Bộ đội Cụ Hồ - một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay

Lãnh tụ Hồ Chí Minh mang tinh thần phụng sự đất nước và nhân dân vô điều kiện thì đội quân do Người sáng lập và rèn luyện ắt hẳn phải mang những phẩm chất ấy. Một phần của những nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành di sản tinh thần của dân tộc, đồng thời nó vẫn được tiếp tục bổ sung trong thời đại ngày nay. Ít có những phẩm chất nào lại mang tính trao truyền, tiếp nối lâu dài trong đời sống như vậy.

1. Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ nói lên một sự thật về người lính cách mạng, người chiến sĩ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân, anh dũng tuyệt vời trong chiến đấu và gương mẫu, sống đẹp cả khi đã rời quân ngũ trở về đời thường. Hàng triệu người đã là lính, vị trí của họ cũng rất khác nhau nhưng đều có chung một danh xưng và hầu như tất cả họ (người nhập ngũ đầu tiên đến nay đã ngoài trăm tuổi và người mới nhập ngũ đầu năm nay mới chỉ mười tám tuổi) đều yêu thích, tự hào với tên gọi này. Họ coi đó như một danh hiệu cao quý mà họ cần phấn đấu, bảo vệ, giữ gìn trong đời sống không chỉ của họ, cho họ mà cho truyền thống Quân đội và cho xã hội.

Suốt 80 năm qua, danh hiệu ấy đã đi vào đời sống của đất nước trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực tinh thần, trở thành niềm cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ thuộc đủ loại hình nghệ thuật. Câu nói cửa miệng “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” mang biểu tượng cho những gì đẹp nhất của phẩm chất người lính không chỉ trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà còn cả trong cuộc sống đời thường.

Bộ đội Cụ Hồ - một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay
 Tiết mục nghệ thuật tôn vinh truyền thống sức mạnh quân dân góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN HUY

2. Là giá trị văn hóa, danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hình thành trong đời sống dân tộc như một quá trình. Dù không có một sự xác định mang tính ràng buộc nào nhưng phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ được mặc định thừa nhận như những phẩm chất ưu tú của người lính được hình thành, tích tụ thành một giá trị rồi tác động tích cực đến môi trường xung quanh. Đó là một quá trình rèn luyện, phấn đấu gian khổ, triệu người như một đến khi kết tinh, hội tụ và lan tỏa như một giá trị tinh thần mẫu mực của phẩm chất người lính.

Sự sàng lọc của thời gian, những thử thách khốc liệt qua mấy cuộc chiến tranh mới định hình nên một tên gọi như vậy. Có thể nói, trong thời gian 9 năm chống thực dân Pháp và những năm tháng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở nên thân thuộc, gần gũi mà lừng lững như tượng đài của một dân tộc, gắn với những hy sinh phi thường, lòng quả cảm vô song, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quên mình vì đất nước, vì nhân dân. Đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng hết sức bảo vệ nhân dân với tinh thần “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” là cội nguồn sức mạnh của đội quân ấy.

Từ thuở thành lập đầu tiên với 34 chiến sĩ, tinh thần ấy đã được xác lập trong 10 lời thề danh dự mà lời thề đầu tiên là: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam..., làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập, dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới. Và điều thứ 9: Khi tiếp xúc với dân chúng, sẽ làm đúng 3 điều nên: Kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và 3 điều răn: Không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân... thực hiện quân dân nhất trí. 10 lời thề danh dự sau này tuy có điều chỉnh đôi chút về ngôn từ và cho phù hợp với thực tiễn cách mạng nhưng những điều cốt lõi không thay đổi, hai điều trích trên gần như vẫn giữ nguyên vẹn, trở thành 10 lời thề danh dự của người chiến sĩ khi đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều muốn nói ở đây là, ngay từ lúc Quân đội mới thành lập, tư tưởng giải phóng nhân dân, bảo vệ nhân dân, trung thành với Tổ quốc và gắn bó máu thịt với nhân nhân đã trở thành cốt lõi cho những lời thề danh dự và trở thành tư tưởng xuyên suốt của nghĩa vụ và danh dự người lính, là nguồn gốc của những chiến công và là căn cứ để đánh giá phẩm chất người lính “trung thành vô hạn, anh dũng tuyệt vời”.

Khi đội quân non trẻ ấy mới được hai tuổi quân thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tinh thần “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã được những người lính của Trung đoàn Thủ đô và tự vệ thành Hà Nội thể hiện đặc biệt sáng ngời trong những cuộc chiến đấu không cân sức với xe tăng, đại bác của đội quân thiện chiến Pháp ở khắp các ngõ phố Hà Nội. Những trận đánh đẫm máu ở Nhà đèn, đồn Công an Hàng Trống, chợ Đồng Xuân, Phủ Chủ tịch, ô Chợ Dừa, ô Cầu Dền... trong những ngày đầu kháng chiến đã viết nên những chương đầu của khúc ca bi hùng của người lính Cụ Hồ. Mà không chỉ có ở Hà Nội, trên tất cả các chiến trường Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn..., nơi nào quân xâm lược đặt chân đến đều gặp phải sự kháng cự quyết liệt và anh dũng vô song của những người lính trang bị vô cùng thô sơ nhưng tinh thần chiến đấu thì không có bút mực nào tả được.

Bộ đội Cụ Hồ - một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" trở thành hành động của lớp lớp người ra trận những ngày đầu đứng trong đội quân vì nhân dân mà chiến đấu. “Lột sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm, áo vải chân không đi lùng giặc đánh” là họ. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” không chỉ còn là lời của một bài ca mà là một thực tế và bàn chân người lính “đi đến cùng trời, đi tới cuối đất”, chiến đấu cho đến khi “không còn một tên xâm lược trên đất nước ta” thì những người lính lại trở về bắt tay vào cuộc xây dựng đất nước. Cái “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” của người lính Cụ Hồ trở thành hình ảnh đẹp nhất trong văn học nghệ thuật là vì vậy.

Bộ đội Cụ Hồ là những người lính cụ thể nhưng danh xưng này trở thành một biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của một đội quân vì trong cuộc sống và công tác, họ đã thể hiện những phẩm chất ấy như hành động tự nhiên, vốn có vì ở họ ý thức tự giác vì nước, vì dân đã thấm vào cả nhận thức, tình cảm, niềm tin, lý tưởng của họ. Dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng trong thời bình, trong cuộc sống đời thường họ cũng luôn thể hiện những phẩm chất ấy ở những cảnh huống khác nhau. Chính vì điều ấy mà cụ chiến sĩ, ông chiến sĩ, bác chiến sĩ hay anh chiến sĩ đều trở nên gần gũi và được nhân dân yêu mến hết lòng. Bộ đội Cụ Hồ là người cụ thể nhưng danh xưng, danh hiệu này lại nhằm chỉ những phẩm chất đặc biệt về một hình ảnh đặc biệt, mang ý nghĩa biểu tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Như đã nói ở trên, một nét đẹp văn hóa được hình thành trong đời sống và trở thành giá trị khi nó tỏa sáng, có ý nghĩa kêu gọi người ta hướng đến học tập, phát huy và làm phong phú thêm đời sống tinh thần và trở thành sức mạnh nội sinh cho cá nhân và cộng đồng. Một cách ứng xử đẹp, một hành vi đẹp, một phẩm chất đẹp... rất đáng quý trong đời sống. Nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ mang ý nghĩa rộng hơn nhiều. Nó trở thành một khái niệm có tính hệ thống về hàng loạt phẩm chất tốt đẹp mang giá trị tinh thần của một giai đoạn lịch sử của con người. Điều đặc biệt là không chỉ nói về một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử-thời kỳ chiến tranh, mà cả trong thời bình, trong các quan hệ đời thường, người lính Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng những phẩm chất ấy.

Ở trong khái niệm này, bộc lộ nhiều giá trị trong nhiều quan hệ: Nghĩa vụ, nghề nghiệp, công việc, tình cảm, quan hệ với đồng đội, nhân dân, quan hệ quốc tế, trong những ứng xử riêng tư... Mới đây, khi những người dân châu Phi-nơi các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế-hô vang “Hồ Chí Minh, Việt Nam, bộ đội Việt Nam” bằng tiếng Việt để thể hiện lòng biết ơn vì tinh thần tận tụy và quên mình của bộ đội Việt Nam dành cho họ. Và người lính Việt Nam nói về điều này thật giản dị: Chúng tôi là người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam đi ra nước ngoài làm nhiệm vụ quốc tế. Chúng tôi tâm niệm phải xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Điều này phần nào nói lên một sự thực giản dị nhưng không phải người lính của quân đội nào cũng làm được: Bộ đội Cụ Hồ trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn xứng đáng là một nhân cách văn hóa luôn lấy phụng sự Tổ quốc và nhân dân làm kim chỉ nam cho hành động của mình.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh mang tinh thần phụng sự đất nước và nhân dân vô điều kiện thì đội quân do Người sáng lập và rèn luyện ắt hẳn phải mang những phẩm chất ấy. Một phần của những nét đẹp ấy đã trở thành di sản tinh thần của dân tộc, đồng thời nó vẫn được tiếp tục bổ sung trong thời đại ngày nay. Ít có những phẩm chất nào lại mang tính trao truyền, tiếp nối lâu dài trong đời sống như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà trên hầu hết tượng đài gắn với chủ đề chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc ở ta đều có hình ảnh người chiến sĩ và đại diện các tầng lớp nhân dân. Trong thực tế, hình ảnh này phản ánh sự gắn bó máu thịt giữa quân dân nhưng đồng thời nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng: Bộ đội Cụ Hồ là bộ đội của nhân dân, con em nhân dân, suốt đời họ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin cậy. Đến thời điểm này, danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thực sự là một khái niệm có nội dung cụ thể, là một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh trong thời đại ngày nay.

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Quyền yêu cầu trong kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự

    Quyền yêu cầu trong kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự

    Pháp luật -
    Thực hiện quyền yêu cầu trong hoạt động tố tụng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp quán triệt các chỉ thị của ngành về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai; nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho bị can bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự” đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
  • 'Chiềng Hắc chủ động phòng, chống thiên tai

    Chiềng Hắc chủ động phòng, chống thiên tai

    Xã hội -
    Quản lý, vận hành hiệu quả các công trình thoát lũ đã được đầu tư xây dựng; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích ngô trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, trồng rừng sản xuất. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai; bố trí địa điểm di chuyển các hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn... là những giải pháp được xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tập trung thực hiện trong những năm qua, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
  • 'Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng tổ chức công đoàn

    Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng tổ chức công đoàn

    Xã hội -
    Cùng với làm tốt chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, các tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp còn đồng hành với chủ sử dụng lao động triển khai các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động, tạo thêm động lực để người lao động yên tâm làm việc, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
  • 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

    Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

    Xây dựng Đảng -
    Khắc ghi lời Bác dạy về công tác dân vận, những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, đã phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của quân đội và địa phương; tích cực tham gia phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.
  • 'Các sản phẩm đặc trưng ở vùng cao É Tòng

    Các sản phẩm đặc trưng ở vùng cao É Tòng

    Kinh tế -
    Thành lập năm 2021, HTX Nông nghiệp sinh thái Efarm É Tòng, xã É Tòng, huyện Thuận Châu, chủ yếu trồng cây dược liệu, đậu đỗ; gà đen, lợn đen bản địa,... cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giúp các thành viên nâng cao thu nhập.