Hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho hội viên trong phát triển sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.

Giọng nữ
Nông dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu chăm sóc cây ăn quả.

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Thuận Châu có 31.292 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 29 cơ sở hội. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thông tin: Đồng hành với hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phối hợp với các doanh nghiệp, nhà phân phối hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trang trại, gia trại; liên kết, hợp tác sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Nhận ủy thác vốn vay của các tổ chức tín dụng giúp hội viên đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế tiêu biểu.

Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 237 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 20.677 lượt hội viên tham gia. Quản lý gần 11 tỷ đồng “Quỹ hỗ trợ nông dân” các cấp triển khai 60 mô hình kinh tế; tạo điều kiện cho 6.553 hộ gia đình hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ tổ chức tín dụng với tổng dư nợ 383 tỷ đồng. Phối hợp với các nhà phân phối cung ứng 586 tấn phân bón; gần 100 tấn giống ngô, lúa; 1 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 67 máy nông nghiệp cho nông dân ở các xã: Phổng Lập, Phổng Lái, Mường Khiêng, Chiềng Pha, Bản Lầm, Muổi Nọi...

Với 1.441 hội viên, sinh hoạt ở 12 chi hội, thời gian qua, Hội Nông dân xã Chiềng Pha đã có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành hội viên. Trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tập trung; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Nhờ đó, nhiều hội viên khai thác lợi thế địa phương lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, cho hiệu quả. Đơn cử như trường hợp của hội viên Lò Văn Toán, bản Heo Trại. Năm 2015, qua tổ chức Hội Nông dân xã, gia đình ông được vay 10 triệu đồng mua giống cây cà phê. Năm 2021, gia đình ông Toán đã thoát nghèo. Tháng 6/2023, ông tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 100 triệu đồng. Ông Toán cho biết: Nhờ có vốn vay chính sách mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Với hơn 1 ha cà phê, vụ vừa qua gia đình thu lãi 40 triệu đồng. Nâng cao thu nhập, năm nay gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cây cà phê.

Thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Bá Vụ, hội viên nông dân xã Phổng Lái. Được các cấp hội nông dân tư vấn và tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Mai Sơn, năm 2019, gia đình ông đã trồng thay thế 2ha chè sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là mận hậu và bưởi. Ông Vụ chia sẻ: Quá trình chăm sóc, tôi luôn chú trọng lựa chọn phân bón phù hợp, tuân thủ nghiêm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, vườn cây ăn quả phát triển tốt, chất lượng, mẫu mã đẹp và cho thu nhập ổn định. Sản phẩm được thương lái đến mua tại vườn. Mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng

Đồng hành với hội viên trong làm kinh tế, năm 2023, toàn huyện có 4.720 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trên các lĩnh vực, trong đó, 154 hộ sản xuất cây lương thực, 126 hộ cây công nghiệp, 1.393 hộ kinh doanh tổng hợp, 412 hộ trồng cây ăn quả và 2.635 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là thành quả trong việc định hướng của tổ chức hội nông dân các cấp trong khai thác tiềm năng, mô hình sản xuất.

Mục tiêu đến năm 2028, Hội Nông dân huyện phấn đấu 60% hộ hội viên nông dân đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó, 50% đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 100% hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hằng năm, tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân từ 500 triệu đồng trở lên; xây dựng mô hình hỗ trợ “Bò sinh sản cho hội viên nghèo” gắn với trồng cỏ tại các xã vùng III, bản đặc biệt khó khăn từ 70 con trở lên....

Hoàn thành mục tiêu đề ra, Hội Nông dân huyện tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các cơ chế của tỉnh về phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng mô hình liên kết, tổ hợp tác, HTX. Thực hiện tốt vai trò là đầu mối liên kết cho hội viên, nông dân...

Đồng thời, khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản; kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Gắn thực hiện phong trào với thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới