Nông dân lao đao vì trồng giống ngô kém chất lượng

Khác với niềm vui được mùa như mọi năm, hàng nghìn hộ dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu và nhiều xã của huyện Mai Sơn bị thiệt hại lớn về kinh tế trong vụ ngô năm nay, bởi trồng giống ngô NK 6253 của Công ty Syngenta Việt Nam ra bắp không có hạt hoặc ít hạt bất thường.

Bà con nông dân xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn vớt vát những bắp ngô có hạt để bán.

Mùa ngô thất thu

Theo phản ánh của nhân dân chúng tôi đến xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, những nương ngô hút tầm mắt đã ngả thân vàng, nhưng người dân không mặn mà thu hoạch. Chị Tòng Thị Diêu, bản Hua Bó, xã Phiêng Pằn buồn rầu nói: Gia đình tôi trồng 27 kg ngô giống, trên diện tích hơn 1 ha bằng giống ngô NK 6253 của Công ty Syngenta Việt Nam. Đây là năm thứ 4 gia đình tôi sử dụng giống ngô này trồng, những năm trước, ngô bắp to, hạt chắc, năng suất đạt 9-10 tấn/ha, thu khoảng 60 triệu đồng. Vụ ngô năm nay, gia đình đầu tư mua 130.000 đồng/kg ngô giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổng cộng hơn 20 triệu đồng. Nhưng năm nay, cùng diện tích đó, thu được hơn 3 tấn ngô, giá thị trường hiện tại hơn 4.300 đồng/kg, chỉ được 13 triệu đồng, chưa đủ chi phí đầu tư, chưa kể công chăm sóc.

Giống ngô NK 6253 không có hạt hoặc ít hạt.

Cách đó không xa, gia đình ông Lò Văn Pản, bản Nà Nhụng cũng tương tự. Ông Pản nói: Bao nhiêu phân bón, công trồng, chăm sóc nhưng giờ bắp không có hạt. Toàn bộ chi phí mua giống, phân bón đều tạm ứng đại lý. Năm nay, 2/3 diện tich ngô bị mất trắng như thế này, chúng tôi không biết làm thế nào nữa.

Ngoài gia đình chị Diêu, ông Pản, toàn xã Phiêng Pằn có gần 200 hộ nông dân cũng lao đao vì ngô không hạt hoặc ít hạt. Theo người dân, từ khi xuống giống, cây ngô vẫn sinh trưởng bình thường, chỉ tới sau giai đoạn trổ cờ mới thấy hiện tượng kết hạt kém, hạt thưa, thậm chí không có hạt.

Anh Sồng A May, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, cho biết: Toàn xã hiện có hơn 600 ha ngô, thống kê, vụ này hơn 188,4 ha ngô chỉ ra bắp nhưng không ra hạt hoặc hạt rất ít, gây thiệt hại cho 181 hộ dân.

Không chỉ ở xã Phiêng Pằn mà các xã: Chiềng Lương, Nà Ớt, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, Nà Bó của huyện Mai Sơn cũng chung tình trạng trồng giống ngô NK 6253 nhưng không có hạt hoặc hạt không đáng kể với tổng diện tích 350 ha, trong đó, 225,7 ha bị thiệt hại dưới 50%; 66,5 ha thiệt hại 50-60%; 47,5 ha thiệt hại 60-70%; 10,4 ha thiệt hại trên 70%.

Bao bì ngô giống còn sót lại trên các nương ngô.

Rời những nương ngô của huyện Mai Sơn, chúng tôi đến xã Chiềng On, huyện Yên Châu, nông dân nơi đây cũng sử dụng giống ngô NK 6253 của Công ty Syngenta. Vụ thu hoạch ngô năm nay, tỷ lệ kết hạt thấp hoặc có bắp không có hạt cũng diễn ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các gia đình. Qua con số thống kê của xã, đến nay, có 582 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích trên 780 ha.

60% diện tích ngô của hộ ông Vì Văn Chung, bản A La, xã Chiềng On, huyện Yên Châu không ra hạt hoặc ít hạt. 

Đã quá thời hạn thu hoạch, nhưng nương ngô của gia đình ông Vì Văn Chung, bản A La, xã Chiềng On vẫn bỏ không. Cả một vạt nương lớn, cây nào cây ấy cao quá đầu người, vẫn còn nguyên bắp. Chỉ có điều, khi bóc ra thì rất nhiều bắp lép, bên trong trơ nguyên lõi không thấy hạt đâu hoặc có nhưng rất thưa hạt.

Ông Chung nói: Giống ngô NK 6253 đã được gia đình tin tưởng trồng từ 5 năm nay, trung bình mỗi năm đều gieo 70 kg ngô giống, cho năng suất 9-10 tấn/vụ. Không hiểu sao năm nay, hơn một nửa diện tích ngô không đạt năng suất, thậm chí không ra bắp hoặc bắp bé, ít hạt, mặc dù thời tiết thuận lợi, ngô vẫn được chăm bón đúng quy trình.

Ông Chung nói thêm: Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên, nhưng hiện tại đơn vị cung cấp vẫn chưa đến khảo sát mức độ thiệt hại. Mong chờ Công ty sớm cử người đến rà soát để có thể đề bù thiệt hại cho nhân dân.

Các cơ quan quản lý nói gì?

Trước thực trạng ngô không có bắp, có bắp nhưng không kết hạt hoặc ít hạt chưa rõ nguyên nhân, các địa phương đã có báo cáo gửi các sở, ngành liên quan của tỉnh và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam.

Ngày 14/11, Đoàn công tác gồm đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Mai Sơn, Công ty Syngenta Việt Nam và chuyên gia nông học đã đến xác minh, tìm hiểu nguyên nhân tại xã Phiêng Pằn.

Qua kiểm tra thực địa, khẳng định giống ngô mà các hộ dân sử dụng là giống NK 6253 của Công ty Syngenta Việt Nam. Các nương ngô, cây sinh trưởng phát triển bình thường, nhưng bắp ngô lại có rất ít hạt. Điều đáng chú ý tại các vùng trồng ngô này, ngoài giống ngô NK 6253 bà con còn trồng các giống ngô khác cùng thời vụ, điều kiện chăm sóc như nhau lại cho năng suất bình thường. 

Trả lời về câu hỏi này các thành viên đoàn công tác lại đưa ra ý kiến chung chung “... có thể do giống, thời tiết hoặc do kỹ thuật trồng, chăm sóc..”.

Cán bộ xã Chiềng On, huyên Yên Châu rà soát diện tích ngô bị thiệt hại.

Ông Phan Xuân Hào, nguyên Viện phó Viện ngô Việt Nam cũng tham gia đoàn công tác kiểm tra tại xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, lại cho rằng: Nguyên nhân năng suất ngô giảm hoàn toàn không phải do giống, việc giảm năng suất do 3 nhóm yếu tố: Chăm sóc không đảm bảo dẫn đến bắp nhỏ; nhiệt độ; mưa kéo dài từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vào thời điểm thụ phấn dẫn đến bắp không hạt.

Đại diện Công ty TNHH Syngenta, ông Nguyễn Công Biên, Giám đốc thị trường phía Bắc khẳng định: Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng mô hình trình diễn giống NK 6253 để người dân đối chứng, đánh giá về năng suất; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn, tuyên truyền chuyển giao KHKT cho nông dân trong canh tác cây ngô. Đồng thời, sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tìm ra nguyên nhân gây ra giảm năng suất giống ngô NK 6253.

Ông Văn Thọ, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đưa ra ý kiến: Để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến mất mùa đối với cây ngô giống NK 6253 cần một quá trình. Thời điểm này, chúng tôi cũng đề nghị nông dân thu thập lại những bao bì có số lô 75.F1.NK22.004.6 trồng trong vụ xuân hè năm 2023 để tìm nguyên nhân.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, huyện Mai Sơn, xã Phiêng Pằn và các hộ dân đều đề nghị Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND xã, ban quản lý các bản rà soát chính xác số hộ, diện tích ngô của các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, đề nghị công ty có chính sách hỗ trợ các hộ bị mất mùa khi sử dụng giống NK 6253

Giống ngô NK 6253 của Công ty TNHH Syngenta cho năng suất thấp. 

Đối với huyện Yên Châu, trước tình trạng này, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Chiềng On phối hợp với đại diện Công ty TNHH Syngenta, các đại lý trực tiếp phân phối giống tổ chức họp với các hộ bị ảnh hưởng, thống nhất phương án giải quyết.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Huyện đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng giống cây trồng cũng như kiểm tra chất lượng các lô giống ngô NK 6253 của Công ty Syngenta đã phân phối trên địa bàn trong năm 2023. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ huyện đề xuất phương án giải quyết giữa các hộ bị ảnh hưởng với đơn vị sản xuất giống ngô NK 6253, giảm bớt thiệt hại, khó khăn cho bà con. Tuy nhiên, đến nay, các bên vẫn chưa thống nhất được phương án tháo gỡ.

Cần sự giải quyết thỏa đáng cho nông dân

Cả năm sản xuất đều trông chờ thu nhập từ cây ngô, nhưng sản phẩm thu về chỉ là những bắp ngô lép kẹp. Khó khăn chồng chất, món nợ về giống, phân bón và tiền sinh hoạt hàng ngày vẫn chưa biết lấy gì để trả.

Người dân khẳng định, bà con vẫn trồng ngô như những năm trước. Từ khâu làm đất, tra hạt và chăm sóc đều thực hiện đúng quy trình. Bà con mong muốn các cấp, các ngành chức năng sớm đưa ra kết luận chính xác về hiện tượng ngô ra bắp không hạt hoặc ít hạt và có chính sách hỗ trợ để giảm thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân.

Phần lớn diện tích ngô của xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn sử dụng giống NK 6253. 

Nông dân thì khẳng định ngô không hạt là do giống; nhà sản xuất và phân phối giống thì “đổ lỗi” do thời tiết, đất đai và cách chăm sóc... Qua sự việc, cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp giống, của cơ quan quản lý và của cơ quan bảo vệ pháp luật khi có thiệt hại xảy ra.

Để bảo vệ quyền lợi, tránh rủi ro trong sản xuất, nông dân cần mua giống tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, địa chỉ rõ ràng và giữ lại toàn bộ chứng từ, bao bì để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc khi có rủi ro trong quá trình sản xuất. Đồng thời, nông dân cần chủ động cung cấp thông tin, phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về chất lượng giống khi mua tại các cơ sở kinh doanh không đảm bảo, tránh rủi ro trong gieo trồng.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới