Thắm tình hữu nghị đặc biệt, son sắt thủy chung Việt Nam - Lào: CƠ SỞ HÌNH THÀNH QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

­

Hồ Chủ tịch tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản,

Trưởng Đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1962).

Ảnh chụp lại.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng nhân dân Cách mạng Lào. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào,  Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

CƠ SỞ HÌNH THÀNH QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM

Cơ sở hình thành

Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược và bản sắc văn hóa có những nét tương đồng của hai nước: Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung và văn hóa của hai dân tộc có nhiều nét tương đồng. Nhân dân hai nước có truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời, cuối thế kỷ XIX cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào.

Ngày 19-12-1979, nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đoàn đại biểu Quân giải phóng nhân dân Lào
do đồng chí Xi-xa-vát Kẹo-bun-phăn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng
Quân giải phòng nhân dân Lào làm trưởng đoàn sang thăm hữu nghị Việt Nam.
Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân mật đón đoàn. Ảnh chụp lại.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn ái Quốc rất quan tâm đến tình hình Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925  tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào. Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức. Như vậy, Lào chính là địa bàn đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc, nơi bổ sung những cơ sở thực tiễn mới cho công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức của Người về phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương.

Đoàn kết đấu tranh chồng chế độ thuộc địa (1930 – 1939)

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) mở đầu những trang sử vẻ vang của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị thông qua những văn kiện quan trọng, xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sáng 10-2-1976, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị,

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Lào. Ảnh chụp lại.

Tháng 9-1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào cũng như đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Trong những năm 1930-1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước.

Giúp nhau đấu tranh giành chính quyền thắng lợi (1939 -1945)

Trước sự tồn vong của vận mệnh các dân tộc Đông Dương, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 diễn ra Ở tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.

Từ năm 1943, “Ban vận động Việt kiều Lào - Thái” được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào. Đến năm 1944, Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc thành lập Đội Tiên phong 2. Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ Đảng Ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc, Savẳnnàkhẹt lần lượt được củng cố. Đầu năm 1945, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào”, một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập.

Một đơn vị liên quân Việt Nam - Lào trước giờ lên đường chiến đấu tại chiến trường

Xiêng Khoảng - Sầm Ché trong kháng chiến chống Pháp, tháng 2-1950. Ảnh chụp lại.

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính lật Pháp, độc chiếm Đông Dương, thực thi các chính sách cai trị thâm độc và tàn bạo ở cả Việt Nam và Lào. Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp và sau đó ban hành Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.

Tháng 4-1945, tại Thái Lan, nhóm người Lào đang hoạt động tại đây thành lập tổ chức “Lào ítxalạ” (Lào tự do). Tổ chức này tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng Minh chống Nhật để giành độc lập.

Tháng 5-1945 , một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là “Lào pên Lào” (Nước Lào của người Lào), gọi tắt là “Lopolo”, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào.

Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào đã tiến hành liên hệ với các tổ chức “Lào ítxalạ” và “Lào pên Lào” để bàn việc phối hợp hoạt động, thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.

Ngày 14 -8-1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.Trong thời điểm lịch sử đó, Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 14 đến 15-8-1945 tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam) phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2- 9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ uỷ Ai Lao, ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang Ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4-9-1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3-10-1945 tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới”.

Được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chân, sau một thời gian hiệp thương, hai tổ chức yêu nước là Hội“Lào pên Lào” và tổ chức “Lào ítxalạ” đã hợp nhất thành lập Uỷ ban khởi sự (Khanạ Phu co kan), gấp rút tiến hành thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.

Nhận lời mời của Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước

 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam

và Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

sang thăm vùng giải phóng Lào từ ngày 2 - 6/11/1973. Ảnh chụp lại.

Sáng ngày 12-10-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào ítxalạ vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Hàng vạn nhân dân Lào tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần Lào - Việt đoàn kết. Chính phủ Lào chủ trương: “nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào ítxalạ (ngày 12-10-1945 ) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.

Nguồn Ban Tuyên giáo tỉnh ủy

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới