Ngày mới trên bản tái định cư Suối Dinh

Đón 32 hộ, 129 nhân khẩu từ 2 xã Tân Phong, Bắc Phong về tái định cư trên quê hương mới Suối Dinh, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, gần 1 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc, đồng hành, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống trên quê mới.

Giúp nhân dân ổn định cuộc sống

Đầu tháng 2, chúng tôi đến thăm điểm tái định cư (TĐC) Suối Dinh. Từ trung tâm xã Mường Bang, con đường dài hơn 16 km dẫn về điểm TĐC Suối Dinh đã được trải nhựa khang trang. Đón chúng tôi trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, anh Mùi Văn Trọng, Nhóm trưởng nhóm hộ TĐC Suối Dinh, cho biết: Trước đây, các hộ ở quê cũ Tân Phong và Bắc Phong vốn quen với nghề chài lưới trên sông; khi chuyển về nơi ở mới, bà con có nhiều bỡ ngỡ. UBND huyện Phù Yên đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo cách “cầm tay chỉ việc”, giúp bà con nhanh chóng tiếp cận phương thức sản xuất mới để áp dụng vào thực tế sản xuất.

Điểm tái định cư Suối Dinh 1, xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Giúp nhân dân ổn định cuộc sống tại điểm TĐC Suối Dinh, cấp ủy, chính quyền xã Mường Bang tích cực vào cuộc với những việc làm thiết thực. Bà Phùng Thị Quang, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bang, chia sẻ: Đón bà con về định cư, xã đã vận động nhân dân sở tại đóng góp công dựng nhà ở; hỗ trợ thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày trong thời gian dựng nhà ở; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt...

Là một trong những hộ dân đầu tiên của bản Bông, xã Tân Phong di chuyển đến điểm TĐC Suối Dinh, gia đình bà Mùi Thị Thiệu đã từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Bà Thiệu chia sẻ: Đến tái định cư nơi ở mới, gia đình tôi được hỗ trợ làm nhà. Hiện nay, ngôi nhà đã hoàn thiện, đang thi công nốt các công trình phụ. Ngoài ra, còn được các cấp, các ngành, cán bộ xã và người dân sở tại động viên, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đang làm quen với việc gieo trồng cây trên nương, kỹ thuật chăn nuôi, để có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn quê cũ.

Dẫn chúng tôi đi thăm bà con quanh bản, anh Trọng bảo: Đến nay, các hộ dân TĐC đã được cấp trên 22 ha đất sản xuất, với mức 3.500 m2/người. Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hộ  đã ra quân phát dọn, làm đất trồng cây vụ xuân, chủ yếu là các cây: Sắn, ngô và cây ăn quả, với diện tích trên 7 ha. Thực hiện canh tác theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, dự kiến đến năm 2027, cây ăn quả của nhân dân trồng sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài ra, phòng chức năng huyện Phù Yên còn hỗ trợ nhân dân các loại giống cây xoài, nhãn và măng bát độ; hướng dẫn  trồng cỏ làm thức ăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

Anh Mùi Văn Tinh, hộ dân TĐC từ bản Bó Mý, xã Bắc Phong, cho biết: Đến điểm TĐC Suối Dinh, gia đình tôi được chia 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã phát dọn thực bì, xuống giống và trồng 4.000 ha sắn. Diện tích còn lại trồng cây ăn quả, đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Chia sẻ về việc ổn định đời sống của nhân dân TĐC, ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, một bộ phận nhân dân của 24/27 xã, thị trấn thuộc huyện Phù Yên bị ảnh hưởng và phải di chuyển đến các điểm TĐC tập trung và xen ghép. Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống và sản xuất, thông qua các cơ quan chuyên môn, như: Phòng sông Đà, sau đổi thành Ban quản lý Dự án 747, Ban quản lý Dự án 1382, sau này là Ban quản lý Đề án 1460 (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện). Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương triển khai nhiều giải pháp giúp bà con TĐC có cuộc sống tốt đẹp hơn khi chuyển đến nơi ở mới.

Đảm bảo điều kiện đón nhân dân tái định cư

Điểm TĐC Suối Dinh chia làm 2 khu gồm Suối Dinh 1 và Suối Dinh 2 tại xã Mường Bang, là điểm TĐC được huyện Phù Yên khảo sát, quy hoạch và vận động nhân dân di chuyển để ổn định cuộc sống. Năm 2017, UBND huyện đã thành lập 8 tổ công tác về các xã Nam Phong, Huy Tường, Tường Thượng, Tường Tiến, Tường Phong, Bắc Phong, Tân Phong vận động nhân dân chuyển đến điểm TĐC Suối Dinh 1, Suối Dinh 2, xã Mường Bang định cư. Song thời điểm đó, các công trình hạ tầng điểm TĐC đang thi công, nhất là đường giao thông chưa được đầu tư, đi lại khó khăn, nên việc vận động nhân dân di chuyển không thành công.

Giờ học của thầy và trò tại điểm trường Suối Dinh, xã Mường Bang.

Đến năm 2020, UBND tỉnh đầu tư thi công tuyến đường vào điểm TĐC Suối Dinh với chiều dài 16,6 km. Ngoài ra, bố trí nguồn kinh phí hơn 15,3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, gồm: Điện, đường nội bản, nhà lớp học, nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi..., đảm bảo điều kiện đón nhân dân đến sinh sống tại điểm TĐC.  

Sau khi cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, huyện Phù Yên tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân vùng Đề án 1460 về định cư tại Suối Dinh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành Công văn số 2057-CV/TU, ngày 19/10/2022, chỉ đạo tiếp tục rà soát, tuyên truyền các hộ gia đình thuộc các xã vùng Đề án 1460 trên địa bàn huyện Phù Yên còn thiếu đất ở, đất sản xuất để xem xét, bố trí tại điểm TĐC Suối Dinh 1, Suối Dinh 2, xã Mường Bang.

Sau đó, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng làm công tác vận động, tuyên truyền di chuyển 90 hộ, 420 nhân khẩu. Trong đó, điểm TĐC Suối Dinh 1 đón 30 hộ và điểm TĐC Suối Dinh 2 đón 60 hộ. Đến thời điểm này, đã có 32 hộ, 129 nhân khẩu thuộc xã Bắc Phong và Tân Phong di chuyển đến TĐC tại điểm TĐC Suối Dinh 1, Suối Dinh 2. Dự kiến tháng 3/2023, tiếp tục có thêm một đợt di chuyển nhân dân tại các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình về điểm TĐC.

Niềm tin nơi quê mới

Rời xa nơi “chôn nhau, cắt rốn” để về định cư tại nơi ở mới, các hộ dân TĐC được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Mường Bang hỗ trợ về mọi mặt. Trong đó, UBND huyện Phù Yên hỗ trợ gạo, hỗ trợ 30 triệu đồng/người giúp bà con mua cây, con giống chuẩn bị cho vụ sản xuất đầu tiên ở nơi ở mới. Nhân dân sở tại giúp đỡ các hộ TĐC dựng nhà ở, vận chuyển đồ đạc, nhanh chóng ổn định đời sống.

Một hộ dân điểm TĐC chuẩn bị gỗ dựng nhà ở.

Về điểm TĐC Suối Dinh, nhận thấy 32 hộ dân đã và đang yên tâm, tin tưởng xây dựng cuộc sống nơi quê mới. Bà Mùi Thị Thiệu tâm sự: Vốn quen với nếp sống ven sông, chuyển về nơi ở mới có nhiều bỡ ngỡ về nếp sinh hoạt. Song, tôi coi đây là cơ hội giúp con, cháu trong gia đình vươn lên và thoát nghèo. Gần 1 ha đất sản xuất được cấp và được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng để ổn định cuộc sống, mua giống cây, con phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Gia đình tôi sẽ lựa chọn các loại cây trồng phù hợp.

Còn anh Đinh Văn Hải, chuyển từ bản Bó Mý, xã Bắc Phong về nơi ở mới được gần 1 năm, nói: Sau khi di chuyển về nơi ở mới, gia đình tôi được hỗ trợ trên 93 triệu đồng, được cấp 1,2 ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi đã mua 200 cây xoài giống để trồng trên 2.000m2 đất sản xuất. Đồng thời, chuẩn bị đủ giống cây sắn để trồng trên 1 ha đất còn lại, đây là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, trong thời gian trồng cây ăn quả. Ngoài ra, khi chuyển về nơi ở mới này, việc đi học của các con tôi cũng thuận lợi hơn so với ở quê cũ. Hằng ngày, các con đi học không còn phải qua sông, qua đò như trước, nên vợ chồng tôi yên tâm hơn và tập trung phát triển sản xuất.

Chuẩn bị cây sắn giống cho vụ sản xuất đầu tiên tại nơi ở mới.

Dẫu trên vùng quê mới còn bộn bề những khó khăn, nhưng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành với những hỗ trợ tích cực, thiết thực nhất, cùng quyết tâm của nhân dân, trong thời gian không xa, vùng quê TĐC Suối Dinh sẽ ngày càng phát triển, thực sự trở thành miền quê để bà con gắn bó, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhân dân điểm TĐC Suối Dinh 1 được sử dụng nước sạch.
Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới