Gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm ngành hóa chất

Năm 2022 vừa qua được coi là năm thành công của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khi đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay với hơn 62 nghìn tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho 19 nghìn lao động. Tuy nhiên, ngành hóa chất đang đối diện nhiều khó khăn từ xung đột vũ trang Nga-Ukraine, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá nguyên vật liệu tăng cao,...

Ðóng gói sản phẩm DAP tại Công ty cổ phần DAP số 2 Lào Cai-Vinachem.
Ðóng gói sản phẩm DAP tại Công ty cổ phần DAP số 2 Lào Cai-Vinachem.

Với mục tiêu doanh thu đạt hơn 63,1 nghìn tỷ đồng trong năm nay, tăng 1,5% so với năm 2022, Vinachem đã xác định và triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm để gia tăng thị phần xuất khẩu.

Linh hoạt trong điều hành

Theo Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tập đoàn Vinachem Bùi Văn Thắng, năm 2022, giá các loại nguyên liệu sản xuất trên thế giới và trong nước vẫn ở mức cao. Ðơn cử, giá lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunphuric, phân supe, phân DAP) tăng 91,7% so với bình quân năm 2021 (cao hơn 178 USD/tấn so với giá kế hoạch năm 2022); amoniac (nguyên liệu sản xuất phân DAP) tăng 82,5%; vải mành, than đen (nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao-su) tăng lần lượt 17% và 8%; muối công nghiệp (nguyên liệu sản xuất xút và sản phẩm clo) tăng 30%,... đã đẩy giá thành các sản phẩm tăng rất cao.

Bên cạnh tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân bón năm 2022, giá than các loại đã tăng tới 55% so với cuối năm 2021, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất phân urê cũng như phân lân nung chảy. Vinachem đã triển khai hàng loạt giải pháp, điều hành linh hoạt nhằm thúc đẩy sản xuất, kết quả năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 61 nghìn tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch, tăng 21% so với năm 2021. Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 62.262 tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 17% so với thực hiện năm 2021.

Lợi nhuận năm 2022 của Vinachem đạt 6.023 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với mức lợi nhuận năm 2021. Một số đơn vị có doanh thu tăng mạnh như Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì tăng 66%, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ðạm Ninh Bình tăng 48%, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 43%, Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền nam tăng 36%, Công ty cổ phần DAP số 2 Lào Cai - Vinachem tăng 22% so với năm 2021,...

Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Việt Nam Nguyễn Thanh Hà cho biết, năm 2022, đơn vị đối diện nhiều khó khăn do vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng dây chuyền khiến một số dự án chậm đưa vào hoạt động theo kế hoạch; một số khai trường đang khai thác thiếu mặt bằng đổ thải đất đá, không đáp ứng đủ quặng cho tiêu thụ và nguyên liệu cho các nhà máy tuyển.

Quặng apatit loại 3 tại một số kho lưu mặc dù được phép đưa ra sử dụng, song chất lượng xấu làm giảm hiệu quả tuyển và chất lượng quặng tuyển, tăng chi phí sản xuất. Nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Công ty đã thực hiện một số giải pháp ngắn hạn như tận dụng tối đa các vị trí bãi thải, tạm đổ thải trong lòng khai trường; điều chỉnh biện pháp sản xuất kịp thời phù hợp thực tế, giúp tổng doanh thu đạt 3.868,5 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 29,4% so với kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 1.021,9 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kế hoạch; nộp ngân sách 455,2 tỷ đồng, tương đương 137,1% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân hằng tháng của cán bộ, công nhân viên công ty đạt 17 triệu đồng/người, tăng 23% so với kế hoạch và tăng 19% so với năm 2021. “Mặc dù dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng đơn vị sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, sớm hoàn thành các mục tiêu được giao”, Tổng Giám đốc Apatit Việt Nam Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

 

Tập trung mở rộng thị trường

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường khẳng định, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2022 của tập đoàn đều vượt so với kế hoạch và tăng mạnh so với kết quả thực hiện năm 2021, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, Vinachem đang đối diện một số hạn chế, khó khăn như lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón có xu hướng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do diện tích canh tác lúa vụ hè thu, thu đông và diện tích gieo trồng nhiều loại rau màu giảm.

Sản phẩm DAP (phân bón chứa đạm và lân), supe lân những tháng đầu năm có nhu cầu tiêu thụ cao nhưng sản xuất lại khó khăn do thiếu quặng apatit tuyển. Bãi thải tại Công ty Apatit Việt Nam, bãi thải gyps tại Công ty cổ phần DAP số 2 Lào Cai-Vinachem chưa được giải quyết triệt để, tiềm ẩn nguy cơ phải dừng sản xuất,... Ðể đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 61.067 tỷ đồng; doanh thu 63.185 tỷ đồng đề ra trong năm 2023, Vinachem xác định giải pháp then chốt là tập trung mở rộng thị trường, tích tụ nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm thuộc ngành nghề kinh doanh chính, bảo đảm các cân đối lớn về phân bón và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Trong đó, hỗ trợ về vốn, quản lý tài chính để các dự án sau khi hoàn thành đầu tư sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, khấu hao và trả nợ đúng quy định. Ðồng thời, điều hành chặt chẽ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị thành viên; phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao-su, hóa chất để nâng cao năng lực chung.

Ngoài ra, tập đoàn sẽ không ngừng hoàn thiện hệ thống sản xuất đối với các ngành hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng, tính năng sử dụng, phát triển sản phẩm đặc chủng theo từng đối tượng khách hàng với giá cả phù hợp.

Song song với các giải pháp tăng năng lực sản xuất, trong thời gian tới, tập đoàn cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, tham gia thị trường thế giới qua các hội chợ triển lãm quốc tế để tìm hiểu nhu cầu, tiếp cận khách hàng và quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho bạn hàng, từ đó tăng thị phần xuất khẩu một cách ổn định, vững chắc.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước giữa Vinachem với các tập đoàn, tổng công ty trong nước và giữa các doanh nghiệp thuộc tập đoàn, phấn đấu các đơn vị trong tập đoàn đạt tỷ lệ mua bán nội bộ không thấp hơn 50% tổng lượng mua các vật tư cùng loại của đơn vị trong năm 2023,... “Ðể thực hiện chiến lược và mục tiêu xuất khẩu những năm tới, Vinachem sẽ triển khai nghiên cứu thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm mục tiêu một cách bài bản, xây dựng báo cáo đánh giá nhu cầu, tình hình cạnh tranh và các yếu tố cốt lõi tác động đến thị trường xuất khẩu. Trước mắt, tập đoàn sẽ thực hiện tốt các chỉ tiêu xuất khẩu đã đề ra để cân đối nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu có hiệu quả,…”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới