Sáng tạo, đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 02 của Đảng bộ Thành phố: Kỳ II: Lan tỏa những mô hình “ý Đảng, lòng dân”

Từ 13 mô hình mẫu, đến nay, các cơ quan, đơn vị, xã, phường trên địa bàn thành phố đã đăng ký, triển khai 227 mô hình trên các lĩnh vực, tạo phong trào thi đua sôi nổi, góp phần mang lại diện mạo mới cho thành phố Sơn La.

Đưa nghị quyết về cơ sở

Có thể nói, các mô hình cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội được Thành phố lựa chọn đã mang lại hiệu quả, thể hiện rõ vai trò của cấp ủy cơ sở trong chỉ đạo, thực hiện. Tiêu biểu, mô hình làm đường asphalt các tổ, bản là một trong 13 mô hình triển khai rộng khắp, nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Nhiều cơ sở, chủ động đăng ký tham gia triển khai, đoàn kết tạo nên những tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đây là kết quả ngoài dự kiến, có sức lan tỏa cao.

Nhân dân tham gia giám sát thi công rải asphalt các tuyến đường tại phường Chiềng Lề.

Về phường Tô Hiệu, nhiều tuyến đường váo các tổ dân phố xuống cấp, nay được “thay áo mới” rải asphalt sạch đẹp, rộng rãi, láng mịn, có vạch kẻ đường rõ ràng. Dẫn chúng tôi thăm tuyến đường ngõ giải asphalt, ông Đỗ Tiến Dũng, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 9, phấn khởi: Thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” được sự nhất trí đồng thuận cao của cấp ủy, chi bộ. Tổ 9 có 192 hộ, trong đó 57 hộ được hưởng lợi trực tiếp, có nhà mặt đường huy động đóng góp 3 triệu đồng/hộ; các hộ còn lại đóng góp 500.000 đồng/hộ. Phát huy vai trò tiên phong, đảng viên đi đầu noi gương. Nhiều đảng viên tự nguyện đóng góp thêm từ 1 triệu đồng đến 35 triệu đồng/hộ. Bằng cách làm này, tuyến đường Lê Thanh Nghị dài gần 500m đã hoàn thành, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40% kinh phí, nhân dân đóng góp gần 160 triệu đồng. Ngoài ra, cấp ủy, ban quản lý tổ vận động các hộ góp kinh phí giải asphalt thêm 2 nhánh gần 200m. Đến nay, tổ đã hoàn thành việc giải asphalt tuyến chính và đường ngõ, đồng thời các hộ đã thực hiện xã hội hóa tuyến đường hoa kiểu mẫu.

Đã vào “cái tuổi xưa nay hiếm”, nhưng khi nói về câu chuyện làm đường của tổ mình, ông Đào Danh Thơm, hồ hởi: Gia đình tôi có nhà ngay mặt đường, ngoài đóng góp theo quy định, tôi đã tình nguyện ủng hộ thêm 3 triệu đồng để làm đường. Trong thời gian thi công, tôi cùng nhân dân của tổ tham gia giám sát công trình. Khi tuyến đường rải xong asphalt, ai ai cũng phấn khởi bởi ngõ rộng, sạch, đẹp hơn rất nhiều. Giờ các hộ còn bố trí các chậu hoa, cây cảnh dọc tuyến đường tạo cho tuyến đường xanh, sạch, đẹp.

Thi công rải asphalt tuyến đường tổ 6, phường Chiềng Lề.

Còn tại tổ 12, phường Chiềng Lề, ngay khi có chủ trương rải asphalt các ngõ chính, nhân dân trong tổ đã đồng thuận thực hiện. Bà Nguyễn Thị Bắc, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 12, thông tin: Từ sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 10 ngày, tuyến đường có chiều dài 475m đã rải asphalt xong với tổng kinh phí gần 590 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40% còn lại nhân dân đóng góp. Nhiều đoạn đường ngõ các hộ đã tự huy động đóng góp tiền để giải asphalt. Đồng thời, xây dựng tuyến đường hoa do phụ nữ tự quản.

Đảng viên giúp hộ khó khăn thoát nghèo

Mô hình đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo là một trong 13 mô hình được đánh giá hiệu quả và nhân văn. Thành phố huy động hệ thống chính trị cùng các doanh nghiệp, tổ chức tham gia thực hiện. Trên cơ sở phân loại hộ nghèo, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, giúp đỡ từng hộ nghèo.

Thành ủy phối hợp đơn vị tài trợ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo phường Chiềng Cơi.

Ông Phạm Hồng Quyết, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố, cho biết: MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các hộ tiếp cận với các giải pháp thoát nghèo theo từng nhóm nghèo. Trong đó, đối với nhóm hộ nghèo khó có khả năng thoát nghèo (người già đơn thân, đối tượng bảo trợ xã hội), Thành phố hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, tặng sổ tiết kiệm, cây giống, con giống. Với hộ nghèo thiếu đất sản xuất, UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường rà soát quỹ đất cộng đồng cho các hộ mượn để canh tác trồng cây ngắn ngày trong khoảng thời gian từ 3-5 năm. Đối với các hộ nghèo có đất nhưng chưa biết cách phát triển kinh tế, cán bộ, đảng viên tại địa phương tổ chức cho các hộ tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để tăng thu nhập.

Nhân dân xã Chiềng Ngần được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê. 

Đối với các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”; bình quân mỗi năm, hỗ trợ xây dựng 20-30 nhà, mức hỗ trợ từ 20-50 triệu đồng/nhà. Từ năm 2021 đến nay, các đảng viên được phân công giúp đỡ đã hỗ trợ vật chất và tiền mặt trên 1 tỷ đồng; xây dựng mới, xóa nhà tạm được 95 căn; số hộ nghèo giảm từ 271 hộ xuống còn 112 hộ năm 2023.

Công an Thành phố và phường Quyết Thắng trao nhà đại đoàn kết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Được hỗ trợ xây nhà, bà Cà Thị Yệc, bản Muông, xã Chiềng Ngần nói: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có đủ tiền xây một ngôi nhà mới để ở, nay được Thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo góp tiền, góp công giúp tôi xây nhà. Tháng 10 vừa qua, căn nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đây chính là động lực giúp tôi tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa phong trào thi đua

Từ 13 mô hình mang tính đột phá, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở đến nay, Đảng ủy các xã, phường nghiên cứu kỹ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đăng ký triển khai thực hiện 227 mô hình. Nhiều tổ, bản đã hoàn thành mô hình chỉ sau vài tháng triển khai thực hiện và đang tiếp tục nhân rộng.

HTX Cà phê Bích Thao chế biến sản phẩm cà phê mật ong.

Về bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao của Thành phố những ngày này, người dân đang tất bật thu hoạch cà phê. Niềm vui nhân đôi, khi cà phê năm nay được mùa, được giá. Bản vinh dự được tỉnh lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài, một hoạt động trong Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.

Vinh dự hơn, nhân dân được đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương tới thăm, tặng quà và dự Hội thi Nhà nông đua tài. Sự kiện góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế về vùng chuyên canh cà phê Arabica chất lượng cao của xã Hua La nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung.

Đúng dịp này, HTX Cà phê Bích Thao đứng chân trên địa bàn thành phố, có sản phẩm cà phê bột nguyên chất đạt 5 sao cấp quốc gia cũng vừa cho ra mắt sản phẩm cà phê bột hòa tan sấy thăng hoa. Đây là dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Sơn La, mở ra hướng phát triển nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân trồng cà phê trên địa bàn.

Các câu lạc bộ văn hóa các dân tộc thi múa xòe tại Lễ hội hoa ban Thành phố năm 2023.

Ngoài triển khai các mô hình kinh tế, việc “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025” qua Đề án số 4-ĐA/TU ngày 20/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra để thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU cũng tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Đến nay, Thành phố đã thành lập 21 câu lạc bộ văn hóa các dân tộc, với hàng trăm thành viên là các nghệ nhân, người yêu thích văn hóa dân tộc. Đều đặn tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, các thành viên của Câu lạc bộ “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái” ở bản Hìn, phường Chiềng An lại tập trung về nhà văn hóa bản cùng nhau luyện tập các bài múa xòe cổ, các làn điệu dân ca Thái. Chị Lò Xuân Hưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Câu lạc bộ đã tập hợp các hội viên đam mê, yêu thích văn hóa Thái, giành nhiều thời gian luyện tập các làn điệu dân ca, mời thầy đến truyền dạy chữ Thái cho hội viên và bà con dân bản.

Lớp học chữ Thái thu hút đông đảo người dân tham gia.

Xây dựng nếp sống xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuổi trẻ Thành phố phát huy vài trò xung kích, triển khai nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân tham gia, bằng những công trình, phần việc cụ thể, thiết thực như: “Hồi sinh những dòng suối chết”, vẽ tranh bích họa trên những bức tường dọc các tuyến phố; tuyến đường thanh niên tự quản; hoạt động đổi phế liệu lấy cây xanh; mô hình chợ dân sinh phòng, chống rác thải nhựa…

Từ năm 2022 đến nay, tuổi trẻ Thành phố duy trì 12 đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, thu gom hàng chục tấn rác thải; xây dựng 3 công trình “Ánh sáng bản làng” với chiều dài trên 2km; 6 công trình “Sân vui chơi cho thiếu nhi”; ra quân bóc dỡ trên 5.000 biển quảng cáo sai quy định; trồng mới gần 9.000 cây xanh; tổ chức trên 80 hoạt động vệ sinh môi trường đường bản, ngõ, xóm, nhà văn hóa...

Tuổi trẻ Thành phố tham gia vệ sinh môi trường tại phường Quyết Tâm.

Hơn 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cơ quan, đơn vị từng xã, phường đều có sự đổi mới, sáng tạo trong cách làm, cụ thể bằng những mô hình sát với thực tiễn. Điều đó thêm khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở được tăng cường; tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy. Đặc biệt, khơi dậy được sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo phong trào, khí thế thi đua sôi nổi, tạo bước đột phá, ghi dấu ấn mới trên các lĩnh vực của Thành phố trong quá trình phát triển.

(Còn nữa)

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới