Mâm cỗ rải trên lá - Nét văn hóa vùng cao

Mâm cỗ rải trên lá rừng (thường gọi là cỗ lá) được biết đến là một nét đặc trưng trong đời sống thường ngày của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Xuất phát từ sự tiện dụng của cuộc sống gắn liền với núi rừng đã tạo ra thói quen sinh hoạt, nhưng lâu dần mâm cỗ lá đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực vùng cao rất đỗi bình dị, chân chất, đặc biệt hấp dẫn với các thực khách từ phương xa tới.

Cỗ lá - nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực vùng cao.

Sự liên hệ mật thiết với núi rừng hiện diện rõ nét trong đời sống sinh hoạt thường ngày, trong văn hóa của đồng bào ở vùng cao. Cỗ lá chính là đại diện cho mối liên hệ ấy, càng thể hiện rõ nét về cuộc sống người miền núi vốn dựa vào rừng, sống nhờ rừng và coi rừng là thiêng liêng, quý giá luôn cần được tôn thờ, bảo vệ. Gọi là cỗ lá bởi mâm cỗ dù giản đơn hay đủ đầy, tươm tất nhiều món thì cũng đều được bày trên lá chuối rừng hay lá dong thay cho việc dùng đĩa để bày thức ăn như thường thấy. Lá chuối già, lá dong còn nguyên màu xanh của rừng được cắt vuông vức, rửa sạch, hơ lửa cho mềm để rải lên mâm, sau đó bày biện thức ăn lên trên. Người bày cỗ không quá cầu kỳ mà chỉ sắp xếp thức ăn sao cho không bị trộn lẫn, rối mắt, nhìn vẫn đẹp và tiện lợi cho người ăn cỗ khi thưởng thức.

Mỗi dân tộc ở Tây Bắc lại có những cách bày cỗ lá khác nhau. Đồng bào Thái, Mường thường bày cỗ lá trên mâm tròn, lá chuối cũng cắt hình tròn rải đều trên mâm, sau đó tuần tự xếp các món: xôi, thịt lợn (luộc hoặc hấp), thịt nướng, cá nướng, măng luộc, rau củ quả luộc xen kẽ, ở giữa là bát canh chua hoặc canh bon và bát nước chấm. Còn đồng bào Dao, Mông lại có thói quen bày cỗ lá trên mâm hình chữ nhật. Thường dùng nhất là lá chuối, rải kín mâm, xếp các món thịt luộc, nướng ở giữa, hai đầu bày rau quả luộc và 2 bát canh ở hai bên. Cách sắp xếp ấy dường như đã trở thành một quy luật chung mà bất cứ ai khi bày cỗ đều tuân thủ.

Trước đây, đồng bào vùng cao vốn có thói quen lấy lá dong hay lá chuối rừng về trữ sẵn trong nhà để dùng khi cần. Với lá chuối, người ta thường chọn loại lá già, tước ra khỏi bẹ, xếp chồng lên nhau rồi cuộn tròn, buộc gọn mang về để chỗ mát có thể giữ được màu xanh tươi đến nửa tháng. Lá dong thì chọn loại lá bánh tẻ, tàu lá dài và to, cắt cuống dài và cuộn chặt, khi dùng mới đem ra rửa sạch cả hai mặt lá. Dùng lá rải lên mâm để bày thức ăn là thói quen truyền đời của người miền núi, xuất hiện trong bữa cơm gia đình thường ngày cho đến mâm cỗ ngày tết, ngày cưới. Nếu như trước kia, cỗ lá là một cách thích ứng với cuộc sống còn nhiều thiếu thốn thì ở thời nay, nhiều nơi vẫn giữ thói quen này như một cách để gìn giữ nét bình dị riêng có trong đời sống của những người gắn bó máu thịt với núi rừng.

Những bữa cơm tụ họp gia đình, họ hàng ngày tết, bữa cơm thết đãi bạn bè phương xa vẫn luôn được ưu ái chọn bày cỗ lá thay cho mâm bát thịnh soạn, vừa tiện lợi vừa tạo sự gần gũi trong bữa ăn. Cũng không khó bắt gặp hình ảnh mâm cỗ lá được bày trí đẹp mắt mang tính nghệ thuật trong các nhà hàng ẩm thực dân tộc. Bởi thế, cỗ lá dần trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao, giản dị, gần gũi nhưng dễ để lại nhiều dấu ấn sâu đậm khi có dịp trải nghiệm.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới