Mường Giàng với công tác "Đền ơn đáp nghĩa"

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai có nhiều việc làm cụ thể, thực hiện tốt các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" đối với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng, gia đình chính sách, như: Tặng quà, giúp đỡ ngày công lao động, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

                                 

Lãnh đạo xã Mường Giàng động viên gia đình thương binh Lò Hồng Sơn (người ngồi thứ 2 từ trái qua phải). 

           

Những ngày tháng 7, trong ngôi nhà sàn khang trang của gia đình thương binh 4/4 Lò Văn Sơn, ở xóm 5, như đông vui hơn khi các tổ chức đoàn thể của huyện, xã đến thăm hỏi, động viên. Năm 1973, khi vừa tròn 20 tuổi nghe theo tiếng gọi của Đảng, Tổ quốc, ông Sơn lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 316 thuộc Bộ Quốc phòng. Có 10 năm trong quân ngũ, ông đã từng tham gia nhiều trận đánh lớn, như: Chiến dịch Buôn Ma Thuật, Chiến dịch Hồ Chí Minh và bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1983, ông được phục viên trở về địa phương. Sau khi phục viên, ông Sơn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức. Năng động trong các hoạt động, từ năm 1984 đến năm 2012, ông được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức danh: Chủ tịch Hội CCB, Phó Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Pá Ma Pha Khinh. Từ tháng 7/2012, ông nghỉ hưu theo chế độ. 

           

Thương binh Lò Văn Sơn, phấn khởi nói: Ngoài chế độ thương tật theo quy định, mỗi dịp lễ, tết, cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể của tỉnh, huyện, xã đã đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình. Phát huy truyền thống cách mạng, tôi luôn căn dặn con, cháu gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

           

ĐVTN xã Mường Giàng giúp ngày công dọn dẹp vệ sinh cho gia đình người có công. 

           

Cũng là đối tượng chính sách của xã Mường Giàng, ông Hoàng Văn Đạo, là bệnh binh hạng 2, cho biết: Sau 15 năm tham gia phục vụ tại chiến trường Lào, khi trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết các chế độ chính sách theo pháp lệnh ưu đãi người có công. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác là còn được sống, được nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội. Vì vậy, tôi luôn vươn lên phát triển kinh tế, gương mẫu trong đời sống. Hiện, gia đình tôi nuôi 10 con lợn thịt, 1 con lợn nái và làm nghề nấu rượu; thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tri ân người có công với cách mạng, xã Mường Giàng luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa là việc làm thường xuyên. Hiện, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai đang quản lý 77 trường hợp gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó, 32 trường hợp được hưởng trợ cấp hằng tháng, tri ân hằng năm, 100% đối tượng người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được chi trả chế độ của Nhà nước đúng thời gian, đầy đủ, kịp thời. Hằng năm, xã vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được hơn 10 triệu đồng để thăm, hỏi động viên gia đình chính sách. 

Ông Lừ Mai Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Các gia đình chính sách ở Mường Giàng luôn phát huy truyền thống cách mạng, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, tự lực vượt khó, giúp nhau phát triển kinh tế; gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa. Đến nay, 100% gia đình người có công trên địa bàn xã đều có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống dân cư nơi cư trú, không còn hộ nghèo. Hằng năm, 100% hộ chính sách đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Từ năm 2021 đến nay, các đoàn của tỉnh, huyện, xã đã thăm, tặng gần 100 suất quà, 8 sổ tiết kiệm, giúp đỡ hơn 100 ngày công dọn dẹp vệ sinh, cấy lúa, thu hoạch ngô cho các gia đình chính sách.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, phong trào đền ơn đáp nghĩa ở xã Mường Giàng thực sự đi vào chiều sâu. Những việc làm cụ thể của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân đã góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại; đồng thời, đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới