Trường Đại học Tây Bắc đào tạo lưu học sinh Lào

Cùng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Tây Bắc, Trường đại học Tây Bắc luôn đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh Lào học tập tại trường.

 

Các lưu học sinh Lào học tiếng Việt tại Trường đại học Tây Bắc.

Tại lớp dự bị Tiếng Việt, nơi có 47 lưu học sinh Lào theo học, giáo viên giảng bài chậm rãi từng từ, rồi quay lại hỏi sinh viên đã hiểu chưa để giảng lại; bên dưới, các lưu học sinh chăm chú nghe giảng, tập đánh vần. Em Sẻng-chăn In-tha-vông đến từ tỉnh Xiêng Khoảng, chia sẻ: Trong những buổi đầu tiếp xúc với tiếng Việt, em thấy đây là môn học khó, nhưng với sự chỉ bảo của các thầy cô và sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn sinh viên tình nguyện Việt Nam, em đã rèn được kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tốt hơn và phấn đấu hoàn thành tốt khóa học để tiếp tục học đại học.

Từ năm 2017 đến nay, Trường đại học Tây Bắc đã đào tạo trên 680 lưu học sinh Lào học tiếng Việt và các ngành đào tạo đại học, sau đại học. Khó khăn nhất đối với các lưu học sinh Lào khi sang Việt Nam học tập là bất đồng về ngôn ngữ, chưa quen với môi trường học tập, môi trường sống. Khó khăn này đã được nhà trường khắc phục bằng nhiều cách; trong đó, thành lập đội sinh viên tình nguyện, gồm sinh viên Việt Nam, lưu học sinh Lào khóa trước và cử giảng viên phụ trách công tác hỗ trợ lưu học sinh Lào học tiếng Việt. Đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ lưu học sinh Lào gồm những sinh viên có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, luôn sẵn sàng giúp lưu học sinh Lào học tập, tiếp thu bài giảng trên lớp, hỗ trợ phụ đạo tiếng Việt, tham gia các hoạt động để tăng khả năng giao tiếp, qua đó, củng cố và bổ sung vốn ngôn ngữ cần thiết trong giao tiếp và học tập.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin: Trong mỗi năm học, các khoa đã nhanh chóng triển khai kế hoạch của Nhà trường và các công tác liên quan đến lưu học sinh Lào. Xây dựng đội ngũ cố vấn học tập, tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm lý, tư tưởng, phản ánh kịp thời với khoa về các vấn đề liên quan; lựa chọn những giảng viên có nhiều kinh nghiệm giúp lưu học sinh Lào ngay từ những bài học đầu tiên. Trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin, cung cấp cho các em đầy đủ tài liệu tham khảo, từ điển trên hệ thống thư viện điện tử của Nhà trường; bồi dưỡng thêm cho những em lực học còn hạn chế. Các giảng viên trực tiếp giảng dạy luôn gần gũi với lưu học sinh để các em yên tâm học tập, giúp các em hòa nhập với các hoạt động của lớp, khoa. Cùng với đó, công tác quản lý luôn được chú trọng, đảm bảo an ninh, an toàn cho lưu học sinh Lào trong quá trình học tập tại Việt Nam.

Sau khi hoàn thành học tiếng Việt, sinh viên Lào tiếp tục lựa chọn và đăng ký theo học các chuyên ngành đại học. Trong quá trình đào tạo, mỗi khoa có giải pháp riêng để hỗ trợ lưu học sinh, như: Khoa Khoa học xã hội cử sinh viên Việt Nam hỗ trợ học tập ngoài giờ lên lớp; tổ chức các buổi ngoại khóa tiếng Việt và văn hóa Việt - Lào giúp các em được trải nghiệm và thực hành tiếng Việt, mở rộng những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Khoa Kinh tế hỗ trợ hình thành các nhóm sinh viên Việt - Lào giúp đỡ nhau học tập, sinh viên Việt Nam kèm cặp lưu học sinh Lào, những lưu học sinh Lào giúp đỡ nhau. Khoa Nông - Lâm hướng dẫn lập kế hoạch, thời khóa biểu học tập và sinh hoạt; hướng dẫn sử dụng thẻ thư viện mượn và sử dụng các tài liệu.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, nhà trường đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, bố trí đường truyền internet miễn phí..., bảo đảm không bị học đứt đoạn hoặc tiếp thu chậm kiến thức so với sinh viên Việt Nam. Cùng với đó, Trường đã cử các cán bộ, giảng viên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La giúp các lưu học sinh Lào sang Sơn La nhập học thuận lợi trong quá trình nhập cảnh, đảm bảo an toàn các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho lưu học sinh Lào; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Vào những dịp lễ, tết của hai nước, ngoài việc tạo điều kiện để các em được về thăm gia đình, Trường còn tổ chức các hoạt động cho lưu học sinh vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc tại Trường.

Những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Tây Bắc đã giúp các lưu học sinh Lào yên tâm học tập, tiếp thu kiến thức để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước Lào, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, thủy chung trong sáng Việt Nam - Lào.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới