Quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Trong quá trình hội nhập kinh tế, nhiều nước trên thế giới ngày càng thắt chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao, đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế chính sách về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa nói chung, hàng hóa nông nghiệp nói riêng. Do vậy, yêu cầu phải có mã số, đáp ứng được những quy định về vùng trồng và cơ sở đóng gói mới được xuất khẩu vào thị trường nước nhập khẩu.

HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú đóng gói sản phẩm xoài ghép phục vụ tiêu thụ.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 10 mã số đóng gói quả tươi xuất khẩu, cấp cho 9 tổ chức, cá nhân; 218 mã số vùng trồng xuất khẩu cho 7 loại cây trồng (nhãn, xoài, chuối, thanh long, mận, mắc ca, chanh leo), với tổng diện tích 3.151 ha xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Trung Quốc, Úc, Mỹ, Newzealand, EU và thị trường khác.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, hạn chế, mức độ áp dụng khoa học công nghệ còn thấp. Kết nối giữa các thành phần trong chuỗi giá trị nông nghiệp còn rời rạc; nhận diện nguy cơ, có biện pháp ngăn chặn kịp thời nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình sản xuất gây mất an toàn còn hạn chế. Tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất không duy trì các điều kiện kỹ thuật của mã số vùng trồng như: không cập nhật hoặc không ghi chép nhật ký đồng ruộng, vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác thải nông nghiệp sau thu hoạch... vẫn còn khá phổ biến. Vấn đề gian lận mã số, xuất xứ liên quan đến nguồn gốc nông sản đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân.

Với mục tiêu tạo động lực phát triển các vùng trồng cây chủ lực của tỉnh, ưu tiên tại các xã, phường, thị trấn xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thiết lập mã số vùng trồng sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng nông sản, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức người dân tại các tổ chức, cá nhân sản xuất trong việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản trong nước và ngoài nước.

Điều đó cho thấy cần phải có cơ chế thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh một cách nghiêm túc. Tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu tuân thủ quy định về thiết lập, quản lý, kiểm tra và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ quy định của nước nhập khẩu. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong quá trình triển khai hướng dẫn và cấp, quản lý mã số vùng trồng, truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, minh bạch sản phẩm nông sản.

Bám sát định hướng của Trung ương và tỉnh, các cơ quan chức năng tăng cường tập huấn cho nông dân sản xuất tại mã số vùng trồng, nông dân có nhu cầu cấp mới về chủ trương, chính sách của nhà nước, khuyến khích xây dựng và phát triển các vùng nông sản tập trung phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Hướng dẫn quy trình thiết lập, cấp, quản lý các mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và vùng trồng lĩnh vực trồng trọt.

Đối với các vùng trồng cây chủ lực, có tính chất thế mạnh và tại các xã đang triển khai chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tập trung thiết lập, cấp và quản lý, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và kiểm tra thực tế vùng trồng, đối chiếu với các quy định của nước nhập khẩu, đề xuất cấp có thẩm quyền đàm phán với nước nhập khẩu để cấp mã số vùng trồng. Rà soát, thống kê các vùng sản xuất tập trung; ưu tiên cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện, gồm vùng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vùng sản xuất đã được chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt (VietGAP, GlobalGAP, AsiaGAP, AseanGAP), tiêu chuẩn hữu cơ...

Tiếp tục rà soát những cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; xác định nhu cầu của cơ sở để thiết lập, đề xuất cấp mã số cơ sở đóng gói quả tươi theo yêu cầu cụ thể tại thị trường nước nhập khẩu. Đánh giá việc tuân thủ, duy trì các quy định về thông tin vùng trồng; điều kiện canh tác (Vệ sinh vườn trồng: cỏ dại, tàn dư, vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,...); sinh vật gây hại và biện pháp quản lý (quy trình quản lý sinh vật hại); sử dụng thuốc BVTV; sổ nhật ký canh tác; cập nhập các thay đổi tại vùng trồng về người đại diện, diện tích, sản lượng thu hoạch,... Đối với những vùng trồng không đảm bảo điều kiện bắt buộc tạm dừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ mã số đã cấp theo đúng quy định của nhà nước và nước nhập khẩu. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát hàng năm tại mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và gắn sản xuất theo quy trình là yêu cầu cấp thiết, giúp người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị của hàng hóa. Chủ động nhận diện nguy cơ tiềm ẩn, có biện pháp ngăn chặn kịp thời nguy cơ có thể phát sinh trong quá trình sản xuất gây mất an toàn sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nâng cao chất lượng, an toàn và vị thế nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Sơn La nói riêng.

Minh Khánh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới