền vững, góp phần xây dựng biên giới hữu nghị Việt Nam - Lào. Những năm qua, nhân dân vùng biên giới của tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào ngày càng tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt qui chế biên giới, giúp đỡ nhau vượt mọi khó khăn để ổn định và phát triển.

 Thực hiện nghiêm túc công tác đối ngoại quân sự với các tỉnh Bắc Lào, xây dựng tuyến biên giới hòa bình và hữu nghị. Trong những năm qua thường xuyên tổ chức giao ban biên giới các năm giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào theo Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các tỉnh Bắc Lào huấn luyện nghiệp về công tác bảo vệ biên giới cho bộ đội biên phòng Hủa Phăn, nghiệp vụ quân báo - trinh sát cho Bộ Chỉ huy quân sự 3 tỉnh: Hủa Phăn, Luông Pha Bang, U Đôm Xay.

 

Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Đã hoàn thành cắm 125/125 cột mốc quốc giới và 12 cọc dấu thuộc địa phận tỉnh Sơn La giáp với hai tỉnh biên giới của Lào là Hủa Phăn và Luông Pha Bang, đã phát hành cuốn Kỷ yếu về công tác cắm mốc biên giới tỉnh Sơn La.

 

Màn hát, múa do lưu học sinh Lào đang học tại Trường Cao đẳng Sơn La

 biểu diễn trong buổi giao lưu hướng về cội nguồn tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào,

tổ chức tại Sơn La, ngày 24 tháng 4 năm 2012.

Ảnh chụp lại.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào đã không ngừng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Tình cảm sâu nặng, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự tin cậy, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa Sơn La và các tỉnh Bắc và Nam Lào đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển lên một tầm cao mới. Mối quan hệ đó đã được Trung ương Đảng, Chính phủ hai nước ghi nhận và đánh giá cao; luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trân trọng, giữ gìn và phát huy qua các thời kỳ và mãi mãi sẽ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.

 

 

Năm 2017, Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức đào tạo bồi dưỡng tiếng Việt cho 117 học viên là cán bộ cơ quan, ban, ngành; cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang của 8 tỉnh Bắc Lào.

Tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp (bao gồm cả đào tạo bằng hình thức liên thông) theo chương trình hợp tác với tỉnh.

Về chế độ chính sách:

Tỉnh Sơn La rất quan tâm tới việc đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với các tỉnh Bắc Lào; đã ban hành các chính sách hỗ trợ lưu học sinh Lào.

Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 15.3.2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ đối với lưu học sinh các tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thuộc diện đào tạo theo chương trình hợp tác với tỉnh, cụ thể:

Chính sách hỗ trợ đối với lưu học sinh các tỉnh nước CHDCND Lào thuộc diện đào tạo theo chương trình hợp tác tại tỉnh.

 Chi sinh hoạt phí cho lưu học sinh

+ Bồi dưỡng tiếng Việt trước khi vào học chuyên ngành: 3.160.000 đồng/lưu học sinh/tháng.

+ Đào tạo trình độ trung cấp: 2.680.000 đồng/lưu học sinh/tháng.

+ Đào tạo trình độ cao đẳng, đại học (bao gồm cả đào tạo bằng hình thức liên thông): 3.160.000 đồng/lưu học sinh/tháng.

+ Đào tạo trình độ thạc sĩ: 3.580.000 đồng/lưu học sinh/tháng (đối với trường hợp đào tạo chính quy không tập trung thì được hưởng theo số tháng thực học tại trường).

- Trang cấp ban đầu (không bao gồm đối tượng đào tạo trình độ thạc sĩ, đào tạo bằng hình thức liên thông): Tổng số tiền trang cấp ban đầu cho một lưu học sinh, mức chi tối đa là: 2.500.000 đồng (chỉ trang cấp một lần cho cả khóa học).

-  Hỗ trợ chi phí đi lại cho lưu học sinh: Hỗ trợ 01 lượt sang và 01 lượt về nước: 1.500.000 đồng/lưu học sinh/lượt (cả đi và về: 3.000.000 đồng/khóa đào tạo).

 Kinh phí hỗ trợ đi lại và sinh hoạt phí cho cán bộ các ban, ngành, lực lượng vũ trang các tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tham dự đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt, chuyên môn ngắn hạn theo chương trình hợp tác: 4.190.000 đồng/lưu học sinh/tháng (theo số tháng thực học).

 Kinh phí đào tạo đối với lưu học sinh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào học tự túc theo chương trình hợp tác đạt thành tích học tập:

- Loại Giỏi: 12.000.000 đồng/lưu học sinh/năm học.

- Loại Xuất sắc: 13.200.000 đồng/lưu học sinh/năm học.

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo được cấp theo từng năm học.

 Hỗ trợ các chế độ khác cho lưu học sinh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào theo chương trình hợp tác: Nhà trường bố trí phòng ở và cho mượn một số đồ dùng sinh hoạt trong phòng như ti vi, quạt và một số thiết bị khác. Các tài sản trên thuộc tài sản của nhà trường, do nhà trường quản lý, giao cho lưu học sinh mượn luân chuyển tài sản theo Quy chế của nhà trường.

Kinh phí đào tạo:

- Các cơ sở đào tạo tiếng Việt, trung cấp, cao đẳng, đại học và đào tạo thạc sĩ: 12.000.000 đồng/lưu học sinh/năm.

- Các cơ sở có các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn: 1.200.000 đồng/lưu học sinh/tháng (tính số tháng thực học).

Hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở đào tạo làm thủ tục gia hạn visa, thị thực cho lưu học sinhđào tạo chính quytối đa 1.000.000 đồng/lưu học sinh/năm.

Nguồn kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào được bố trí trong dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm và phân bổ trực tiếp cho các cơ sở đào tạo theo dự toán được duyệt.       

 

Nguồn Ban Tuyên giáo tỉnh ủy.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới