Mùa cà phê ở Dồm Cang

Đến xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, những ngày này, trên khắp các triền đồi, những nương cà phê sai trĩu chín đỏ, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch, không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp.

Nông dân xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp sơ chế cà phê.

Tòng Văn Vân, bản Tốc Lìu, trồng hơn 4 ha cà phê, trong đó có 2 ha đang cho thu hoạch. Thời điểm này, gia đình anh thuê 5-6 nhân công để thu hái. Anh Vân chia sẻ: Gia đình tôi trồng cà phê được hơn chục năm nay; so với các cây khác thì cà phê dễ trồng, chăm sóc không vất vả lắm, lại cho thu nhập ổn định. Năm nay, cà phê quả tươi giá bình quân 13.000 đồng/kg, còn cà phê nhân khoảng 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình cũng thu được từ 100-150 triệu đồng.

Là người đầu tiên của xã trồng cà phê ở xã Dồm Cang, với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc, ông Vì Văn Ngoãn, bản Pặt Pháy, cho biết: Để cà phê phát triển tốt phải thường xuyên làm sạch cỏ, bón phân đúng thời điểm, thường vào tháng 2, tháng 5 và tháng 7 trong năm là hiệu quả nhất. Hiện, tổng diện tích cà phê của gia đình là 3 ha, trong đó hơn 1 ha đang cho thu hoạch, năm nay dự tính sẽ thu khoảng 4 tấn khô với giá hiện tại thu khoảng 160 triệu đồng.

Để giúp bà con tiêu thụ, năm 2015, ông Vì Văn Ngoãn còn đầu tư mở xưởng sơ chế cà phê, mỗi năm thu mua từ 400-500 tấn cà phê tươi cho bà con và tạo việc làm thường xuyên cho 2 người trong bản, thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng và việc làm theo mùa vụ hơn 10 người với tiền công 200.000 đồng/ngày. Ông Ngoãn cho biết thêm: Cà phê Dồm Cang có chất lượng rất tốt, nhưng việc sơ chế chủ yếu do các hộ dân tự làm nên chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Để nâng cao giá trị, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành mở lớp tập huấn kỹ thuật sơ chế, bảo quản để đảm bảo chất lượng, giá trị của cà phê.

Cây cà phê bén rễ trên đất Dồm Cang từ năm 1998, đến nay, xã đã trồng hơn 300 ha cà phê, chiếm 60% diện tích cây cà phê trong toàn huyện, tập trung chủ yếu tại các bản Pặt Pháy, bản Cang, Tốc Lìu và bản Dồm... Năng suất bình quân đạt 15 tấn quả tươi/1ha. Nhờ cây cà phê, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và cây trồng này đang dần trở thành cây chủ lực của xã Dồm Cang.

Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Cà phê phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng cà phê. Thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê, xã đang tiếp tục định hướng quy hoạch phát triển cây cà phê trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và trồng theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn; đầu tư thâm canh bằng giống cà phê mới, năng suất, giá trị kinh tế cao. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, theo hướng thành lập doanh nghiệp, HTX đầu tư cơ sở sơ chế gắn với bảo vệ môi trường; ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê... Hướng tới xây dựng cà phê thành sản phẩm tiêu biểu của xã.

Nắng chiều buông xuống, trên các tuyến đường xã Dồm Cang, những chiếc xe máy nối đuôi nhau chở cà phê về nhà. Từ cà phê, người dân xã Dồm Cang đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới