Khởi sắc vùng biên Yên Châu: Kỳ I: Dân vận khéo để bứt phá

Yên Châu có 4 xã biên giới: Chiềng On, Chiềng Tương, Phiêng Khoài và Lóng Phiêng tiếp giáp nước Công hòa dân chủ nhân dân Lào, Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết Đảng bộ huyện Yên Châu về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới. đã có hàng chục mô hình dân vận khéo phát huy hiệu quả, diện mạo các xã vùng biên đang khởi sắc từng ngày.

Hướng về các xã vùng biên

Nhân dân bản Nà Cài, xã Chiềng On được hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh leo.

Mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/HU, của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới phấn đấu đến năm 2025 giá trị canh tác trên 1 đơn vị diện tích đạt 55 triệu đồng/ha đất trồng trọt; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3%/năm; 100% xã biên giới đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Huyện ủy đã phân công cán bộ phụ trách các xã, bám nắm địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn, đăng ký mô hình "dân vận khéo". Theo đó, Đảng ủy xã Chiềng On lựa chọn tập trung triển khai các mô hình dân vận khéo phát triển kinh tế, giảm nghèo; Đảng ủy xã Chiềng Tương tập trung mô hình đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững an ninh biên giới; Đảng ủy xã Phiêng Khoài xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Đảng ủy xã Lóng Phiêng chọn phát triển trồng cây ăn quả gắn với làm đường nội đồng. 

Tại các xã biên giới của huyện Yên Châu nhiều mô hình được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, các bản xa trung tâm xã, khuyến khích người dân chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, nhân rộng mô hình liên kết người dân với các doanh nghiệp, HTX, trong tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung. Khu trung tâm các xã, phát triển thương mại, dịch vụ, hình thành các chợ đầu mối nông sản bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kinh tế phát triển, nhiều bản huy động sức dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực đảm bảo ANTT, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tăng cường dân vận, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các xã biên giới, đặc biệt là tội phạm về ma túy, di cư, truyền đạo trái phép... 

Giảm nghèo ở xã khó khăn nhất huyện

Chiềng On - xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu, có tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm tới 70% tổng số hộ của xã, chủ yếu đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Giúp xã thoát nghèo Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Kết luận chuyên đề số 159-KL/HU ngày 17/3/2022 tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH xã Chiềng On đến năm 2025. UBND huyện thành lập tổ công tác, rà soát, bố trí nguồn lực, phân công nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, đoàn thể giúp đỡ xã Chiềng On các phần việc cụ thể, như thành lập mới 2 HTX; tăng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 35 triệu đồng/1ha đất trồng trọt, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 59,5%…

UBND huyện tổ chức cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Chiềng On và 12 bản đi thăm quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp, như: Trồng cây mắc ca, chanh leo tại xã Mường É, huyện Thuận Châu; nuôi bò nhốt chuồng, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Đồng thời, thăm quan nhà máy và làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, nghe lãnh đạo công ty triển khai những chính sách ưu đãi vùng mía nguyên liệu...

Trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc tại xã Chiềng On.

Đồng chí Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On, cho biết: Huyện về giúp xã, xã xuống giúp bản. Đảng bộ xã phân công các đồng chí ủy viên phụ trách từng bản, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai các mô hình kinh tế cụ thể, như: Nuôi gà đen, trồng cây dược liệu và mở rộng vùng mía nguyên liệu... Đồng thời, huy động các nguồn lực, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng những mô hình điểm trồng mận hậu, chanh leo, nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ để nhân dân nhìn thấy hiệu quả kinh tế. Bằng cách này, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất để nhân dân tự giác đăng ký mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... 

Nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi được nhân rộng tại các bản xã Chiềng On. Điển hình là mô hình trồng chanh leo của hộ ông Vì Văn Trường, bản Nà Cài. Ông Trường vui mừng nói: Trước đây, 2 ha đất sản xuất của gia đình trồng ngô được 7 tấn. Qua chuyến tham quan thực tế do huyện tổ chức, tôi nhận thấy mô hình trồng chanh leo phù hợp, năm 2022, tôi vay hơn 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT Yên Châu mua giống, phân bón trồng chanh leo. Giàn chanh leo đang cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, sản lượng dự kiến khoảng 20 tấn quả, giá bán trung bình từ 8.000-15.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Còn gia đình anh Vàng Lao Lịa, bản Đin Chí, những năm trước nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Chiềng On. Do địa hình đất canh tác là đồi dốc, nên gia đình chỉ trồng vài vụ ngô là đất bị xói mòn bạc màu, vất vả chăm sóc, nhưng bình quân chỉ thu gần 10 triệu đồng/ha/năm từ bán ngô. Anh Lịa chia sẻ: Năm 2022, cán bộ xã, bản và chiến sĩ Đồn Biên phòng đã tuyên truyền tôi trồng mận hậu, bí đao và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây trồng tăng, vụ vừa qua, gia đình thu 6 tấn bí đao, 8 tấn mận, thu nhập gần 100 triệu đồng. Giờ đây, gia đình đã thoát nghèo.

Nhân dân xã Chiềng On đưa giống lúa năng suất cao vào gieo trồng.

Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn xã Chiềng On được người dân đón nhận, ủng hộ. Hiện nay Chiềng On đã có gần 300 ha cây ăn quả, 90 ha mía liên kết với Công ty CP mía đường Sơn La, nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Những mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 7,52% so với năm 2021; Chiềng On là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất huyện.

Xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Lợi thế hơn các xã biên giới khác của huyện, Phiêng Khoài có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển trồng cây ăn quả. Thời điểm này, đến Phiêng Khoài, cảm thấy cái nắng hè dịu lại bởi màu xanh của những triền đồi trồng mận hậu và các loại cây ăn quả nối dài ngút tầm mắt.

Mô hình trồng mận hậu cho thu nhập cao của anh Ngô Thái Hải, bản Hang Mon, xã Phiêng Khoài.  

Cùng với anh Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài thăm mô hình trồng mận hậu quy trình VietGAP, hữu cơ trên địa bàn xã, chúng tôi ấn tượng với thông tin, xã Phiêng Khoài hiện có trên 200 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó hàng chục hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm. Đây là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị cây trồng. 

Gia đình Ngô Thái Hải là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền từ trồng mận hậu và là mô hình tiêu biểu áp dụng tiến bộ khoa học nâng cao chất lượng, giá trị cho trái mận hậu. Anh Hải kể: Năm 1996, thấy bà con lấy giống mận hậu từ Mộc Châu lên trồng, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho quả to, chất lượng tốt, tiêu thụ ổn định, gia đình trồng theo. Được cán bộ huyện, xã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật những gốc mận trồng hơn 20 năm tuổi được “trẻ hóa” bằng phương pháp đốn tỉa, chiết, ghép kết hợp sử dụng phân hữu cơ thay thế vô cơ, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đã tạo ra trái mận hậu an toàn, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, tỷ lệ quả to chiếm tỷ lệ cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với đó, gia đình đã thử nghiệm và thành công với biện pháp tác động kỹ thuật làm cho mận ra hoa lệch vụ để tăng thêm thu nhập. Với 5 ha, vụ mận hậu 2023 đã thu hoạch chính vụ được 80 tấn và thu thêm 8 tấn quả mận trái vụ, tổng thu nhập được 1,9 tỷ đồng. 

Cán bộ Phòng NN và PTNT huyện Yên Châu hướng dẫn nông dân xã Phiêng Khoài chăm sóc mận theo hướng hữu cơ.

Hiệu quả mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng mận hậu theo quy trình VietGAP, hữu cơ, trồng mận hậu chín sớm, rải vụ của ông Vi Thái Hải đã và đang được nhiều hộ dân trong và ngoài xã tham quan, học tập và làm theo. Hiện nay, Phiêng Khoài có trên 1.300 ha mận hậu, trong đó, hơn 1.200 ha cho thu hoạch, sản lượng hằng năm đạt trên 13.000 tấn quả. Ngoài thu hoạch chính vụ, nhờ áp dụng kỹ thuật, nhiều hộ trồng mận hậu còn thu hoạch hàng trăm triệu đồng từ thu mận chín sớm, rải vụ. Vừa qua, sản phẩm mận hậu của xã được chọn đưa vào các suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airline, mở ra cơ hội mới trong việc tiêu thụ quả mận hậu. Vui hơn, vùng chuyên canh mận hậu của Phiêng Khoài được huyện Yên Châu đăng ký vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2023.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều mô hình dân vận khéo về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được nhân lên và đưa 4 xã biên giới khó khăn nhất của huyện Yên Châu là Chiềng On, Chiềng Tương, Phiêng Khoài và Lóng Phiêng chuyển mình, bức tranh bản làng nhiều điểm sáng. 

Hành trình đến với các xã vùng cao biên giới huyện Yên Châu còn tiếp nối qua những mô hình hay, sự vận dụng sáng tạo nhiều cơ chế, chính sách để huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, gắn kết tình quân dân nơi biên cương, góp phần bảo vệ “phên dậu” của Tổ quốc. 

(còn tiếp)

Thanh Huyền - Huy Thành - Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới