Bắc Yên tập trung phát triển đàn gia súc

Những năm gần đây, huyện Bắc Yên đã chú trọng phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Người dân xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, phát triển chăn nuôi bò nhốt chuồng theo hướng hàng hóa.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hoá; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các phương pháp vệ sinh và cách phòng trừ dịch bệnh và tiêm phòng cho gia súc, kỹ thuật chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng; giúp đỡ, tư vấn người chăn nuôi lựa chọn, phát triển các loại con giống tốt để lai tạo, nhân giống; tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, để đầu tư mở rộng, xây dựng chuồng trại kiên cố phát triển đàn gia súc.

Tại xã Phiêng Côn, điểm nổi bật là tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất nương, đất đồi bỏ hoang để cải tạo trồng 90 ha cỏ voi và các loại phụ phẩm sau thu hoạch làm thức ăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Xã đã thường xuyên chỉ đạo triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc; vận động bà con thay đổi tập quán chăn thả rông, xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn giữ ấm cho gia súc về mùa đông, thoáng mát về mùa hè để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy hiện nay, đàn gia súc của xã Phiêng Côn luôn được duy trì và phát triển ngày một nhanh. Toàn xã có trên 5.200 con gia súc các loại (gần 160 con trâu, 2.800 con bò, 1.250 con lợn và gần 1.000 con dê), đem lại thu nhập ổn định cho người dân, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, người dân yên tâm, phấn khởi.

Người dân xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên, phát triển chăn nuôi gia súc.

Ông Lò Văn Pý, Chủ tịch UBND xã Phiêng Côn, cho biết: Hiện nay, xã đang tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, như: Trâu, bò, dê; vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cỏ và những cây trồng khác để chăn nuôi đại gia súc; khai thác nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, gắn với triển khai các biện pháp an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bảo vệ môi trường. Phấn đấu năm 2025, xã có trên 8.000 con gia súc các loại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Còng với người dân bản Chanh, xã Song Pe phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết người dân nơi đây đều tận dụng các loại cây cỏ và các sản phẩm nông nghiệp, như: Ngô, sắn, cỏ voi, cây chuối... để làm thức ăn nuôi dê nhốt chuồng. Anh Đinh Văn Thưởng, bản Chanh, cho biết: Gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố để đảm bảo cho đàn gia súc về mùa đông. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng cỏ, trồng sắn làm thức ăn dự trữ cho đàn dê về mùa khô. Vì vậy, đàn dê gần 200 con luôn được duy trì và phát triển tốt, mỗi năm đem lại thu nhập ổn định cho gia đình từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

Người dân xã Song Pe, huyện Bắc Yên, phát triển chăn nuôi gia súc.

Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Bắc Yên có trên 80.000 con. Trong đó, đàn trâu 7.210 con, bò 32.980 con, lợn 21.748 con, dê 17.700 con, ngựa 700 con. Năm 2023, huyện Bắc Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh; trồng mới 100 ha cỏ voi để nâng diện tích lên 1.200 ha làm thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn nhân dân ủ chua cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc, tu sửa chuồng trại, phòng chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Yên có trên 100.000 con gia súc các loại.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới