Đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống: Kỳ 3: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở” năm 2024, tỉnh Sơn La kỳ vọng mỗi thí sinh sẽ là “đại sứ” thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham mưu giúp các địa phương có thêm giải pháp, nhiều cách làm hay, sáng tạo, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Giọng nam

Hiểu để thực hiện tốt Luật 

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023, đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cán bộ Ban Dân vận Huyện uỷ Bắc Yên tuyên truyền, vận động nhân dân xã Hồng Ngài thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có những nội dung, chính sách mới cơ bản, như bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân. Đây là một bước tiến quan trọng, để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn có một số điểm mới: Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND xã với nhân dân...

Đồng thời, mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã, theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị có một số điểm mới, như: Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền...

 Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện hiệu quả, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, từng địa phương, đơn vị cần tích cực  tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nhân dân nắm rõ, hiểu đúng về Luật, được hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ và đồng thời cũng biết rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với tư cách là người chủ để thực hành dân chủ, góp phần tạo động lực tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo trong nhân dân.

Phát huy dân chủ thực chất

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện dân chủ ở một số địa phương, đơn vị còn có mặt hạn chế, còn hình thức; một số chủ trương, chương trình, dự án chưa thông tin đầy đủ, kịp thời nên không tạo sự đồng thuận cao, nhất là trong công tác kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, cơ sở còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở dịch vụ… chưa được quan tâm thực hiện.

Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và đoàn công tác khảo sát mô hình "Dân vận khéo" của Tỉnh đoàn tại huyện Sông Mã.

Đồng chí Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết: Ngày 16/1/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến tự giác thực thi và thực hiện, các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Rà soát, củng cố, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ban chỉ đạo. Tăng cường đối thoại trực tiếp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị với nhân dân. Thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở liên quan đến đất đai, chính sách xã hội...

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Quan tâm đánh giá, sơ kết, tổng kết; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất, trong xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Lãnh đạo xã Chiềng On, huyện Yên Châu, trả lời các kiến nghị của nhân dân bản Nà Cài.

Phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện QCDC ở cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, huy động các tổ chức thành viên, nhân dân tham gia thường xuyên vào công tác giám sát, phản biện xã hội; tập trung vào những vấn đề liên quan quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. 

Các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước trong đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thi thực cảnh trình diễn trang phục dân tộc Thái truyền thống và cách tân tại Lễ hội hoa ban Thành phố.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công, vô tư trong thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến; nhận rộng mô hình điểm “Chính quyền thân thiện”; vận động nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào thi đua "Dân vận khéo”...

Một tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ các xã, phường, Thành phố biểu diễn.

Những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La trong đổi mới tuyên truyền, sáng tạo trong triển khai các giải pháp đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống đã tạo những chuyển biến tích cực, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, dồn sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững và hướng tới nhiệm kỳ mới với quyết tâm chính trị cao nhất, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp.

(Hết)

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới