Triển khai sâu rộng, đồng bộ công tác dân vận 

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đơn vị của tỉnh tập trung triển khai cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Ra mắt mô hình điểm "Chính quyền thân thiện" phường Quyết Thắng.

Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết và sơ kết, tổng kết các văn bản chỉ đạo về công tác dân vận. Tiêu biểu, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW  về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình mới”; đánh giá 02 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025… Chỉ đạo tăng cường quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; cho chủ trương thành lập Ban chỉ đạo công tác tôn giáo các huyện, thành phố; ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 17/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các tổ chức, hội, nhóm bất hợp pháp, hiện tượng tôn giáo mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng "Đề án xây dựng cốt cán đặc thù trong tôn giáo trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030"...

Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại trực tiếp với nhân dân được các cơ quan, huyện, thành phố tích cực tổ chức thực hiện, đảm bảo chất lượng. Toàn tỉnh, tổ chức 447 cuộc đối thoại với nhân dân, trong đó, cấp tỉnh 13 cuộc; cấp huyện 77 cuộc, còn lại cấp xã 357 cuộc. Điển hình về thực hiện đối thoại ở thành phố Sơn La, trong năm, cấp ủy, chính quyền Thành phố tổ chức  55 hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân. Tiếp nhận 493 ý kiến, đã trả lời tại hội nghị 351 ý kiến; ý kiến đã trả lời sau hội nghị 71 ý kiến; ý kiến không thuộc thẩm quyền trình cấp trên xem xét, giải quyết 71 ý kiến.

Nội dung các cuộc đối thoại chủ yếu liên quan đến giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn Thành phố; cải cách thủ tục hành chính; lĩnh vực đất đai, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tài nguyên và môi trường... Việc thực hiện nghiêm túc quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân, tạo sự đồng thuận, tập hợp sự đoàn kết nhân dân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trên địa bàn. 

Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp trong công tác dân vận chính quyền gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động.

Nổi bật là Sở Giao thông vận tải, năm 2023, tiếp tục xếp vị trí số 1/20 các sở, ngành của tỉnh về chỉ số CCHC. Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Đến nay, 100% các TTHC của đơn vị được công khai theo quy định; 100% các TTHC đủ điều kiện cắt giảm của Sở đã rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định trung bình từ 10-33,3%; một số TTHC cắt giảm thời gian giải quyết 80% so với quy định, như thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe giảm bớt từ 5 ngày làm việc xuống trả kết quả trong ngày; thủ tục cấp giấy phép liên vận Việt - Lào, cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải...

Nhân dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa của Sở GTVT.

Cùng đó, tỉnh đã đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và chế độ công vụ; quyết liệt chỉ đạo ứng dụng chuyển đổi số trong thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính gắn với triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, đưa 100% thủ tục hành chính thực hiện giải quyết tại 3 cấp chính quyền...

Năm 2023, Sơn La vươn lên xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, đổi mới và phát triển của tỉnh. Toàn tỉnh thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với hơn 8.960 thành viên, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo gắn với thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và ở cơ sở” giai đoạn 2021-2025 được đổi mới nội dung, hình thức, qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; “Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp”....

Đến nay, toàn tỉnh có 107 mô hình của các cơ quan nhà nước gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Các mô hình dân vận khéo có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân đối với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Điển hình như dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, tổng kết năm 2023 toàn tỉnh phát động 127 lượt phong trào xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức sân khâu hóa, hội thi, hội diễn... Tổ chức trên 5.800 các cuộc họp, hội nghị chuyên đề các cấp, nhất là cấp xã, bản; các tổ chức, cá nhân đã đóng góp gần 600.000 m² đất tư nhân xây dựng các tuyến đường GTNT và các công trình phúc lợi; đóng góp trên 26.700 ngày công lao động để giải phóng mặt bằng, chuyển dịch hàng rào, các công trình phụ trợ.… tổng giá trị gần 40 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh ta có 14 bản nông thôn mới, 4 bản nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La và Phù Yên. 

Lãnh đạo Ban Dân vận, UBND tỉnh kiểm tra mô hình chính quyền thân thiện trên địa bàn Thành phố

Năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận của tỉnh bám sát nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chủ động triển khai các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác dân vận; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. 

Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác nắm bắt tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo tại các địa phương, kịp thời tham mưu đối với các lĩnh vực liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các nội dung công tác dân vận, phong trào thi đua "Dân vận khéo”; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phát triển theo hướng "Xanh, nhanh, bền vững”, quyết tâm đưa tỉnh Sơn La trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới