Khởi sắc vùng biên Yên Châu: Kỳ II: Nhân lên nhiều điểm sáng

Sự vận dụng sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, khơi dậy sức dân làm thay đổi diện mạo nông thôn mới gắn với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đang được nhân lên ở 4 xã vùng biên của huyện Yên Châu, đời sống nhân dân ngày thêm no ấm.

Điểm sáng làm đường nội đồng

Một trong những tiêu chí trở thành xã nông thôn mới là tỷ lệ đường thôn, bản và đường liên thôn, bản ít nhất được cứng hóa 80%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Đây là một trong những tiêu chí khó đối với các xã biên giới khó khăn, nhưng xã Lóng Phiêng - đang trở thành điểm sáng thực hiện tiêu chí này hiệu quả.

Các tuyến đường nội đồng của bản Yên Thi được bê tông hóa.

Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng, chia sẻ: Qua rà soát, tổng hợp, toàn xã có trên 20km đường nội đồng tại 10 bản cần bê tông hóa. Xác định cứng hóa đường nội đồng, là đòn bẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2021, xã phát động phong trào thi đua làm đường nội đồng giữa các bản. Đây là mô hinh được xã lựa chọn là mô hình dân vận khéo để triển khai, thực hiện và nhân rộng.

Yên Thi là một trong những bản tiêu biểu, tích cực tham gia mô hình dân vận khéo làm đường nội đồng của xã Phiêng Khoài. Bản có 296 hộ, 300ha mận hậu và nhãn, trung bình mỗi năm bản đạt gần 100 tỷ đồng tiền mận và nhãn, cộng với các nguồn thu từ chăn nuôi, kinh doanh, năm 2022, thu nhập bình quân của bản đạt 46 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ thu trên 1 tỷ đồng từ trồng cây ăn quả. 

Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Lóng Phiêng. 

Dẫn chúng tôi thăm một số tuyến đường nội đồng, vừa được bê tông hóa dẫn vào các vườn cây ăn quả của bản, anh Nguyễn Đức Mạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Yên Thi, nói: Từ năm 2022 đến nay, bản Yên Thi cứng hóa gần 6 km đường trục chính nội đồng, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng, 100% nhân dân tự đóng góp. Lợi ích làm đường nội đồng phục vụ việc chăm sóc, thu hái, vận chuyển nông sản được bà con trong bản đồng tình ủng hộ rất cao. Giờ đây, nhiều tuyến đường vào khu sản xuất đổ bê tông, mặt đường rộng 2,5m, có đường đi lại thuận tiện, nhiều hộ mua xe ô tô tải, chở vật tư nông nghiệp vào tận nương hay đưa hoa quả đi tiêu thụ.

Rời bản Yên Thi, theo tuyến đường bê tông lên khu sản xuất, thăm mô hình nhãn chín muộn của gia đình ông Nguyễn Đức Xuân, bản Pha Cúng. Dọc hai bên đường là những triền nhãn xum xuê, sai trĩu quả, ông Xuân nói: Năm 2022, được cán bộ xã, bản và HTX Phương Nam vận động, gia đình đã quyết định đầu tư làm đường lên khu sản xuất cùng 6 hộ gia đình, tổng chiều dài 500m, gia đình tôi đóng góp 70%, 6 hộ còn lại đóng góp 30%, trị giá cả tuyến 130 triệu đồng. Tiếp đó, gia đình tôi đầu tư thêm 300 triệu đồng để bê tông các đuòng vào khu sản xuất của gia đình đảm bảo đi lại, vận chuyển nhãn thuận tiện, tiết kiệm nhân công. 8 ha nhãn mỗi năm có trên 100 tấn quả, thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. 

Mô hình nhãn chín muộn của gia đình ông Nguyễn Đức Xuân, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng. 
Các tuyến đường lên khu sản xuất của nhiều bản được bê tông hóa.

Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng, thông tin thêm: Mô hình làm đường giao thông nội đồng của hộ ông Nguyễn Đức Xuân, bản Pha Cuống và các hộ dân ở bản Yên Thi được nhiều thành viên của HTX Phương Nam và các hộ trên địa bàn đến thăm quan, học tập, trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các bản. Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa trên 12km đường trục chính nội đồng, đạt trên 50% kế hoạch, tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. 

Cùng với đó, phong trào thi đua xây dựng nhà văn hóa, bảo vệ môi trường, xóa nhà tạm… được nhân dân xã Lóng Phiêng hưởng ứng. Hiện nay, xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2024 sẽ “cán đích” và trở thành xã biên giới đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Giữ cho cuộc sống bình yên 

Chiềng Tương có 9 bản, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. 3 năm trước từng là 1 trong 4 xã phức tạp về ANTT của huyện Yên Châu, đưa vào diện trọng điểm để chuyển hóa địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an chính quy tăng cường về xã, đã giúp việc chuyển hóa địa bàn thu nhiều kết quả tích cực.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm.     

Đảm bảo ANTT khu vực biên giới, UBND xã phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực thực hiện dân vận khéo thông qua hoạt động giao lưu, kết nghĩa, đỡ đầu; bám nắm địa bàn với phương châm “3 bám, 4 cùng”... Đến nay, xã đưa vào hoạt động hiệu quả 4 Tổ tự quản đường biên, cột mốc với trên 500 người tham gia.

Tổ tự quản đường biên, mốc giới bản Pa Khôm có 77 thành viên, duy trì sinh hoạt 1 lần/tháng; tham gia với cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Chiềng Tương tuần tra đường biên, cột mốc 3 lần/tháng.

Anh Vàng Lao Chanh, Tổ trưởng chia sẻ: Nhiều năm qua, chúng tôi cùng lực lượng biên phòng tuần tra biên giới. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nhân dân hiểu về đường biên giới đất liền và tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Đến nay, hầu hết người dân nhận biết các dấu hiệu về đường biên giới, cột mốc và tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn.

Đồn Biên phòng Chiềng Tương hỗ trợ bà con giống cây trồng.

Đồng chí Vàng Lao Sử, Trưởng Công an xã Chiềng Tương, chia sẻ: Công an xã đã thành lập các tổ công tác, trực tiếp đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, phát động 100% số bản đăng ký xây dựng mô hình tổ tự quản về ANTT. Từ đầu năm đến nay, Công an xã Chiềng Tương mở 10 hội nghị tố giác tội phạm tại các bản, phát hơn 1.000 phiếu tố giác, trong đó có nhiều phiếu thu về có giá trị; phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát 10 lượt đường biên mốc giới, bắt giữ 7 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu hồi 8 khẩu súng.

Chuyển hóa địa bàn thành công, giờ đây, tình hình ANTT xã Chiềng Tương chuyển biến rõ rệt, các bản Pa Khôm, Pa Kha 1  trước đây là điểm nóng về ANTT, qua thực hiện chuyển hóa đã ổn định về ANTT, người dân yên tâm lao động sản xuất... góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT của huyện Yên Châu.

Công an xã Chiềng Tương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bật lên sức sống mới

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU của Đảng bộ huyện, các mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn các xã: Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Chiềng On, Phiêng Khoài đã phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa, khơi dậy sức dân thi đua sản xuất, xóa đói nghèo, chung sức cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương Tổ quốc.

Trung tâm xã biên giới Lóng Phiêng. 

Đồng chí Thào Thị Mai Anh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Phong trào thi đua "Dân vận khéo" tại các xã biên giới của huyện Yên Châu triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On phối hợp với lực lượng dân quân xã Chiềng On tuần tra biên giới.   

Những con số minh chứng cho sự chuyển mình ở các xã vùng biên, đến nay, 100% các xã biên giới có đường đến trung tâm các bản; trên 90% các bản có nhà văn hóa; 85% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm bình quân 3%/năm; riêng xã Chiềng On năm 2022 giảm 7,5%. Xã Lóng Phiêng hoàn thành và vượt chỉ tiêu bê tông hóa đường nội đồng, đang dần cán đích xã nông thôn mới của huyện vào năm 2024. Còn xã Phiêng Khoài hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận vùng mận ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vào cuối năm 2023; xã Chiềng Tương chuyển hóa địa bàn trọng điểm.

Bằng những việc làm cụ thể “Nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin”, các mô hình dân vận ở các xã biên giới tiếp tục nhân rộng, đưa mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ huyện Yên Châu vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn các xã biên giới vững mạnh.

Thanh Huyền - Huy Thành - Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới