Tưởng nhớ chiến sĩ Gạc Ma

Cách đây 36 năm, ngày 14/3/1988, diễn ra trận chiến quyết liệt của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa. Trong trận chiến đó, có 64 cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và cùng anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt những năm qua, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi công ơn những người lính đã anh dũng hy sinh vì một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong tuyến hàng hải quốc tế; là ngư trường lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, những năm 80 của thế kỷ XX, một số nước trong khu vực đã huy động lực lượng đến cắm, chiếm các đảo, bãi đá ở Trường Sa.

Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến không cân sức để tự vệ và bảo vệ đảo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trên quần đảo Trường Sa, 64 cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và anh dũng hy sinh.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam không dùng vũ khí mà đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma, đã trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, mãi khắc sâu trong lòng những người ở lại. Sự hy sinh của các anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Vùng 4 Hải quân tổ chức tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Tưởng nhớ sự anh dũng hy sinh của 64 chiến sĩ trong hải chiến Trường Sa năm 1988, hằng năm, Vùng 4 Hải quân tổ chức các hoạt động tưởng niệm kết hợp với giáo dục truyền thống, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ôn lại những câu chuyện về 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma trong giờ sinh hoạt chính trị. Từ đó, hun đúc lòng yêu nước, tình yêu quê hương, đất nước và quyết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương của chiến sĩ trẻ.

Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân dâng hoa tại Lễ tưởng niệm. 
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Trong chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024 vừa qua, khi đến với cụm đảo Sinh Tồn, tôi vinh dự được cùng Đoàn công tác gồm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, các nhà báo, phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ mọi miền của Tổ quốc, tham gia Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong giờ phút bồi hồi xúc động, thời gian dường như chậm lại cùng cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển đảo quê hương.

Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại đảo Trường Sa.
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Xúc động, nghẹn ngào là cảm xúc của nhà báo Nguyễn Khắc An, Báo Nghệ An, khi lần đầu đến Trường Sa và được dự buổi Lễ tưởng niệm các liệt sĩ, trong đó có người bạn của mình. Anh đã thắp nén nhang, thả xuống biển khơi cho bạn và những người đồng đội một nắm đất mang từ quê hương xứ Nghệ. Tấm chân tình được anh bao bọc, trân trọng suốt cả hành trình cùng với những bông hoa cúc, hạc giấy.

Nhà báo Nguyễn Khắc An chia sẻ: Bạn tôi - liệt sĩ Lê Bá Giang cùng 63 đồng đội đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma. Lần này, được đến Trường Sa, những kỷ niệm giữa tôi và liệt sĩ Lê Bá Giang lại ùa về. Tôi muốn nhắn gửi tới bạn của tôi rằng quê hương, gia đình và bè bạn luôn nhớ về bạn, luôn tự hào về bạn.

Nhà báo Nguyễn Khắc An tưởng nhớ người bạn của mình.

Còn quân nhân chuyên nghiệp Thiếu tá Trần Thị Thủy, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó Đảo trưởng đảo Gạc Ma, đã hy sinh trong hải chiến cách đây 36 năm, vô cùng xúc động: Tháng 5/2023, tôi được tham gia đoàn công tác đến với quần đảo Trường Sa, tôi xúc động vô cùng khi tận mắt nhìn thấy nơi bố tôi đã anh dũng hy sinh. Nguyện hứa với bố sẽ tiếp bước truyền thống của gia đình, năm 2010, tôi viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, nguyện vọng được phục vụ trong Quân chủng Hải quân. Khi chứng kiến đồng đội ngày đêm canh giữ các vùng biển đảo, tôi luôn vững niềm tin, chủ quyền của Tổ quốc sẽ mãi được bảo vệ vững chắc.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin ôn lại truyền thống lịch sử.
Ảnh: Thanh Hoàng (Vùng 4 Hải quân)

Những ngày tháng 3, tại Thành phố Cam Ranh cùng quần đảo Trường Sa, các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chỉ huy các đảo tiến hành giáo dục lịch sử truyền thống, tổ chức các hoạt động tri ân tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao…

Thả hoa xuống biển tri ân cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thay lời kết, xin được mượn câu nói bất hủ của liệt sĩ Trần Văn Phương trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Anh hùng”. Chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc đã, đang và sẽ được cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân cũng như những thế hệ người Việt Nam tiếp nối và giữ vững.

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Bản tin Podcast ngày 2/5/2024

    Bản tin Podcast ngày 2/5/2024

    Audio -
    Tin tức đáng chú ý có trong Bản tin thời sự, thứ 5, ngày 2/5/2024: • Trao thưởng thành tích xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm ma túy • Mường La mưa to, gió lốc gây thiệt hại trên 330 triệu đồng • Vòng sơ khảo Hội thi tìm kiếm tài năng nhí • Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ • Chính phủ Nhật Bản trao tặng huân chương cao quý cho nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
  • 'Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV

    Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ.
  • '“Tượng đài mừng công” – khẳng định chiến thắng của quân và dân ta

    “Tượng đài mừng công” – khẳng định chiến thắng của quân và dân ta

    Cùng với di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài tại di tích Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng, mô tả Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với bộ đội các binh chủng, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc trong buổi lễ mừng công Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.
  • 'Tuổi trẻ BĐBP xung kích, sáng tạo, quyết thắng

    Tuổi trẻ BĐBP xung kích, sáng tạo, quyết thắng

    Quốc phòng -
    Những năm qua, tuổi trẻ lực lượng Bộ đội Biên phòng Sơn La đã phát huy vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tham gia xây dựng “Thế trận biên phòng toàn dân” vững chắc, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới của tỉnh, xây dựng được hình ảnh đẹp người lính quân hàm xanh.
  • 'Mang lại nụ cười cho trẻ khuyết tật

    Mang lại nụ cười cho trẻ khuyết tật

    Xã hội -
    Những năm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị khuyết tật khe hở môi, khe hở vòm miệng trên địa bàn tỉnh, mang lại nụ cười và cho các em một tương lai tốt đẹp hơn.
  • 'Người giữ nghề rèn truyền thống ở bản Pặt Pháy

    Người giữ nghề rèn truyền thống ở bản Pặt Pháy

    Gương sáng bản làng -
    Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có nghề rèn truyền thống, lò rèn của gia đình ông Vì Văn Xiên, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, vẫn sớm tối “đỏ lửa” trong gần 40 năm qua. Với những bí quyết gia truyền, sản phẩm rèn có độ tinh xảo, sắc và bền, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
  • 'Cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI

    Cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI

    Cải cách hành chính -
    PAPI là Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam nhằm đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, góp phần nâng chỉ số PAPI tỉnh Sơn La năm 2023 vươn lên đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so với năm 2022.
  • 'Xây dựng và phát triển các sản phẩm cá sông Đà

    Xây dựng và phát triển các sản phẩm cá sông Đà

    Kinh tế -
    Quỳnh Nhai hiện có hơn 10.000 ha mặt nước lòng hồ, đây là lợi thế để huyện phát triển nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Với sản lượng thủy sản nuôi và đánh bắt lớn, các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng thương hiệu cá sông Đà của Quỳnh Nhai.
  • 'Chung tay xóa nghèo ở xã đặc biệt khó khăn

    Chung tay xóa nghèo ở xã đặc biệt khó khăn

    Xã hội -
    Những năm qua, huyện Mai Sơn đã huy động hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, giúp hộ nghèo từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
  • 'Nông dân Sơn La tích cực chuyển đổi số

    Nông dân Sơn La tích cực chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đang được nông dân trong tỉnh tích cực triển khai, áp dụng từ quy trình sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.