Ký sự biển đảo vùng 2 Hải quân: Kỳ 1: Hải trình mang Xuân đến với Nhà giàn DK1

Những ngày đầu năm mới, tôi may mắn được cùng gần 60 phóng viên các báo Trung ương và địa phương, tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đi kiểm tra trực sẵn sàng chiến đấu; thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1; cơ quan dân chính Đảng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hải trình mang mùa xuân đến biển đảo đem lại thật nhiều cảm xúc với những món quà chứa chan tình cảm từ đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió; thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả, cùng quyết tâm và ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Vượt sóng ra nhà giàn

Sau nhiều ngày chuẩn bị, những chậu quất cảnh, mai vàng, cùng các loại lá dong, gạo nếp, bánh, mứt, kẹo… mang đậm hương vị tết, chứa đựng niềm tin yêu, tình cảm quân, dân cả nước gửi gắm đến cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1 và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được sắp xếp ngay ngắn trên tàu Trường Sa-10 (TS-10) và Trường Sa-21 (TS-21), sẵn sàng vượt sóng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải Quân chuyển quà lên tàu Trường Sa 21.

Tại lễ tiễn Đoàn ở Quân cảng Lữ đoàn 171, Đại tá Đặng Mạnh Hùng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, giao nhiệm vụ: Đây là chuyến tàu mang hơi ấm mùa xuân, tình cảm của đất liền gửi cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chuyến hải trình chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng mọi cách phải mang quà tết trao tận tay cán bộ, chiến sĩ 15 nhà giàn DK1, tàu trực trên biển và quân, dân huyện Côn Đảo.

Lễ tiễn Đoàn công tác thăm, chúc tết Nhà giàn DK1 và các cơ quan dân chính Đảng huyện Côn Đảo.

Sau 3 hồi còi tàu chào tạm biệt đất liền, hai tàu chia hai tuyến vận chuyển quà tết đến 15 Nhà giàn DK1. Tàu của chúng tôi mang ký hiệu TS-21 thực hiện chúc tết 5 nhà giàn và huyện Côn Đảo. Mỗi thành viên trong đoàn có tâm trạng, cảm xúc khác nhau, nhưng cùng chung niềm háo hức, chờ đến nhà giàn đầu tiên trong hải trình.

Tàu Trường Sa 10 rời cảng đưa Đoàn công tác đến Nhà giàn DK1

Rời cảng chưa bao lâu, sóng biển chồm lên, tràn qua mặt boong tàu; giữa mênh mông biển cả, con tàu nặng 2 nghìn tấn trở nên nhỏ bé, chao đảo liên hồi giữa những con sóng bạc đầu cấp 6, cấp 7. Tiếng cười đùa, tác nghiệp của các thành viên trên tàu thưa dần vì say sóng, ngày và đêm không còn phân biệt nữa.

Sóng vỗ mạn tàu, nước tràn lên boong trắng xóa.

Bữa cơm đầu tiên của đoàn tàu, không mấy ai ăn nổi vì say sóng. Hai ngày tiếp theo, tình hình cũng không cải thiện được là mấy. Chị Nguyễn Thị Thúy, là phóng viên nữ của Đài PT-TH tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Chưa bao giờ tôi lại say sóng như thế này, trong hoạt động tác nghiệp, tôi cũng hay được đi các đảo thuộc vùng biển tại Vịnh Bắc Bộ, nhưng sóng không mạnh như thế này.

Càng xa bờ, sóng ngày một dữ, nhưng mọi người cũng dần quen với hải trình, nên ai khỏe hơn thì ra bếp lấy cơm mang về phòng cho những người say sóng. Những câu động viên “Cố ăn đi, mới có sức mang quà ra động viên chiến sĩ, bà con ngoài huyện đảo” như tiếp thêm tinh thần và sức lực cho chúng tôi.

Không chỉ có đồng nghiệp, chúng tôi còn được cán bộ, chiến sĩ tàu TS-21 thường xuyên thăm hỏi, đưa cơm, cháo; cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, hỗ trợ tác nghiệp. Thủy thủ đoàn và các thành viên trong chuyến đi cùng chia sẻ, động viên, chăm sóc nhau như trong gia đình.

Nhà giàn DK1/15 giữa biển khơi.

Sau hai ngày, một đêm, lênh đênh trên biển, 7 giờ tối, tàu dừng ở điểm đến đầu tiên là nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Quên đi những cơn say sóng, mệt mỏi tan biến, đội ngũ phóng viên hăm hở, sẵn sàng máy ảnh, máy quay tác nghiệp. Cảm xúc bồi hồi, xúc động khó tả khi nhìn thấy Nhà giàn trước mắt, những ánh đèn từ Nhà giàn DK1/15, thắp sáng một vùng mênh mông sóng nước.

Tặng quà qua dây, chúc Tết qua bộ đàm

5 giờ sáng hôm sau, chuông báo thức vang lên, lúc này gió thổi mạnh, từng cơn sóng bạc đầu liên hồi vỗ vào mạn, con tàu liên tục lắc lư. Vượt qua những cơn say sóng, 6 giờ, các thành viên trong Đoàn công tác Tàu TS-21 có mặt đông đủ trên boong tàu thực hiện nghi lễ tưởng niệm các chiễn sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm các các chiễn sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, chia sẻ: Đây là nghi thức thông lệ trong mỗi cuộc hải trình ra khơi, chúc tết tại các nhà giàn DK1 để tưởng nhớ các đồng chí đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Càng về trưa, biển động càng mạnh, từng cơn gió mạnh và đợt sóng cao 6-7 m liên lục ập đến. Sau khi hội ý, Ban Chỉ huy tàu TS-21 quyết định hoãn việc đưa người lên Nhà giàn và bằng mọi giá phải chuyển quà lên Nhà giàn DK/15, đảm bảo nguyên vẹn. Phương án chuyển quà bằng dây, chúc tết qua bộ đàm được lựa chọn.

Chuyển quà bằng dây lên Nhà giàn DK1/15.

Thượng úy Phạm Văn Quyền, Thuyền trưởng tàu TS-21, cho biết: Tùy điều kiện thời tiết, sẽ có các phương án chuyển quà phù hợp, nếu gặp sóng, gió lớn vừa phải, quà tết sẽ chuyển xuồng đến chân nhà giàn để các chiến sĩ trên giàn kéo lên bằng dây. Trường hợp gặp sóng quá lớn như hôm nay thì hàng và quà tết được buộc vào dây, thả xuống biển để cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn kéo lên.

Sau khi nhận lệnh, các thủy thủ nhanh chóng triển khai kết nối dây chuyển quà với Nhà giàn DK1/15; lần lượt chuyển từng túi quà để cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn kéo lên thật nhanh. Sau 2 đợt chuyển quà thành công, đến đợt chuyển hàng cuối cùng thì sóng dữ dồn dập vào mạn, khiến tàu rung lắc, đánh dạt ra xa nhà giàn, không kiểm soát được, khiến dây chuyển quà bị mắc kẹt vào tàu, bị giật căng như dây đàn; buộc cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn phải cắt đứt dây, đảm bảo an toàn cho tàu và Nhà giàn. Quá trình chuyển quà, phải bắt đầu lại từ đầu.

Các thủy thủ vận chuyển quà bằng dây lên các nhà giàn DK1.

Người ướt sũng nước do sóng tràn lên boong, Thượng úy Nguyễn Văn Thanh, quê Hà Nam, có 20 năm làm thủy thủ, chia sẻ: Những chuyến tàu cuối năm, luôn đối mặt với thời tiết khắc nhiệt, biển động, sóng to, gió lớn. Chúng tôi luôn chuẩn bị cho mọi tình huống, làm sao mang quà, hàng tết đến các nhà giàn nguyên vẹn, để các đồng chí, đồng đội chúng tôi được đón tết đầm ấm, đủ đầy.

Sóng mạnh đánh tràn lên boong tàu khi đang vận chuyển quà.

Với sự kiên trì, nỗ lực quyết tâm của thủy thủ Tàu TS-21, sau 5 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng dữ, những món quà tết mang niềm tin yêu của đất liền đã được gửi đến cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/15 thành công.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15 qua bộ đàm.

Qua chiếc bộ đàm trong buồng Chỉ huy tàu, Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác xúc động gửi những lời chúc tết đến cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15: “Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng do điều kiện thời tiết sóng gió to, Đoàn công tác cùng phóng viên không lên Nhà giàn gặp các đồng chí được. Thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/15 lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Mong các đồng chí đề cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; trước mắt là chuẩn bị chu đáo mọi mặt và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc sẵn sàng chiến đấu trong dịp tết Nguyên đán Qúy Mão - 2023 với tinh thần “Vui xuân không quên nhiệm vụ”…!

Chứng kiến giây phút chúc tết đặc biệt, các thành viên trong đoàn công tác không giấu nổi niềm xúc động, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt những người phụ nữ có mặt trong chuyến đi.

Thiếu tá Phạm Văn Hoàng, Chính trị viên nhà giàn DK1/15 dõng dạc, quyết tâm qua bộ đàm: “Những món quà vô cùng ý nghĩa đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ nhà giàn chúng tôi vững niềm tin, chắc thêm tay súng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chúng tôi xin hứa, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa ăn tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm; vừa sẵn sàng chiến đấu cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán... Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh bảo vệ vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc với phương châm “còn người, còn nhà giàn”!.

Phóng viên Nguyễn Thị Bích Phượng chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15

Phóng viên Nguyễn Thị Bích Phượng, Đài PT-TH tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ qua bộ đàm với cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/15: Do điều kiện thời tiết, nên anh em phóng viên cũng như đoàn công tác không thể trực tiếp lên nhà giàn thăm, chúc tết. Hẹn các đồng chí khi có dịp thời tiết thuận lợi, tôi sẽ xung phong lên Nhà giàn thăm các đồng chí!.

Chuyển quà bằng dây lên các nhà giàn DK1

Chia tay Nhà giàn DK/15, với những cảm xúc, lời chúc tết xuyến xao lỡ nhịp qua từng dòng tín hiệu điện đàm. Những ngày tiếp theo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, có khi các đợt sóng, gió cấp 7, cấp 8, có lúc giật cấp 9 liên tục ập đến, khiến Đoàn công tác tiếp tục lỡ hẹn, không thể lên được các nhà giàn DK1/11, DK1/14 và DK1/12 tại bãi Tư Chính; chỉ chuyển quà qua dây và qua bộ đàm gửi những lời chúc tốt đẹp, lời ca, tiếng hát thấm đượm tình cảm đến với người lính Nhà giàn.

Xuân đến Nhà giàn

Sau 6 ngày liên tục, tàu TS-21 đưa chúng tôi rời khỏi bãi Tư Chính hướng về bãi cạn Cà Mau đến Nhà giàn DK1/10, những con sóng lớn dần tan biến phía sau; sóng mỗi lúc một êm, không còn cảm giác say sóng, khỏe hơn. Sau 48 giờ di chuyển, tiếng còi tàu tiếp tục vang lên báo hiệu đến nhà giàn DK1/10, niềm háo hức, chờ đợi được một lần lên nhà giàn trong chúng tôi lại sáng lên.

Hôm sau, ai cũng dậy thật sớm. Tuy nhiên, trời lại có mưa phùn, phải đợi đến 7 giờ sáng, trời hửng nắng, Chỉ huy tàu thông báo, triển khai kế hoạch đưa đoàn công tác lên Nhà giàn DK1/10, khi đó, phóng viên chúng tôi ai cũng háo hức, sẵn sàng máy quay, máy ảnh để tác nghiệp trên Nhà giàn.

Các thủy thủ tàu Trường Sa 21 hạ xuồng đưa người lên Nhà giàn DK1/10

Phương án hiệp đồng giữa Chỉ huy tàu và Nhà giàn nhanh chóng triển khai. Những con sóng vẫn đập liên hồi vào mạn tàu, các thủy thủ tổ xuồng phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, lựa thời điểm thích hợp nhất để hạ xuồng và đưa người xuống an toàn.

Chiếc xuồng chở Đoàn công tác lên Nhà giàn DK1/10

Rời tàu, chiếc xuồng trồi lên, ngụp xuống giữa những cơn sóng. Gần đến chân nhà giàn, sóng vỗ vào xuồng ngày càng mạnh, khiến việc tiếp cận nhà giàn khó khăn. Sau nhiều lần lựa theo con sóng, xuồng tiếp cận được nhà giàn và dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của thủy thủ xuồng, chúng tôi nhanh chóng lên Nhà giàn DK1/10 an toàn.

Xuồng đưa Đoàn công tác lên Nhà giàn DK1/10

Thiêng liêng, trân trọng, cảm động… là những cảm xúc chung của các thành viên Đoàn công tác khi lần đầu đặt chân lên nhà giàn DK1/10. Niềm vui vỡ òa, những cái ôm, cái siết tay thật chặt thắm tình quân dân, cùng những phần quà tết đã mang mùa xuân, hơi ấm đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 nói riêng và nơi tiền tiêu của Tổ quốc nói chung.

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 đón nhận quà tết.

Không giấu được niềm xúc động, Trung tá Phan Tiến Tùng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/10, cho biết: Chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Đoàn công tác, không quản sóng to, gió lớn đến thăm, chúc tết. Chúng tôi tiếp tục vững tay súng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã tin tưởng giao phó.

Phóng viên rửa rau, chuẩn bị bữa ăn cùng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10

Còn với chúng tôi, những phóng viên, nhà báo thực sự cảm phục khi chứng kiến cuộc sống, điều kiện làm việc thiếu thốn, khắc nghiệt của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nơi đầu sóng, ngọn gió. Phóng viên Phạm Bá Nha, Đài PT-TH tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: Tôi thực sự cảm phục trước những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10. Những chuyến đi như thế này thật ý nghĩa, khi được góp một phần nhỏ mang mùa xuân đến với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1.

CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" tặng quà tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10.

Mùa xuân đã đến với Nhà giàn DK1! Rời nhà giàn tiếp tục hải trình về Côn Đảo, vang mãi trong tâm trí chúng tôi tiếng hát của các chiến sĩ Nhà giàn: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó. Mưa dông mặc mưa dông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng. Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời…” (Ca khúc “Lính nhà giàn đón xuân” của Thập Nhất).

(Còn nữa)

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

    Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

    Audio -
    Là vùng cây ăn quả lớn của tỉnh, huyện Yên Châu có trên 11.600 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 9.000 ha xoài, mận hậu, nhãn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đảm bảo các điều kiện tiêu thụ, huyện tích cực triển khai các phương án kết nối, tìm kiếm thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
  • 'Khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên thực chất, hiệu quả

    Khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên thực chất, hiệu quả

    Audio -
    Đảng bộ tỉnh có 17 đảng bộ trực thuộc, 829 tổ chức cơ sở đảng, 3.890 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 92.460 đảng viên. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đánh giá, xếp loại và khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên bảo đảm thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
  • 'Nơi đào tạo những tài năng thể thao

    Nơi đào tạo những tài năng thể thao

    Thể thao - Du lịch -
    Năm 2023, các VĐV của Sơn La đã góp mặt ở 34 giải đấu toàn quốc, khu vực và thế giới với giành 43 huy chương vàng, 28 huy chương bạc, 49 huy chương đồng. Con số này là những nỗ lực của tập thể Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT - nơi đào tạo những tài năng trẻ thể thao của tỉnh.
  • 'Chuẩn bị tổ chức chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” năm 2024 tại tỉnh Sơn La

    Chuẩn bị tổ chức chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” năm 2024 tại tỉnh Sơn La

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 29/3, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã làm việc tại tỉnh Sơn La về phối hợp chỉ đạo, tổ chức chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” năm 2024.
  • 'Khát vọng và cống hiến

    Khát vọng và cống hiến

    QP - AN - ĐN -
    Những năm qua, các đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ Công an Sơn La đã phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trên mỗi trận tuyến, ở mỗi lĩnh vực công tác, những đoàn viên, thanh niên và những nữ chiến sĩ Công an Sơn La luôn năng động, sáng tạo, góp phần bảo vệ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
  • 'Nhân dân Suối Thín mong sớm hoàn thành tuyến đường bê tông về bản

    Nhân dân Suối Thín mong sớm hoàn thành tuyến đường bê tông về bản

    Xã hội -
    Cách trung tâm xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu khoảng 8 km, từ nhiều năm nay, tuyến đường về bản Suối Thín vẫn còn hơn nửa là đường đất. Mặt đường bụi bặm khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Bà con nơi đây mong muốn có được tuyến đường bê tông để đi lại bớt khó khăn, nhọc nhằn và trao đổi hàng hóa thuận lợi.
  • 'Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ở Sam Kha

    Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ở Sam Kha

    Khoa Giáo -
    Từ trung tâm huyện vượt hơn 40 km đường đèo, dốc quanh co, chúng tôi đến Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Sam Kha, huyện Sốp Cộp. Những năm qua, thầy và trò nhà trường luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.
  • 'Nhịp sống mới ở Chiềng Pha

    Nhịp sống mới ở Chiềng Pha

    Xã hội -
    Là xã vùng 3 của huyện Thuận Châu, Chiềng Pha có lợi thế nằm dọc quốc lộ 6, những năm qua, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
  • 'Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

    Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

    Kinh tế -
    Là vùng cây ăn quả lớn của tỉnh, huyện Yên Châu có trên 11.600 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 9.000 ha xoài, mận hậu, nhãn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đảm bảo các điều kiện tiêu thụ, huyện tích cực triển khai các phương án kết nối, tìm kiếm thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.