Ký sự biển đảo Vùng 2 Hải quân: Kỳ 3: Côn Đảo - Mảnh đất huyền thoại

Sau gần 10 ngày trên biển, tàu Trường Sa 21 đã cập cảng Bến Đầm. Chúng tôi đến thăm, chúc tết quân dân huyện Côn Đảo; viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương; thăm khu Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo; nghe câu chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu và sự kiên cường, anh dũng của các tù nhân chính trị trước đòn roi tra tấn của quân thù...

"Địa ngục trần gian" năm xưa

Dẫu đã xem qua truyền hình, nghe kể rất nhiều về sự tra tấn dã man, tàn bạo mà kẻ thù dành cho các tù nhân chính trị tại Nhà tù Côn Đảo, nhưng khi tận mắt nhìn thấy những phòng biệt giam, những bức tượng được dựng lại và lời giới thiệu của chị Lê Thị Xuân Duyên, Thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Hệ thống nhà tù với các trại giam Phú Hải, Phú Tường, Khu biệt lập các “chuồng cọp”… với những đòn tra tấn tàn bạo nhất của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của chiến sỹ cách mạng.

 

Du khách vào tham quan Trại Phú Hải.

Sau khi tham quan Bảo tàng, Nhà Chúa đảo, chúng tôi đến Trại giam Phú Hải, đây là một trong những trại giam lớn và cổ nhất của hệ thống Nhà tù Côn Đảo được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên vào năm 1862. Khi mới thành lập thì trại giam này được làm tạm bằng vách đất và mái tranh, giam cầm 50 tù nhân có án từ 1 đến 10 năm tù. Nơi đây, các tù nhân đã kết hợp với hơn 100 quan lính Triều Nguyễn có mặt tại Côn Đảo thực hiện cuộc cuộc khởi nghĩa nổi dậy đốt phá trại giam, đánh đuổi khoảng một chục tên cai ngục Pháp xuống một chiếc thuyền nhỏ về nước.

Do Côn Đảo quá xa đất liền, nên sau cuộc khởi nghĩa, số nghĩa binh này không tìm được phương tiện về đất liền. Hai tuần sau, thực dân Pháp đã phái một thông hạm đến Côn Đảo tàn sát số nghĩa binh, họ giết chết hơn 100 người và bắt sống 20 tù nhân. Họ buộc 20 tù nhân này phải mang hơn 100 xác chết lên trên một đồi cát chôn chung một mồ, sau đó chôn sống luôn 20 tù nhân đó, nay là Di tích Bãi sọ người.

Thuyết minh viên giới thiệu du khách về dãy khám giam tại Trại Phú Hải. 

Sau đó, thực dân Pháp cho xây dựng một nhà ngục kiên cố với tổng diện tích hơn 12.000 m2 có tường dày bao bọc bên ngoài. Bao gồm 2 dãy khám giam được xây đối diện nhau, thành hai dãy song song, tổng cộng 10 phòng giam tập thể. Cuối dãy bên trái còn có phòng giam tù đặc biệt và hầm xay lúa; cuối khám dãy khám giam bên phải có khu đập đá và khu nhà bếp. Phía cuối sân nối qua giữa hai dãy khám là 20 xà lim.

Sang thời Mỹ ngụy cai trị Nhà tù Côn Đảo, tại đây, chúng cho xây thêm nhà nguyện, nhà ăn, giảng đường, câu lạc bộ, phòng hớt tóc… những công trình này chỉ đề mỵ dân, trá hình, đối phó dư luận; các tù nhân chưa một lần được sử dụng.

Bên trong Phòng giam số 6 tại Trại Phú Hải.

Bên trong mỗi phòng giam, trên bệ xi măng, các tù nhân bị còng chân vào một thanh sắt rất dài; người tù muốn tháo còng phải qua 4 lớp khóa. Mỗi căn phòng thực dân Pháp giam từ 80 đến 120 người tù. Còn thời Mỹ ngụy, chúng giam từ 180 đến 200 tù nhân, nên nhiều tù nhân phải nằm dưới sàn nhà, chân vẫn vắt trên gông cùm, nên lâu ngày, chân bị teo cơ và bị liệt.

Độc ác hơn, mỗi phòng chúng chỉ bố trí một thùng gỗ để đi vệ sinh, nên khi muốn đi vệ sinh phải đi, tù nhân phải đánh thức tất cả các bạn tù xung quanh để chuyền tay nhau thùng gỗ đến. Khi căn bệnh dịch tả và kiết lỵ hoành hành thì những người tù không thể nào chợp mắt, nếu không, thùng gỗ ở đầu dãy không thể kịp chuyển đến cho tù nhân ở cuối dãy khi có nhu cầu vệ sinh…

Du khách tham quan xà lim tại Trại Phú Hải.

Các xà lim nằm cuối sân, là nơi Thực dân Pháp giam cầm những thành phần tù mà chúng cho là nguy hiểm, hoặc vượt ngục bị bắt lại; mức nhẹ nhất là 2 tháng, có thể là 3 tháng, 6 tháng, hoặc từ năm này sang năm khác. Khi bị giam lâu ngày tù nhân sẽ bị teo cơ, chỗ da thịt cọ với thanh còng luôn bị rướm máu...

Bên trong một xà lim tại Trại Phú Hải

Hầm xay lúa và khu đập đá là nơi chúng giam, bắt những tù nhân có án tử hình và những người có mức án nặng hay những người chúng cho là nguy hiểm lao dịch khổ sai, như các bác: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương,… Tại Khu đập đá, năm 1908, cụ Phan Chu Trinh đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn”.

Bên trong Hầm xay lúa.
Du khách tham quan khu đập đá.

Ở trại giam Phú Hải đã thấy sự dã man của quân thù, nhưng khi chúng tôi đến trại giam Phú Tường, cảm nhận mức độ dã man mà chúng thực hiện còn cao và rùng rợn hơn gấp nhiều lần. Trại giam Phú Tường được thực dân Pháp xây dựng năm 1940, với 120 "chuồng cọp" rộng chưa đầy 2m2 và 60 phòng "tắm nắng" không có mái che. Mỗi chuồng giam có những hàng song trần ở trên nóc, bên trên là lối đi dành cho cai ngục theo dõi tù nhân. Chúng coi người tù cách mạng không khác gì thú vật. Khi tù nhân khát, cai ngục sẽ đổ ào nước xuống buồng giam chật chội, bẩn thỉu.

Bên ngoài Trại Phú Tường.

Ở “chuồng cọp”, chúng không cho tù nhân đi đổ thùng vệ sinh hàng tháng trời, không cho tù nhân tắm giặt, thường xuyên rắc vôi bột và dội nước từ lối đi trên xuống, cho tù nhân lở loét da thịt. Đòn thù ác hiểm nhất là kẻ thù đã dùng cây gậy một đầu nhọn bọc bằng đồng, chúng bổ từ trên cao xuống thân thể người tù.

Du khách tham quan chuồng cọp tại Trại Phú Tường.

Trong khu “chuồng cọp”, còn giam cả nữ tù nhân, chúng thường tra tấn bằng cách lợi dụng đặc điểm sinh lý phụ nữ khi đến tháng mà không cho dội rửa, tắm giặt,... Các nữ tù chính trị kiên cường từng bị giam tại đây trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Trong những ngày gian khổ, chị em tù nhân không chỉ chia sẻ cho nhau từ miếng cơm, ngụm nước, mà còn nhường nhau cả chỗ nằm, khe hở để thở.

Một chuồng cọp giam nữ tù nhân.

Khu biệt giam này từng bị giấu kín hoàn toàn và mãi đến năm 1970, mới bị phát hiện và gây bàng hoàng phẫn nộ công luận và dư luận quốc tế.

Khu sân giữa "chuồng cọp" và phòng "tắm nắng" tại Trại giam Phú Tường

Tù đày, giam cầm là vậy, song ở Nhà tù Côn Đảo, chúng tôi cũng được nghe kể về những câu chuyện đến kỳ diệu. Đó là có người bị tra tấn, phơi xương, phơi nắng đến chết song vẫn dần hồi tỉnh nhờ nghe bài hát của bạn tù. Trong giam cầm, nhưng những người tù đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị vô nhân đạo; biến nhà tù Côn Đảo thành trường học chủ nghĩa cộng sản. Các chiến sỹ cộng sản làm được báo, dạy nhau học chữ, dạy hát, dạy thêu, dạy nhau làm cách mạng…

Bên trong một phòng "tắm nắng".

 

Ký ức không bao giờ quên

 

Tại huyện Côn Đảo, hiện còn 3 tù nhân chính trị còn sinh sống, chúng tôi may mắn được Ban Liên lạc tù nhân chính trị huyện Công Đảo giới thiệu đến gặp, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Ni, là nữ tù nhân duy nhất trở lại sinh sống tại Côn Đảo. Trong căn nhà số 12, đường Võ Thị Sáu, khu 8, huyện Côn Đảo, khi chúng tôi hỏi về những năm tháng trong nhà tù Côn Đảo, mặc dù đã 84 tuổi, bà vẫn kể chi tiết, rõ ràng với vẻ căm hờn về những cực hình từng nếm trải trong Nhà tù Côn Đảo.

Cán bộ đoàn công tác Quân khu 7 thăm tặng quà nữ tù nhân Nguyễn Thị Ni.

Thèo lời kể của “nữ tù nhân”, bà sinh ra và lớn lên tại xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. 18 tuổi bà đã tham gia phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre và Tiền Giang. Năm 1971, trong một trận càn lớn, bà bị mật thám chỉ điểm và bị địch bắt ở Gò Công, chúng lần lượt giam bà ở các trại Thủ Đức, Tam Hiệp. Dù bị đánh đập, dùng cực hình, nhưng trước sau như một, bà không hé răng nửa lời về cơ sở cách mạng. Khi mọi đòn roi không thể khai thác được gì ở người tù Nguyễn Thị Ni, chúng đưa bà ra Côn Đảo hòng đè bẹp ý chí, bản lĩnh của người tù bằng đòi roi, tra tấn.

Tại Nhà tù Côn Đảo, bà Nguyễn Thị Ni bị giam phòng số 6, của Trại giam Phú Hải. Bà Ni nhớ lại: Phòng giam chỉ rộng chừng 30 m2 mà chúng nhốt 36 nữ tù chính trị. Tôi thuộc nhóm tù chưa thành án, nên bị gọi lên tra hỏi liên tục, lần nào cũng bị đánh đập, tra tấn rất dã man vì “ngoan cố, cứng đầu” không khai. Vài tháng sau, chúng chuyển tôi sang Trại số 4, giam chung với số chị em đã thành án ở phòng số 9. Ngoài việc cơm không đủ ăn, nước không đủ uống. Mà có cho ăn, chúng cũng cho ăn cơm độn cát, độn chấu; nước thì chúng cho uống nước bẩn, thậm chí là nước rửa chân của những lính cai ngục. Chúng còn thẳng tay đàn áp, đấm, đá vào bất cứ đâu trên thân thể của chị em.…

Nữ tù nhân Nguyễn Thị Ni kể với phóng viên Báo Sơn La những ký ức kinh hoàng trong Nhà tù Côn Đảo.

Bà Nguyễn Thị Ni kể thêm: Chúng càng đánh, chị em càng đấu tranh phản đối dữ dội. Quá căm phẫn, có lần tôi gào vào mặt một tên lính ngục: "Cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cùng chung một giống nòi mà sao các anh tàn ác thế. Các anh đánh chúng tôi khác nào đánh cha mẹ, anh em của mình…". Vừa dứt lời, hai tên lính xông cửa vào đạp giữa ngực khiến tôi ngã đập vào tường. Một tên kéo hai chân, tên khác kéo hai tay lôi tôi đi chụp hình vân tay, xét hỏi. Chúng còn dùng roi điện chích thẳng vào người, lúc đó đau đến thấu xương, người tê liệt hoàn toàn. Sau cuộc xét hỏi, chúng quẳng tôi trở về buồng giam với thân xác không thể nhận ra; quần áo rách tả tơi, máu bê bết khắp người… Nói đến đây, bà Ni rùng mình.

Năm 1974, người tù Nguyễn Thị Ni được trao trả, bà quay về quê hương Gò Công Đông khi tuổi đã ngoài 30 tuổi. Bà Ni tiếp tục tham gia trong phong trào Phụ nữ Giải phóng. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà còn tham gia công tác tại các cơ quan đoàn thể, xây dựng quê hương. Đến cuối năm 1983, bà làm đơn xin chuyển công tác ra Côn Đảo, làm Phó Thư ký Công đoàn huyện cho đến khi nghỉ hưu và sinh sống tại huyện Côn Đảo.

Qua các thời kỳ, hệ thống nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”. Tính đến ngày 30/4/1975, nhà tù Côn Đảo đã tồn tại được 113 năm. Trong thời gian đó, có khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã hy sinh tại đây.

Côn Đảo hôm nay

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 29/4/1979 Bộ Văn hóa, Thể thao ban hành Quyết định số 54/QĐ-VHTT đặc cách công nhận khu Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Một góc huyện Côn Đảo hôm nay.

Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng, là địa chỉ đỏ, điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài. Nhiều người tìm về nơi đây để tìm về cội nguồn, khắc ghi truyền thống cách mạng, mãi mãi biết ơn những hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc của thế hệ cha anh.

Tham quan cùng chúng tôi, có gia đình ông Lê Quỳnh Giao, ở phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội về thăm Nhà tù Côn Đảo. Ông Giao chia sẻ: Tôi đã được học lịch sử và nghe về các di tích lịch sử, cũng được đi đến nhiều nơi, nhưng thực sự Côn Đảo là nơi mà ghi lại những dấu tích lịch sử sâu sắc nhất của các bậc tiền nhân đã đi qua. Đến đây, tôi được chứng kiến những hình tượng tái hiện lại trong Nhà tù, những công việc khổ sai khiến tôi rất xúc động và cảm thấy tự hào về dân tộc Việt Nam.

Du khách tham quan Bảo tàng Côn Đảo.

Về huyện Côn Đảo hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự vươn lên rõ rệt, hệ thống đường giao thông nội đảo, những công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng theo quy hoạch phát triển lâu dài. Những khu resort, khách sạn phục vụ du lịch tăng cao hàng năm để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Côn Đảo đã kết nối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ bằng đường hàng không; tàu biển đi, về Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi ngày, tạo điều kiện cho người dân khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Huyện Côn đảo đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Đồng chí Lê Văn Phong, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết: Cơ cấu kinh tế của huyện Côn Đảo chủ yếu là du lịch, chiếm tới 90% tỷ trọng kinh tế. Hiện huyện đang phát triển theo hướng du lịch xanh gắn với sinh thái và giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử cách mạng. Cơ sở hạ tầng và công trình bảo vệ môi trường đang dân hoàn thiện. Huyện vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tới này sẽ xây dựng lò đốt rác thải rắn để đảm bảo môi trường…

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, từ năm 2000-2015, Côn Đảo đón trung bình khoảng 60.000 lượt khách/năm; giai đoạn 2015-2020, tăng lên hơn 150.000 lượt khách/năm. Riêng năm 2022, sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách tới tham quan các di tích là hơn 227.240 lượt khách, số khách thăm viếng Nghĩa trang Hàng Dương là hơn 530.610 lượt. Điều đó chứng tỏ sức thu hút đặc biệt của loại hình du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh tại Côn Đảo.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 417, ngày 1/4/2022, xác định xây dựng Côn Đảo trở thành “Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”. Với mục tiêu này, hiện nay, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đang chung tay triển khai các giải pháp đồng bộ, để xây dựng Côn Đảo trở thành thiên đường du lịch biển đảo và văn hóa lịch sử - tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới