Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cà phê theo hướng hữu cơ; liên kết theo chuỗi giá trị, để cung cấp sản phẩm cà phê có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người sản xuất, ổn định thị trường, phát triển ngành cà phê bền vững tại địa phương, năm 2021, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị”.

 

Hướng dẫn nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn kỹ thuật chăm sóc cà phê hữu cơ.

Dự án được triển khai tại 4 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Sơn La, cây cà phê chè và cà phê vối được lựa chọn là đối tượng của dự án. Tại tỉnh Sơn La, mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị được Trung tâm triển khai từ tháng 6/2021, tham gia có 10 hộ dân của xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn và xã Hua La (Thành phố), tổng diện tích 10 ha, kinh phí từ nguồn Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đối ứng. Tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ; cung cấp các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân lân nung chảy, vôi, thuốc bảo vệ thực vật với định mức phù hợp, sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc.

Sau hơn một năm triển khai, diện tích cà phê của 10 hộ gia đình tham gia dự án sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày, quả cà phê được đánh giá chất lượng cao hơn cà phê sản xuất theo truyền thống, giá trị cao hơn. Tại xã Chiềng Ban, mô hình cà phê sản xuất theo phương pháp hữu cơ giá trị kinh tế tăng 11% so với đối chứng; còn tại xã Hua La là 8%, dự báo những năm sau, vật chất khô như lá, cành cây được tích lũy dần qua các năm sẽ bổ sung nguồn dưỡng chất quan trọng để cây cà phê tiếp tục cho năng suất, chất lượng cao hơn. Hiện, 70% sản phẩm từ mô hình đã được Công ty Deteck thu mua và chế biến theo hướng cà phê sạch.

Gia đình anh Tòng Văn Liến, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn có 1 ha cà phê tham gia mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, vụ cà phê năm 2021, gia đình anh thu 2,4 tấn cà phê nhân, với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg, thu về 360 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống khoảng 15%. Anh Liến cho biết: Tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, phân bón để sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, đã làm thay đổi tư duy nhận thức của người trồng cà phê nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng thơm ngon, an toàn và được thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho người dân.

Cũng được lựa chọn tham gia mô hình, anh Lò Văn Đinh, bản Nam, xã Hua La, Thành phố, cho biết: Gia đình tôi có 3 ha cà phê được lựa chọn tham gia mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình ưu tiên sử dụng phân ủ từ vỏ cà phê, hoặc một số loại cây xanh khác thành phân hoai mục. Đối với dịch hại, xử lý bằng cắt cành bị bệnh đem tiêu hủy để giảm nguồn lây bệnh, nếu cây cà phê bị bệnh vượt ngưỡng, sẽ sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, hoặc có nguồn gốc hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn. Sau hơn một năm thực hiện, cà phê phát triển xanh tốt, đất tơi xốp, năng suất, chất lượng cà phê cao hơn.

Anh Hoàng Xuân Thảo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông - lâm nghiệp Tây Bắc, cán bộ thực hiện dự án cho biết: Năm 2022, nhóm thực hiện dự án tiếp tục hỗ trợ các hộ việc truy xuất nguồn gốc đối với 10 ha mô hình đang triển khai, sau đó tùy vào điều kiện thực tiễn địa phương để nhân rộng. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ các hộ túi gai bảo quản nhân cà phê sau khi chế biến. Mã truy xuất nguồn gốc được thiết kế ngay trên bao bì dạng QR đơn giản trong việc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Việc triển khai mô hình theo hướng hữu cơ truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị, giúp người trồng cà phê kết nối chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản bền vững.

Sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị sẽ góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng các vi sinh vật có lợi cho cân bằng hệ sinh thái, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng; tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới