“Hộ chiếu” cho nông sản Sơn La: Kỳ 2: khẳng định uy tín của sản phẩm

Có mã số vùng trồng, nhiều sản phẩm quả của Sơn La đã vươn ra thế giới, góp phần nâng tầm thương hiệu, giá trị nông sản Sơn La. Tuy nhiên, diện tích được cấp mã vùng trồng còn khiêm tốn, sản lượng quả xuất khẩu còn ít, chưa tương xứng với diện tích, sản lượng quả của Sơn La.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Chú trọng chất lượng nông sản

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX, năm 2022, sản lượng trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 18.500 tấn, giá trị sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 20 triệu USD. Đã có 17 sản phẩm nông sản của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường 21 nước. Cùng với xuất khẩu, các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước, được khách hàng lựa chọn và tin dùng.

Là một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, sản phẩm nhãn Sông Mã ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Toàn huyện có gần 7.500 ha, trong đó có gần 6.000 ha cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 ước tính 60.000 tấn. Đến nay, đã có 39 mã vùng trồng nhãn của huyện với diện tích 430 ha; trong năm 2022, toàn huyện đã tiêu thụ trên 80.000 tấn; trong đó, xuất khẩu khoảng 613 tấn, giá trị đạt trên 100 tỷ đồng.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã là đơn vị có nhiều năm có sản phẩm nhãn xuất khẩu. Đến nay, HTX đã được cấp 4 mã số vùng trồng đi 3 nước Trung Quốc, Mỹ, Úc với diện tích hơn 52 ha. Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX, cho biết: Xây dựng mã số vùng trồng đã mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân, như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý được diện tích trồng, số lượng cây, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây trồng; giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất... Có mã số vùng trồng, thương hiệu nhãn Sông Mã cũng được cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhận biết tốt hơn. Trong năm qua, HTX đã tiêu thụ hơn 200 tấn nhãn, trong đó có 20 tấn nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với giá bình quân 30.000 đồng/kg.

Vùng trồng nhãn xuất khẩu tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Còn tại HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, hiện có trên 235 ha xoài, nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng với sản lượng đạt hơn 3.700 tấn quả phục vụ xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX thì trước đây, các sản phẩm xoài, nhãn của HTX tuy đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, NewZeland, Úc sản phẩm ngoài sản xuất theo quy trình an toàn, phải được cấp mã số vùng trồng và bọc trong túi chuyên dụng.

Hiện nay, huyện Yên Châu có trên 11.500 ha cây ăn quả với 60 mã vùng trồng với diện tích trên 900 ha. Năm 2022, toàn huyện tiêu thụ trên 54.450 tấn quả; xuất khẩu 1.390 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu đạt hơn 20,8 tỷ đồng; xuất khẩu 204 tấn nhãn chín muộn sang các thị trường Anh, Úc, Hà Lan, giá trị xuất khẩu đạt gần 6,2 tỷ đồng. Ngoài việc tiêu thụ ở các thị trường truyền thống, trong năm 2022, sản phẩm nhãn của huyện Yên Châu đã được đưa vào các suất ăn, góp mặt trên các chuyến bay đi các châu lục trên thế giới và trong nước.

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho hay: Năm 2023, huyện sẽ tiếp tục rà soát toàn diện, phấn đấu đăng ký xây dựng thêm từ 5-7 mã số vùng trồng cho loại cây trồng chủ lực trên địa bàn; hướng dẫn kỹ thuật canh tác hợp chuẩn VietGAP. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh

Điều kiện được cấp mã số vùng trồng là nông dân phải tuân thủ chặt chẽ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất; kiểm tra lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Đây là một trong những rào cản khiến nông dân e ngại tham gia. Mặt khác, diện tích trồng manh mún không tập trung, đa số trồng xen nhiều loại cây tại vùng trồng dẫn đến việc không hình thành được vùng trồng tập trung; số lượng các vùng trồng cây ăn quả liền vùng từ 10 ha tập trung trở lên đủ điều kiện cấp mã số là rất ít. Do vậy, người nông dân cần liên kết thành lập HTX sản xuất vùng tập trung, cơ cấu, quy hoạch cây trồng phù hợp, hiệu quả.

HTX Nông Xanh, bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn có 8 thành viên, canh tác 21 ha cây ăn quả. Năm 2022, HTX làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho diện tích xoài, tuy nhiên, qua thẩm định, đánh giá, diện tích xoài của HTX không đủ điều kiện để cấp mã. Ông Lường Văn Thanh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Trước yêu cầu của thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước khác yêu cầu phải có mã số vùng trồng đối với quả xoài, tôi đã làm hồ sơ để được cấp mã. Tuy nhiên, khi được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đến thẩm định, tư vấn, hướng dẫn, tôi mới biết vùng xoài của HTX không đủ điều kiện do trồng xen kẽ với nhãn và một số loại cây khác. Hiện, HTX đang tập trung quy hoạch lại vùng trồng xoài, đảm bảo điều kiện cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Thời gian qua cũng xảy ra trường hợp mã số vùng trồng tại một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến có trường hợp vi phạm trong khai thác, sử dụng mã số vùng trồng. Năm 2021, có đơn vị sử dụng mã số vùng trồng của HTX Nông nghiệp tiểu khu 3, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu nhưng lại lấy sản phẩm trái cây của địa phương khác để đưa đi tiêu thụ. Khi đến cửa khẩu lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm trái cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo điều kiện của nước nhập khẩu và gửi thông báo về địa phương thì HTX mới biết bị mạo danh mã số vùng trồng, vì HTX không có sản phẩm đó. Chính vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, chia sẻ kinh nghiệm: HTX được cấp 2 mã vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường EU và Trung Quốc. Mặc dù vùng trồng xuất khẩu không bắt buộc lắp camera giám sát, nhưng chúng tôi tự bỏ tiền đầu tư lắp camera kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giám sát toàn bộ quá trình sản xuất của các thành viên cập nhật vào sổ điện tử. Do vậy, sẽ truy xuất được chất lượng sản phẩm của các thành viên, hoặc nếu trường hợp sản phẩm của HTX bị mạo danh cũng sẽ chứng minh được qua trích xuất dữ liệu từ camera giám sát.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phân cấp cho Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại các địa phương quản lý và cấp mã số vùng trồng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (trước năm 2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói). Bộ cũng chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn tại địa phương và ban hành các tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo đó, Cục Bảo vệ Thực vật đã ban hành TCCS 774 về quy định thiết lập và giám sát vùng trồng và TCCS 775 về quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói.

Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra diện tích xoài của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn được cấp mã số vùng trồng.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ phát động chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn, công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đây là bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân.

Theo chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp và PTNT và trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, lập danh sách các vùng trồng ưu tiên được cấp mã số trồng trên địa bàn tỉnh, gồm: Các vùng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận điều kiện đủ an toàn thực phẩm, VietGAP, 4C, GlobalGAP... Phấn đấu đến cuối năm 2023, thực hiện thẩm định, cấp từ 20-30 mã số vùng trồng xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương lập danh sách vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số có nhu cầu xuất khẩu trong niên vụ hàng năm để thực hiện kiểm tra, giám sát; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại các mã số trồng phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, rà soát những cơ sở sản xuất không đảm bảo theo quy định sẽ bị thu hồi hoặc bị hủy mã số do không đáp ứng tiêu chuẩn, tránh việc lợi dụng mã ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, sản phẩm nông sản tỉnh.

Ông Dương Gia Định thông tin thêm: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện việc kiểm tra giám sát đối với các mã số vùng trồng đã được cấp (tối thiểu 1 lần/năm vào thời điểm trước vụ thu hoạch tùy theo loại cây trồng) và thực hiện đánh giá cấp mới để gửi hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật thực hiện thủ tục cấp mới. Sau khi có biên bản kiểm tra của  Chi cục địa phương, Cục Bảo vệ thực vật cùng với nước nhập khẩu sẽ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Sơn La chú trọng cả 3 thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế, tạo thế kiềng 3 chân tiêu thụ nông sản cho nông dân. Dù số lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, nhưng đã tạo tiền đề quan trọng là đã vươn tới nhiều thị trường trên thế giới, được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến và đánh giá cao, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Mã số vùng trồng góp phần quan trọng trong tạo dựng niềm tin và khẳng định uy tín của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng về quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Việt Anh, Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới