Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách tín dụng

Hơn 20 qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn được tỉnh ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nông dân bản Cống, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, đầu tư trồng cây ăn quả mang lại thu nhập ổn định. 

Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, quyết định, phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất và các chính sách dân tộc khác liên quan đến hỗ trợ vốn vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, vùng khó khăn.

Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát nhu cầu, đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng. Trong đó, thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2007-2012, đã có 4.986 lượt hộ vay trên 24,7 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 24,6 tỷ đồng; đối với nguồn vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015, có 6.667 lượt hộ vay trên 53,3 tỷ đồng; nguồn vốn theo Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, doanh số cho vay gần 85,7 tỷ đồng, với 2.084 lượt hộ vay vốn. Thực hiện Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg, doanh số cho vay trên 71,6 tỷ đồng, 4.798 lượt hộ vay vốn, doanh số thu nợ gần 71 tỷ đồng.

Ngoài ra, để hỗ trợ đất sản xuất, mua sắm nông cụ máy móc, chuyển đổi nghề, ngày 11/6/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1509/QĐ-UBND phê duyệt cho 11.846 hộ vay trên 177 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát năm 2016, có 4.594 hộ vay gần 69 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đất sản xuất 792 hộ, vốn vay trên 12 tỷ đồng; hỗ trợ mua sắm nông cụ máy móc, chuyển đổi nghề cho 3.802 hộ vay gần 57 tỷ đồng.

Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, có 11.505 hộ, dân tộc thiểu số chiếm gần 97%; số hộ nghèo chiếm gần 37,8%, số hộ cận nghèo trên 14%; 6/8 xã thuộc vùng khó khăn. Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, trong 20 năm qua, đã có gần 30.000 lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó trên 14.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo được vay hàng trăm tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho trên 1.800 lao động, xây dựng và cải tạo hơn 7.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 1.500 nhà ở cho hộ nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

Chính sách cho vay mở ra cơ hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để tạo đà phát triển sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Công tác triển khai thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng CSXH tỉnh, UBND các huyện, xã và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác trong việc tổng hợp nhu cầu vay vốn; các hộ được vay đúng địa bàn, đối tượng và định mức theo quy định. Việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích, phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Chính sách cho vay theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tác động tích cực đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh.

Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Các chính sách hỗ trợ phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tạo cơ hội cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số sớm ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 bình quân giảm 3,2%/năm.

Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh cuộc vận động “Vì người nghèo”, tích cực vận động để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho vay. Thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng toàn diện và bền vững.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới