Giải pháp "trẻ hóa" cây ăn quả

Cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tuy nhiên, có không ít diện tích cây trồng lâu năm, bằng các giống cũ, năng suất, chất lượng thấp, dễ bị sâu bệnh hại tấn công... "Trẻ hóa" các loại cây ăn quả già cỗi, bị thoái hóa bằng kỹ thuật cắt, ghép cành đang là một trong những giải pháp được người dân tại các địa phương thực hiện.

Giọng nữ
Vườn mận của gia đình anh Nguyễn Văn Cải, bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, đã được ghép cải tạo, hạ cành, tạo tán.

Gia đình anh Nguyễn Văn Cải, bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu có 1,5 ha mận. Trước đây, mận hậu bán cho thương lái giá trung bình 10.000 đồng/kg. Sau khi vườn mận được cải tạo, nâng cao chất lượng quả, mận được phân loại, giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg, mận trái vụ bán với giá 100.000 đồng/kg; thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha. Anh Cải nói: Gia đình đã kỳ công chăm sóc, thực hiện ghép mắt, tỉa cành, tạo tán và đầu tư hệ thống tưới nước tự động, tạo ra những trái mận hậu ngon, đạt được giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, các hộ dân ở xã Phiêng Khoài đều đã thực hiện ghép cải tạo cây mận. Anh Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Cây mận hậu được trồng trên vùng đất này từ những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu để phát triển tự nhiên. Vì vậy, quả bé, năng suất thấp. Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh có quy định chính sách hỗ trợ 200 nghìn đồng/hộ dân tham gia ghép mắt cải tạo vườn tạp đã làm thay đổi tư duy của bà con. Từ đó, phong trào ghép cải tạo vườn mận của xã diễn ra rộng khắp, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng, tạo sản phẩm mận chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Đến nay, xã Phiêng Khoài có 2.900 ha mận hậu, trong đó, có 2.300 ha mận đang cho thu hoạch, chiếm 2/3 diện tích mận của huyện Yên Châu. Thành công trong việc ghép cải tạo cây mận, nông dân Phiêng Khoài tiếp tục học tập kinh nghiệm cách hạ cành, tạo tán, kích thích cho mận ra quả trái vụ. Hiện nay, giá bán bình quân từ 50.000-100.000 đồng/kg tùy loại, cao gấp nhiều lần so với trồng mận trước đây.

Vườn cam đường canh ghép vào gốc bưởi của gia đình anh Nguyễn Bá Thành, bản Nong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Bản Nong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Mai Sơn, đã tích cực triển khai cải tạo, ghép mắt cây trồng, nâng cao chất lượng. 

Tiêu biểu, gia đình anh Nguyễn Bá Thành, thực hiện thành công ghép cây cam đường canh vào gốc bưởi. Anh Thành cho biết: Gia đình tôi có hơn 4 ha bưởi diễn, bưởi da xanh trồng hơn 10 năm. Năm 2020, tôi về Bắc Giang học tập và đưa kỹ thuật ghép cải tạo hơn 1 ha cam đường canh vào các gốc bưởi của gia đình. Năm 2023, cây cam ghép trên các gốc bưởi cho bói quả, thu hơn 5 tấn, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg; đặc biệt, qua theo dõi, cây cam gép trên gốc bưởi gần như không mắc bệnh.

Nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, thực hiện ghép cải tạo vườn cây ăn quả.

Theo anh Thành, thời gian ghép thích hợp nhất là vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch; chọn gốc ghép là những cây khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Khi ghép, thao tác phải dứt khoát, nhanh, không để khô nhựa mắt ghép; mắt ghép phải được quấn ni lông kín; thường xuyên chặt nhánh phụ cây gốc để mầm ghép có đủ dinh dưỡng phát triển tốt.  

Mô hình ghép giống nhãn ánh vàng 205 tại xã Chiềng Ngần, Thành phố.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 83.000 ha cây ăn quả; đến nay, trên 13.000 ha được ghép cải tạo với các loại giống cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, có 3.967 ha xoài, trên 7.600 ha nhãn, gần 800 ha cam, bưởi và nhiều loại cây ăn quả khác. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang xây dựng mô hình ghép cải tạo thay thế bằng các giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, như: Mô hình ghép cải tạo giống nhãn ánh vàng; mô hình ghép mắt na dứa, na sầu riêng từ gốc na địa phương... Việc đưa vào áp dụng khoa học kỹ thuật, tiên tiến vào sản xuất, giúp nông dân hình thành những vườn cây ăn quả cho năng suất cao, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi.

Với mục tiêu nâng cao giá trị cho cây ăn quả, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân cải tạo giống cũ, giống thoái hóa bằng nguồn giống bảo đảm chất lượng, năng suất cao. Người dân cần tuân thủ, áp dụng chuẩn các công nghệ chuyển giao để sản xuất những giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng tốt, ổn định, góp phần đưa cây ăn quả của Sơn La phát triển bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới