“Hộ chiếu” cho nông sản Sơn La: Kỳ 1: Mã số vùng trồng - rộng đường “xuất ngoại”

Sơn La đang là tỉnh dẫn đầu miền Bắc về diện tích, sản lượng cây ăn quả với nhiều sản phẩm chủ lực có mặt trên các thị trường trong nước, thế giới. Đây là kết quả đến từ chủ trương đúng đắn của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chú trọng xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho các loại nông sản thế mạnh của địa phương.

Vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu tại huyện Mai Sơn.

Tích cực tạo “vé thông hành”

Năm 2015, đánh dấu bước chuyển mình của nông nghiệp Sơn La khi triển khai thực hiện Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đây là chủ trương đúng, trúng, có ý nghĩa cởi nút thắt, mở đầu cho quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Phát triển cây ăn quả trên đất dốc thực chất là một cuộc vận động để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 85.000 ha cây ăn quả, sản lượng quả năm 2022 ước đạt khoảng 445.000 tấn.

Diện tích, sản lượng tăng, đầu ra cho nông sản là vấn đề hết sức quan trọng, cùng với tiêu thụ tại thị trường trong nước, xuất khẩu là xu hướng tất yếu cho các loại quả của Sơn La. Tuy nhiên, để xuất khẩu được sản phẩm nông sản đòi hỏi rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, bởi hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết và hội nhập sâu rộng với nhiều nước trên thế giới. Những nước nhập khẩu nông sản Việt Nam không ngừng nâng cao quy định kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa là nông sản. Một số quốc gia nhập khẩu quả tươi của Việt Nam yêu cầu bắt buộc phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Quả nhãn Sông Mã đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, từ năm 2017, việc triển khai cấp mã số vùng trồng xuất khẩu bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và nông dân thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu và coi đây là “hộ chiếu”, là tấm “vé thông hành” để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, HTX thay đổi tư duy, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững để nâng cao sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường xuất khẩu.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chia sẻ: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, thời gian qua, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên nông dân biết được mục đích, hiệu quả khi tham gia chương trình cấp mã số vùng trồng cho các vườn cây ăn trái. Các hội viên nông dân, các HTX tích cực hưởng ứng đăng ký tham gia chương trình cấp mã số vùng trồng.

Phát triển cây trồng chủ lực

Việc triển khai xây dựng mã số vùng trồng được gắn với những cây trồng thế mạnh, có diện tích lớn, trồng tập trung tại các địa phương trong tỉnh, như: xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu... Trong năm 2017, tỉnh Sơn La có 7 mã số vùng trồng đầu tiên được công nhận (1 mã số vùng trồng xoài, 6 mã vùng trồng nhãn), với diện tích 67,7 ha xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Úc. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Úc, Newzealand, Mỹ, Trung Quốc, EU và các thị trường khác. Tổng diện tích cây ăn quả được gắn mã số vùng trồng xuất khẩu trên 4.600 ha với những loại cây ăn quả, gồm xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc ca; có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra việc chăm sóc nhãn tại HTX Ngọc Lan, huyện Mai Sơn.

Là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng cây xoài vào năm 2017, HTX nông nghiệp và an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu hiện có trên 30 ha xoài, trong đó có 14 ha được cấp mã số vùng trồng. Từ khi được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm xoài của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường như Mỹ, Úc... Nhờ đó, uy tín của HTX được nâng cao, các thành viên của HTX yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Ðể thiết lập, xây dựng và được cấp mã số vùng trồng, nông dân, HTX, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về diện tích canh tác, tối thiểu phải là 10ha đối với cây ăn quả. Ðồng thời, phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp và an toàn Chiềng Hặc, phấn khởi: Việc được cấp mã số vùng trồng rất quan trọng đối với các HTX khi muốn mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu. HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Mọi tác động lên cây trồng, như đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc... đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Thành viên HTX đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ nên môi trường đã được cải thiện rất nhiều.

Còn tại huyện Mai Sơn, vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, nhiều loại quả đã được xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới. Hiện, toàn huyện có trên 10.000 ha cây ăn quả, sản lượng gần 60.000 tấn/năm. Khi xây dựng mã số vùng trồng, huyện tập trung vào những cây trồng thế mạnh của địa phương, như: xoài, nhãn, thanh long... Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, huyện Mai Sơn đã bám sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua các hội nghị, nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu; các tiêu chuẩn cơ sở xuất khẩu, hướng dẫn các HTX, thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới, chủ động thực hiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, hướng đến sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 40 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích trên 1.130 ha và 5 cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu bao trái xoài.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Việc triển khai cấp mã vùng trồng với những loại cây trồng chủ lực của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản mà còn khẳng định giá trị, chất lượng của nông sản Sơn La. Đây cũng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Việc cấp mã số chứng minh sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của trái cây trước thu hoạch, để nông sản Sơn La bước chân vào các thị trường.

Thanh long, một trong những sản phẩm nông sản của Sơn La có mã số vùng trồng.

Tín hiệu đáng mừng là nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh đảm bảo điều kiện xuất sang thị trường các nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã xây dựng mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Việt Anh, Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới