Mường La phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Mường La đang chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Giọng nữ
Tiểu khu Ít Bon, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La lập chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mường La phát sinh 5 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Chiềng San, Nặm Păm, Pi Toong, Ngọc Chiến và thị trấn Ít Ong, với gần 200 con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy. Trong tháng 6, tại thị trấn Ít Ong xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở 14 hộ ở tiểu khu Hua Ít, tiểu khu Ít Bon và bản Nà Tòng, phải tiêu hủy 129 con lợn. Bà Lò Thị Vinh, tiểu khu Ít Bon, cho biết: Gia đình có 14 con lợn thịt, đàn lợn có dấu hiệu bỏ ăn rồi lần lượt 12 con lợn bị chết không rõ nguyên nhân, tôi đã báo chính quyền địa phương, báo lên xã và tiêu hủy, phun khử trùng để cách ly vệ sinh chuồng trại. Việc lợn bị mắc bệnh chết, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, khó khăn trong việc tái đàn.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, thông tin: Ngay sau khi phát hiện dịch, thị trấn báo cáo UBND huyện; ban hành văn bản chỉ đạo các bản, tiểu khu thành lập tổ phản ứng nhanh; thành lập chốt chặn trực 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn. Tổ chức phun khử trùng tiêu độc, có văn bản gửi đến ban quản lý chợ cấm giết mổ gia súc không rõ nguồn gốc, phòng tránh lây lan diện rộng. Đến nay, dịch đã được khống chế.

Còn tại xã Ngọc Chiến, dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ tháng 6 tại 3 bản Lọng Cang, Chăm Pộng, Giạng Phổng, làm 76 con lợn bị chết phải tiêu hủy. Ông Lò Ngọc Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sau khi bùng phát dịch, xã đã vận động nhân dân tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Lập tất cả các chốt chặn tại 15 bản trên địa bàn xã, mỗi ngày 3 lần tổ chức tuyên truyền trên loa của các bản hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp nuôi an toàn sinh học, hạn chế không để mầm bệnh lây lan. Chỉ đạo cán bộ thú y xã phối hợp với ban quản lý các bản hướng dẫn người dân tiêm phòng dịch tả lợn.

Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, UBND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh và các nhóm mạng xã hội zalo tới các hộ chăn nuôi về thông tin dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện phân bổ, cấp hóa chất và vôi bột cho các hộ dân chủ động khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tránh để lây lan ra diện rộng. Hướng dẫn các gia đình thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Mặc dù đến nay, huyện Mường La đã cơ bản kiểm soát dịch, song tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, do người dân có tâm lý giấu dịch, công tác tiêu hủy theo quy định khó khăn, chưa có khu giết mổ tập trung. Hơn nữa, riêng tại địa bàn thị trấn là trung tâm giao thương của huyện, lợn được nhập từ nhiều nguồn, việc xác định nguồn gốc lợn rất khó khăn.

Ông Cầm Văn Bưởng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con trước khi giết mổ và mang ra chợ bán phải truy xuất nguồn gốc lợn; đề nghị thương lái báo cáo rõ nguồn gốc lợn đối với UBND xã, thị trấn. Chỉ đạo nhân viên thú y xã, thị trấn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin, phun tiêu độc khử trùng để tạo miễn dịch cho vật nuôi. Ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng khu lò mổ, mua vắc xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ.

Đối với các hộ chưa có vật nuôi bị nhiễm bệnh, khuyến cáo việc áp dụng các biện pháp phòng dịch từ sớm, thực hiện “5 không” trong phòng dịch. Tại các cơ sở chăn nuôi, định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân cần chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, chủ động nắm tình hình bệnh dịch trên đàn vật nuôi; thông tin, báo cáo kịp thời đến cán bộ thú y khi phát sinh các ca bệnh mới, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Bài, ảnh: Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới