Ô nhiễm môi trường từ cơ sở sơ chế, chế biến cà phê quy mô nhỏ lẻ

Nhiều năm nay, việc sơ chế, chế biến cà phê quy mô nhỏ lẻ được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Mai Sơn. Năm nay, sau gần một tháng vào vụ thu hoạch, sơ chế cà phê, trên địa bàn lại xảy ra tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước.

Tái diễn tình trạng ô nhiễm

Từ nửa tháng nay, người dân các bản Thạy Lốm 6/1, Mai Khoang, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn phải chịu cảnh mùi hôi thối từ dòng suối Chiềng Ban chảy qua địa bàn, trong đó, những hộ dân sinh sống cạnh suối chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Chị Hoàng Thị Kim Ngân, bản Thạy Lốm 6/1, nhà ngay cạnh suối, cho biết: Dòng suối này vốn không mùi, nhưng cứ bắt đầu vào vụ sơ chế cà phê lại xảy ra tình trạng ô nhiễm. Năm nay, mùi hôi thối nặng hơn, nhà tôi thường xuyên phải đóng cửa vì không chịu được mùi hôi thối bốc lên từ suối.

Đoạn suối Chiềng Ban chảy qua bản Mai Khoang bị ô nhiễm. 

Cùng chúng tôi đi men theo dòng chảy con suối, ông Giào Văn Pản, Bí thư chi bộ, trưởng bản Thạy Lốm 6/1, nói: Dòng suối này dài khoảng 3 km, chảy qua các bản Thạy Lốm 6/1, Thộ Pát, Kéo Tốc, bản Củ, xã Chiềng Ban. Ngoài đoạn chảy qua khu dân cư phục vụ sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, dòng suối còn là nguồn nước phục vụ sản xuất của nhân dân các bản. Bởi vậy, việc ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của bà con.

Được biết, niên vụ 2023-2024, huyện Mai Sơn có 8.569 ha cà phê, trong đó 7.354 ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt trên 95.789 tấn quả tươi. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn ngoài các nhà máy của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty cổ phần chế biến Cà phê Sơn La và Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, có 145 hộ dân của 7 xã đăng ký sơ chế cà phê quả tươi, trong đó, 66 hộ đã được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đăng ký với UBND xã, các hộ còn lại đang hoàn thiện công trình thu gom, xử lý, lưu chứa nước thải và thủ tục môi trường theo quy định.

 

Vào cuộc rà soát, kiểm tra 

Tổ công tác kiểm tra xác minh tình trạng ô nhiễm môi trường suối Chiềng Ban.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của nhân dân về tình trạng ô nhiễm nước suối Chiềng Ban, trong chiều 21/11/2023, Tổ công tác theo Quyết định 1998/QĐ-UBND ngày 5/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp với UBND huyện Mai Sơn, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh và UBND xã Chiềng Ban thực tế kiểm tra, xác minh tình trạng ô nhiễm môi trường suối Chiềng Ban.

Ông Đoàn Văn Học, Trưởng Phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Tổ công tác, thông tin: Tổ công tác đã rà soát, kiểm tra thực tế, lấy 2 mẫu nước tại đoạn suối chảy qua bản Mai Khoang và bản Thạy Lốm 6/1 để đánh giá chất lượng nước. Bằng cảm quan, thời điểm kiểm tra, nước có màu đen, mùi hôi, có bọt trắng nghi bị ô nhiễm do nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê và nước thải sinh hoạt của các hộ dân xung quanh xả ra suối.

Đồng thời, kiểm tra hộ ông Cầm Văn Định, cơ sở sơ chế cà phê tại bản Thạy Lốm 6/1, phát hiện nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê được chứa tạm ở 1 hồ chứa xây gạch xung quanh, sau đó để chảy ra suối; bã vỏ cà phê tập kết để bón cho cây trồng chất đống. Còn một số hộ xung quanh có lắp đặt máy sát công suất nhỏ, không có hố thu gom, nước thải, xả trực tiếp ra mương dẫn thoát ra suối.

Tổ công tác lấy mẫu nước tại đoạn suối chảy qua bản Mai Khoang

Tổ công tác đã lập biên bản đề nghị UBND huyện Mai Sơn chỉ đạo UBND xã Chiềng Ban thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tổng kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở đang hoạt động sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn xã. 

Ngày 22/11/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra, giám sát hoạt động sơ chế cà phê trên địa bàn xã Chiềng Ban. Qua rà soát, xã Chiềng Ban hiện có 402 hộ gia đình, cá nhân hoạt động sơ chế cà phê niên vụ 2023 - 2024, trong đó 76 hộ, cá nhân thu mua về sơ chế cà phê có đăng ký với UBND xã; 326 hộ gia đình, cá nhân sơ chế nhỏ lẻ sản lượng cà phê của gia đình. Trong số những cơ sở sơ chế hiện nay, chỉ có 44 cơ sở có thủ tục bảo vệ môi trường.

Thông tin bước đầu kết quả kiểm tra, giám sát, ông Lò Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho biết: Qua kiểm tra, phát hiện 3 trường hợp sơ chế cà phê không có hệ thống thu gom, xử lý đảm bảo lưu chứa lượng nước thải phát sinh, chưa có thủ tục môi trường, tổ công tác yêu cầu dừng hoạt động sơ chế cà phê và đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định, gồm hộ các ông: Cầm Văn Định, bản Thạy Lốm 6/1; Hoàng Văn Quý, bản Áng Ưng; Lèo Văn Muôn, bản Ót.

Tổ công tác kiểm tra cơ sở sơ chế cà phê của hộ ông Cầm Văn Định, bản Thạy Lốm 6/1.

Thực trạng mà tổ công tác kiểm tra tại bản Thạy Lốm 6/1, bản Mai Khoang cũng là thực trạng đang diễn ra tại nhiều bản trên địa bàn xã Chiềng Ban thời điểm này. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, do các cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu công nghệ xử lý chất thải, nước thải theo quy chuẩn, không bảo đảm.

Tăng cường giám sát cơ sở sơ chế cà phê

Một góc vùng trồng cà phê tại xã Chiềng Ban.

 Thực tế đi qua các bản trồng cà phê của xã Chiềng Ban hiện nay, rất nhiều hộ sơ chế cà phê nhỏ lẻ, không có bể thu gom, xử lý chất thải, mà xả thải trực tiếp ra rãnh và suối. Theo một số hộ dân, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đối với nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có khả năng, vì hệ thống xử lý nước thải, chất thải có kinh phí lớn, đòi hỏi mặt bằng rộng. Cộng thêm, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở tiếp cận nguồn kinh phí, khoa học công nghệ để thực hiện sản xuất đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bể thu gom xử lý chất thải từ sơ chế cà phê của hộ gia đình tại bản Thạy Lốm 6/1.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Tỉnh đang tập trung nâng cao trách nhiệm về quản lý, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, huyện, xã. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Hiện nay, đã phân cấp đối với các cơ sở nhỏ lẻ được tỉnh giao cho UBND cấp huyện, cấp xã quản lý. Theo đó, ngay từ đầu vụ, huyện Mai Sơn đã tổ chức Hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND xã về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2023.

Về phía UBND huyện Mai Sơn, ngay từ đầu vụ cà phê, huyện đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, cập nhật, sơ chế nông sản trên địa bàn, làm rõ việc thực hiện các quy định đảm bảo môi trường trong sơ chế cà phê. Đồng thời, thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường; chỉ đạo Ban quản lý các thôn, bản nắm địa bàn, kịp thời báo cáo UBND xã về hành vi xả nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê ra ngoài môi trường.

Tổ công tác kiểm tra hộ sơ chế cà phê nhỏ lẻ trên địa bàn xã Chiềng Ban.

Cũng theo ông Hải việc bảo vệ môi trường khó khăn, do đối tượng tác động trực tiếp đến môi trường chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sơ chế nông sản. Các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn chống đối, trốn tránh khi kiểm tra... Bên cạnh đó, việc xác định chính xác chủ thể, nguyên nhân gây ô nhiễm gặp khó do các đối tượng vi phạm vào thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau để trốn tránh bị kiểm tra... Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý vi phạm, địa hình khu vục chủ yếu lại là hang karts.

Để sản xuất cà phê bền vững gắn với bảo vệ môi trường theo Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 của tỉnh, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt việc rà soát, tổng hợp, theo dõi cơ sở sơ chế; tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân sơ chế nhỏ lẻ tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Quá trình thực hiện phải gắn trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải chất thải, nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường. Về lâu dài, tuyên truyền, vận động phát triển chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; thực hiện sơ chế, chế biến tại các nhà máy tập trung và các cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo vệ môi trường.

 

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới