Khơi thông điểm nghẽn cho mô hình điện mặt trời mái nhà

Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích về kinh tế, giúp tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Song, bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Đây là những nội dung được đưa ra thảo luận tại tọa đàm "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn" được Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 17/5 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp "ngóng" cơ chế

Hiện tại, thị trường điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu để thay cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn.

Với điện mặt trời mái nhà, đã hơn 2 năm qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, với ngành dệt may xuất khẩu, các doanh nghiệp đang rất nỗ lực thực hiện “xanh hóa” để có đơn hàng vào các thị trường lớn.

Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 Hà Mạnh cho biết: Sản lượng tiêu thụ của May 10 chiếm đến 90% là xuất khẩu, nên yêu cầu phải chứng minh được xanh hóa trong sản xuất đang là điều kiện tất yếu của doanh nghiệp. Trong đó có quy trình sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện bắt buộc.

Hiện tại, May 10 đã triển khai đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho dự án mới Bỉm Sơn Thanh Hóa. Sau nhà máy ở Bỉm Sơn, hiện tại May 10 đang có kế hoạch triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy tại Quảng Bình, Thái Bình,… Tuy nhiên, hiện nay, quy định lắp đặt điện mặt trời mái cho mô hình tự dùng chưa rõ ràng, nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ Tổng Công ty May 10, các doanh nghiệp khác cũng than phiền chỉ nhận được những quyết định mang tính chung chung của các công ty điện lực địa phương và mỗi một địa phương lại có cách hiểu khác nhau, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Theo các doanh nghiệp, nhiều địa phương, công ty điện lực trả lời doanh nghiệp là chưa có quy định cụ thể nên không có thỏa thuận đấu nối. Do đó, không được sự đồng ý của công ty điện lực, không có thỏa thuận đấu nối thì doanh nghiệp không thể đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam thông tin, với ngành hàng thủy sản, hiện có gần 900 nhà máy trên toàn quốc quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Những vấn đề quan trọng nhất gồm: cấp đông - đưa nhiệt độ xuống -40 độ C để bảo quản sản phẩm và trữ đông (kho lạnh) với hầu hết các kho lạnh đều sử dụng điện 380V.

Do đó, nhu cầu năng lượng rất lớn, trong khi phải thực hiện nhiều cam kết với khách hàng về môi trường. Chính vì vậy, ông Nam khẳng định, điện áp mái với doanh nghiệp ngành hàng thủy sản đang là vấn đề rất cấp thiết.

Thế nhưng, trong văn bản các doanh nghiệp thành viên gửi có liên quan đến việc họ cần lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Nhưng có sự vướng mắc ở văn bản pháp quy, cụ thể là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp ngành hàng thủy sản mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu; thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, hay giải quyết chi phí năng lượng.
Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho biết, mục tiêu năng lượng tái tạo, với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra phải tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt trên 90% vào năm 2050. xu hướng này sẽ giúp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho rằng, khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện. Chủ yếu gồm: nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi; phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi; liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy và các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo,…

Với việc thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ, bảo đảm hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi thành công, góp phần phát triển bền vững và hiệu quả hệ thống năng lượng, phù hợp xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới.

Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Xu hướng mới cho doanh nghiệp

Trước nhu cầu cấp thiết của mục tiêu giảm phát thải với các ngành sản xuất, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch chuyển dịch năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu đó nêu rõ tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/5 vừa qua.

Quan điểm Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh, khuyến khích khai thác tiềm năng của năng lượng tái tạo để xuất khẩu điện, sản xuất nhiên liệu mới đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng trong nước và xuất khẩu; đặc biệt chú trọng phát triển các nguồn điện phân tán để giảm đầu tư hạ tầng đấu nối, giảm truyền tải, giảm tổn thất điện năng. Trong đó, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu, tới năm 2030 tổng công suất nguồn điện loại hình này ước tính khoảng 10.355MW, sản xuất khoảng 15,5 tỷ kWh (chiếm 2,7% tổng điện năng sản xuất).

Để thực hiện được mục tiêu này, các doanh nghiệp mong muốn cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để “khơi thông điểm nghẽn” trong phát triển điện mặt trời mái nhà. Đồng thời, mong muốn các cơ quan ban, ngành cần có hướng dẫn cụ thể, về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mô hình thương mại, doanh nghiệp đầu tư, tự sử dụng.

Chuyên gia năng lượng và thị trường điện Phan Công Tiến cho biết, phát triển năng lượng xanh đã có từ lâu nhưng vướng mắc xuất phát từ Quy hoạch điện VIII, cụm từ tự sản tự tiêu, về mặt năng lượng cũng như kinh nghiệm quốc tế là mô hình phát triển sau côngtơ.

Trước đây người sử dụng điện truyền thống mua điện trước côngtơ, nhưng hiện nay, việc phát triển các mô hình phân tán được thuận lợi hơn do công nghệ, giá thành nên việc phát triển sau côngtơ ra đời.

Trong đó có 2 phương thức, người sử dụng tự đầu tư, người dùng điện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sản phẩm cũng như đóng thuế có lợi cho người sản xuất; hoặc hợp tác, người sử dụng kết hợp với doanh nghiệp phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích 2 bên, trong đó có sự ổn định về lưu trữ, cũng như thúc đẩy phát triển khi nguồn cung dư thừa.

Với mô hình này, cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều có lợi nên cần được ủng hộ. Đối với Nhà nước, nếu phát triển mô hình sau côngtơ thì doanh nghiệp sẽ đóng thuế như mô hình phát triển trước côngtơ, đồng thời khi doanh nghiệp có điện giá rẻ sẽ tăng sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu cho nền kinh tế.

Về lâu dài, cần có các công ty dịch vụ năng lượng để tham gia vào quá trình bán điện, để tránh quá trình tự sản, tự tiêu gây lãng phí nguồn điện, trong khi đó, Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó, cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp.

Vì vậy, VCCI sẽ có tổng hợp các kiến nghị, đề xuất giải pháp gửi các cơ quan chức năng để xem xét, điều chỉnh cơ chế phù hợp nhằm khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh được phát triển rộng khắp tới các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững…

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới