Kiên quyết xử lý việc lấn chiếm, phá rừng

Thời gian qua, tình trạng lấn, chiếm, phá rừng để trồng cây cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc chưa xác định được đối tượng vi phạm để xử lý. Các cơ quan chức năng của huyện đang tăng cường vào cuộc, thu thập chứng cứ, khởi tố bị can, răn đe các đối tượng coi thường pháp luật, cố tình vi phạm Luật Lâm nghiệp để bảo vệ màu xanh của những cánh rừng.

Nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp

Từ năm 2020 đến tháng 5/2023, huyện Mai Sơn phát hiện, xử lý 263 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, cao điểm năm 2020, phát hiện 128 vụ. Sau đó, số vụ vi phạm giảm dần qua các năm, năm 2021 có 99 vụ; năm 2022 có 22 vụ. Từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 11 vụ đốt, phá rừng, số vụ giảm so với các năm nhưng số đối tượng vi phạm có xu hướng tăng cao với 163 đối tượng. Diện tích rừng bị phá là 9,141 ha, chủ yếu diễn ra tại các xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Ve, Chiềng Kheo, Mường Chanh, Nà Ớt.

Một trong những vụ phá rừng nghiêm trọng đã bị cơ quan chức năng xử lý, là vụ đối tượng Vàng A Dính, sinh năm 1995, trú tại bản Ớt Chả, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn có hành vi chặt phá 3.400 m² rừng được quy hoạch là rừng tự nhiên phòng hộ tại khu đồi Pú Sọt, được giao cho cộng đồng bản Ớt Chả quản lý, bảo vệ; làm thiệt hại 9,180 m³ gỗ tròn nhóm thông thường; 156 cây bất cập phân nhóm thông thường, 5 bụi tre, nứa. Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn tuyên phạt Vàng A Dính 12 tháng án treo.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn thi hành lệnh bắt Lò Văn Tiết (x) về tội hủy hoại rừng.
Ảnh: PV

Ngày 1/6/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn ra quyết định khởi tố vụ án “hủy hoại rừng” tại bản Pom Sản (nay là bản Nà Cà), xã Mường Chanh và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện tiếp tục xử lý theo quy định. Ngày 23/6/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 4 tháng đối với Lò Văn Tiết, sinh năm 1978, là Bí thư chi bộ, đại biểu HĐND xã Mường Chanh, Trưởng bản Pom Sản về tội hủy hoại rừng, quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 243 - Bộ luật Hình sự.

Trước đó, tháng 9/2022, Lò Văn Tiết với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pom Sản (nay là bản Nà Cà), xã Mường Chanh, đã tổ chức họp Ban quản lý bản và 59/60 hộ dân của bản bàn, thống nhất chia đất rừng phòng hộ tại khu vực Huổi Phày do cộng đồng bản Pom Sản quản lý cho các hộ dân với mục đích phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp trồng cây cà phê. Tổng diện tích rừng bị chặt phá, hủy hoại 36.400 m², giá trị lâm sản thiệt hại thành tiền hơn 160 triệu đồng.

Ông Trịnh Vinh Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội các năm 2020, 2021, một số người dân không đi làm ở các khu công nghiệp được, nên cuộc sống khó khăn; cùng với việc thời gian gần đây, giá trị của quả cà phê tăng cao, nên từ đầu năm 2022 đến nay, việc vi phạm Luật Lâm nghiệp về lấn, chiếm, phá rừng để trồng cây cà phê diễn biến khá phức tạp.

 Đưa chúng tôi tiếp cận hiện trường các vụ đốt cháy rừng tại “điểm nóng” xã Chiềng Ban, ông Hoàng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, Chiềng Ban có tổng diện tích tự nhiên hơn 3.366 ha. Trong đó, diện tích có rừng trên 1.242 ha, gồm 998 ha rừng tự nhiên và 244 ha rừng trồng. Từ cuối năm 2021 đến nay, xã xảy ra nhiều vụ đốt, phá rừng, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là 2 vụ đốt rừng có tổ chức với 45 người tham gia; Hạt kiểm lâm huyện đã phạt hành chính 245 triệu đồng, trong đó, đã thu nộp ngân sách 125 triệu đồng.

“Thực mục sở thị” hiện trường vụ đốt rừng, lấn đất để trồng cà phê mới xảy ra cuối tháng 5/2023 tại bản Củ, xã Chiềng Ban. Từ trung tâm xã, theo con đường bê tông dẫn đến đập hồ thủy lợi bản Củ, xung quanh hồ là những nương cà phê đang vào mùa bói quả. Từ đỉnh đập nhìn sang quả đồi đối diện, nhiều nông dân vẫn đang canh tác tại khu đất trống vừa mới phát vén vào rừng. Quan sát những cánh rừng đầu nguồn khu vực xung quanh, nhiều mảng rừng được cạo trọc lọt thỏm giữa những cánh rừng xanh, lốm đốm như chiếc áo vá.

Tiếp tục đi sâu qua hồ thủy lợi thêm 10 mét, ngay phía trên nương cà phê là cả một khu rừng vừa bị cháy đen. Mất khoảng 15 phút leo dốc theo nương cà phê, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường cháy rừng, trước mắt là cả một khu rừng già, có những cây to đường kính khoảng 20-50 cm đều bị cháy đen.

Một cây gỗ hơn 10 năm tuổi bị đốn hạ tại khu vực rừng đầu nguồn xã Chiềng Ban. 
Ảnh: Quàng Hưởng

Càng tiến vào sâu, diện tích rừng bị cháy lại càng mở rộng, nhiều gốc cây to bị người dân chặt đốn hạ không thương tiếc, nằm ngổn ngang; thậm chí đối với cây chưa bị cháy, người dân còn ke vỏ xung quanh gốc để cây chết dần. Điều ngạc nhiên, trong khu rừng vừa bị cháy, người dân đã đóng cọc, có cả cọc sắt, cọc gỗ, căng dây bạt xanh, đỏ, thậm chí cuốc rãnh chia lô, chia khoảnh vuông vức. Chứng kiến cả khu rừng đầu nguồn bị cháy, chặt hạ không thương tiếc, chúng tôi không khỏi xót xa.

Nói về sự việc, ông Nguyễn Thanh Huấn, cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Chiềng Ban, cho biết: Sáng 22/5, tôi và cán bộ xã đi kiểm tra, tuyên truyền nhân dân không được phát, phá rừng đầu nguồn. Nhưng đến 13 giờ cùng ngày đã xảy ra cháy, ngay khi phát hiện sự việc, tôi báo cáo UBND xã, huy động 15 người chủ yếu là lực lượng dân quân, công an lên nhanh chóng dập lửa và chống cháy lan rộng, vụ việc làm thiệt hại khoảng 4 ha rừng. Điều băn khoăn, đây là vụ việc đốt rừng có chủ đích, do một nhóm người cố tình đốt để mở rộng diện tích trồng cà phê. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn đang điều tra, nắm bắt chứng cứ để khởi tố vụ án.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng

Ngăn chặn tình trạng đốt, phá rừng, Huyện ủy, UBND huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, phá rừng trái pháp luật.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã và đang xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp với quan điểm không có vùng cấm; kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân song không quản lý, bảo vệ để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Năm 2022, huyện Mai Sơn đã khởi tố 2 vụ án và từ đầu năm đến nay khởi tố 1 vụ; đồng thời, vừa bắt tạm giam 1 đối tượng nguyên là bí thư, trưởng bản.

Riêng với vụ việc cháy rừng tại bản Củ, xã Chiềng Ban, cơ quan chức năng xác định có tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, trong cùng một thời gian, địa điểm, Hạt Kiểm lâm đã tổ chức họp 65 hộ dân bản Củ để xác minh, bỏ phiếu tố giác đối tượng phát phá rừng, kết quả 41 hộ gia đình nhận đã phát phá rừng tại khu Phiêng Na, chưa xác định được đối tượng gây cháy rừng. Hạt Kiểm lâm đang phối hợp cùng UBND xã Chiềng Ban, Ban quản lý bản Củ kiểm tra, đo đếm diện tích đất của 41 đối tượng vi phạm và tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ, xử lý đúng quy định của pháp luật. Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã lập biên bản, đủ căn cứ xử lý vi phạm được 4  đối tượng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn kiểm tra diện tích rừng tại xã Nà Bó.
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Trước diễn biến phức tạp của việc lấn, chiếm, phá rừng, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo kiện toàn 22 Ban Chỉ đạo cấp xã về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, với 645 thành viên; củng cố, duy trì 410 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR với 4.803 người.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, Ban quản lý Dự bán Bảo vệ và Phát triển rừng huyện, UBND các xã, thị trấn, ban quản lý các bản và các chủ rừng khảo sát, thiết kế lựa chọn địa bàn, đo đạc diện tích đất thực hiện trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất hằng năm. Hỗ trợ các cộng đồng, hộ gia đình thực hiện bảo vệ, chăm sóc hơn 1.858 ha rừng trồng; khoanh nuôi tái sinh 473,25 ha tự nhiên.

Ông Trịnh Vinh Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, cho biết thêm: Hạt tham mưu UBND huyện kiên quyết xử lý các diện tích đất lâm nghiệp đang trồng cây cà phê, cây ăn quả, buộc phá bỏ để trồng rừng đúng quy định. Đề xuất tổ chức xét xử lưu động đối tượng vi phạm phá rừng tại cơ sở và truyền trực tuyến đến điểm cầu các xã, thị trấn nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, các hành vi xâm lấn, chặt phá rừng đều bị xử lý nghiêm.

Cùng với đó, huyện Mai Sơn còn lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc để cấp dưới, người thân vi phạm Luật Lâm nghiệp, vì màu xanh của những cánh rừng, vì cuộc sống ấm no, ổn định bền vững của nhân dân.

Quỳnh Ngọc, Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới