Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào: Nơi khắc ghi tình đoàn kết hữu nghị son sắt, thủy chung

Trong những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (Yên Châu). Công trình đang được khẩn trương hoàn thiện để đảm bảo tiến độ tổ chức Lễ khánh thành trong tháng 7 năm nay. Việc khánh thành Khu di tích là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong các hoạt động chào mừng trong “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”; Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017); 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017).

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. 

Ngược dòng lịch sử, ngày 14/6/1948, Ban xung phong Lào-Bắc do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Trưởng Ban được thành lập với nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban kháng chiến và Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La với Ban xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động có sự tương trợ lẫn nhau khi cần thiết với bộ đội Sơn La (Trung đoàn 148), có nhiệm vụ gây dựng cơ sở trong đất địch, phát động phong trào du kích, đào tạo cán bộ địa phương. Bản Phiêng Sa nay là bản Lao Khô (được lấy tên của ông Tráng Lao Khô, dân tộc Mông, là người cùng với nhân dân bản Phiêng Sa đã có nhiều công lao trong việc giúp đỡ, nuôi dấu đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào - Bắc) trở thành căn cứ cách mạng của cách mạng Việt - Lào năm 1948-1950, chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào-Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất nước Lào.

Theo con đường từ trung tâm xã Phiêng Khoài vào bản Lao Khô dài 13 km vừa được nâng cấp là Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào xây dựng tại một thung lũng thuộc địa bàn bản Lao Khô, dưới chân núi, xung quanh là những cánh rừng thông xanh ngát, có diện tích 3.500 m2, gồm các hạng mục chính: Nhà tưởng niệm, Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Lào; Bia dẫn tích; nhà trưng bày.... Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hạng mục hiện đã hoàn thành như: Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày, sân vườn khu giáo dục truyền thống, cây xanh, phần trưng bày di tích,... Đài biểu tượng của Khu di tích được sáng tác với ý tưởng đài hoa hữu nghị mọc trên núi rừng Tây Bắc, được xây dựng trên đỉnh đồi cao 18m, chất liệu đá xanh, với 3 tầng đế, trong đó tầng đế thứ 3 hình tròn đường kính 9m, chiều cao 1,1m, mặt đế tạo hình sóng nước với các cánh hoa sen, hoa chăm pa cách điệu.

Được biết, một số hạng mục đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xin bổ sung tiếp tục thực hiện giai đoạn II, gồm: đường đi bộ trong vườn cây; khuôn viên xung quanh bia dẫn tích; bổ sung hàng rào xếp đá tự nhiên xung quanh nền nhà cũ của ông Tráng Lao Khô; kè taluy sau Đài biểu tượng và một số công trình phụ trợ khác. Việc bổ sung xây dựng các hạng mục để phục vụ cho việc khai thác phát huy giá trị di tích; bảo vệ các thiết bị, tạo sự bền vững, an toàn trong khai thác vận hành và có các trang thiết bị trong nhà cần thiết phục vụ công tác đón tiếp khách.

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam -  Lào khẳng định tinh thần quốc tế cao cả, là biểu tượng của tình hữu nghị và trở thành địa danh lịch sử quan trọng để giáo dục, tuyên truyền các thế hệ trẻ của hai nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới