Hỗ trợ phục hồi sản xuất công nghiệp

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các sở, ngành, chính quyền các địa phương, cùng sự chủ động, thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dần phục hồi và có bước phát triển, đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Công nhân Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL vận hành dây chuyền sản xuất.
Ảnh: Khắc Sơn (CTV)

Bức tranh toàn cảnh công nghiệp

Những năm qua, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La từng bước phát triển gắn với tiềm năng của địa phương, theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và mở ra định hướng, hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm: ngành công nghiệp khai khoáng; chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện...

Nổi lên là phát triển ngành điện, trên địa bàn tỉnh có 57 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất khoảng 669 MW và 3 nhà máy thủy điện lớn với tổng công suất 3.120 MW. Toàn tỉnh có 35 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp, trong đó có 23 cơ sở sản xuất chè, 1 nhà máy đường, 2 nhà máy tinh bột sắn, 7 cơ sở nhà máy sản xuất cà phê nhân và 2 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp.

Ca sản xuất của công nhân Nhà máy may Phù Yên.   Ảnh: Thủy Ngân

Điểm nhấn là đã thu hút phát triển các dự án, nhà máy công nghiệp chế biến rau, củ, quả, chăn nuôi, phân bón trọng điểm của tỉnh, như: Dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco - Mai Sơn; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Dự án đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu, Dự án Tổ hợp Trang trại sinh thái và trang trại bò sữa Công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, nhà máy phân bón Sông Lam, nhà máy chế biến cao su Sơn La...; và 5 cơ sở chế biến quả và trên 1.000 cơ sở nhỏ lẻ chế biến rau, quả (long nhãn, sơn tra sấy…), sản lượng rau, quả chế biến các loại hàng năm đạt trên 20.000 tấn sản phẩm.

Với tiềm năng lớn về khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, Sơn La hiện có 40 mỏ được đưa vào khai thác. Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác và chế biến hiệu quả cao, công nghệ hiện đại như: xi măng lò quay đạt 1 triệu tấn/năm; khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng đạt sản lượng 1,5 triệu tấn/năm; khai thác một số khoáng sản khác phục vụ cho chế biến trong và ngoài tỉnh như quặng Nikel, sắt, chì kẽm, thạch anh, đồng...

Cùng với các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, toàn tỉnh có 2 cụm công nghiệp với 5 dự án đang hoạt động, gồm: Cụm công nghiệp Mộc Châu và cụm công nghiệp Gia phù (Phù Yên), giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động địa phương. Hàng năm, giá trị tăng thêm các ngành sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành đạt trên 10.000 tỷ đồng, chiếm trên 20% giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là UBND tỉnh ban hành Quyết định số 990/QĐ-UBND ngày 08/6/2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2030. Chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp trong hoạt động phát triển sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La; phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Dự án LinkSME của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID tổ chức Chương trình đào tạo “Tư duy chiến lược và hành trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất, đưa ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay ưu đãi, giảm từ 0,5 đến 3%/năm cho khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Triển khai chính sách miễn, giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số thuế miễn giảm 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 175 tỷ đồng.

Công nhân Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La vận hành dây chuyền sản xuất.   Ảnh: PV

Sở Công Thương đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tích cực xúc tiến đầu tư các dự án mới. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục, vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án mới đầu tư hoàn thành, các dự án đang triển khai đi vào hoạt động đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, trong đó phải kể đến dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco đã được khánh thành và đi vào hoạt động trong tháng 5 vừa qua. Ở nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, đơn vị tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động kế hoạch sản xuất cho thị trường Trung Quốc, nâng cao giá trị xuất khẩu, một số mặt hàng, như tinh bột sắn, xi măng xuất khẩu đã tăng mạnh.

Nỗ lực duy trì tăng trưởng

Sáu tháng qua, không ít doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động cốt lõi trong sản xuất để tiết giảm chi phí, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10.
Ảnh: Ngọc Thuấn

Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Phú Yên, ở xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, thông tin: Giảm chi phí sản xuất, đơn vị đã đầu tư máy móc dây chuyền mới, thay máy móc tự động hóa, sấy sắn hoàn toàn bằng khí biogas, đưa công nhân đi học thêm về chuyên môn kỹ thuật, tuyển công nhân có tay nghề sản xuất, với việc vận hành này đã giúp đơn vị giảm 2% chi phí sản xuất. Niên vụ vừa qua, Nhà máy đã thu mua 110 nghìn tấn củ tươi, sản xuất được 30 nghìn tấn tinh bột, 5.000 tấn bã sắn sấy khô, tạo việc làm ổn định cho 150 lao động địa phương.

Còn tại Tổng Công ty Gas Petrolimex - Công ty CP tại Sơn La để tiết giảm chi phí, tăng cạnh tranh và ổn định sản xuất. Ông Lò Thanh Thảo, Giám đốc Công ty, thông tin: Sau dịch Covid-19, nhiều công ty gas có sự cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, Công ty đã chủ động nắm bắt thị trường, nâng cao dịch vụ phục vụ cho khách hàng. 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh thu bán lẻ tăng, hoàn thành chỉ tiêu tăng 5% so với kế hoạch giao trong năm 2023.

Qua phân tích giá trị và sản lượng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Sở Công Thương, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành giảm 28,5%; trong đó chủ yếu là sản lượng điện giảm mạnh; song các ngành công nghiệp khác tăng, như: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%... Một số sản phẩm công nghiệp tăng, như: Xi măng tăng 19,5%, đá xây dựng tăng 7,8%, đường kính tăng 6,1%, sữa tươi tiệt trùng tăng 9,8%; nước máy thương phẩm tăng 5,7%, tinh bột sắn tăng 6,7%. Tổng sản phẩm khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt 12.897 tỷ đồng.

Dự báo trong thời gian tới hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, góp phần phục hồi sản xuất công nghiệp bền vững.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới