Gia đình thắp đuốc vùng biên

Ai đã đến xã Mường Hung huyện Sông Mã, đều thuộc lòng bài hát đi cùng năm tháng “Anh là dòng sông Mã, em là núi Mường Hung” thơ Cầm Giang, nhạc của Nguyễn Đức Hạnh. Và đến Mường Hung, ai cũng biết đến gia đình chị Phạm Thị Liêm, con gái của liệt sĩ Phạm Quang Bính. Các thế hệ của gia đình chị Liêm nối tiếp thắp sáng ngọn đuốc truyền thống nơi vùng cao biên giới.

Kỷ niệm về liệt sĩ Phạm Quang Bích

Từ thị trấn Sông Mã xuôi dòng chừng hai mươi cây số, chúng tôi đến Mường Hung, là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998, nơi có Di tích cây Đa lịch sử, nằm bên bờ sông Mã, giặc Pháp treo cổ và bắn chết hơn hai mươi chiến sỹ, du kích của ta. Và tại ao Mường Hung, bọn giặc tàn sát hơn ba trăm người dân vô tội…

Đi tiếp chừng một cây số thì đến nhà chị Phạm Thị Liêm, bản Phiêng Pẻn. “Phiêng Pẻn” tiếng Thái nghĩa là bãi đá to, bằng phẳng. Vì thế, các cụ đặt tên cho bản này. Có thể những con người ở đây có ý rắn rỏi nên ngầm với hòn đá đó chăng. Đã được anh Lương Văn Phúc cán bộ văn hóa xã hẹn trước, chị Phạm Thị Liêm nghỉ làm nương ở nhà tiếp chúng tôi thân tình như người nhà. Như mọi ngày, đang mùa nhãn chín, chị cũng như người dân trong bản rất bận, tranh thủ thời gian từng ngày để bán nhãn cho thương lái.

Nhìn chị Phạm Thị Liêm sinh 1955, năm nay gần bảy mươi, trong bộ trang phục thuyền thống màu đen, đầu tẳng cẩu còn khỏe và rất minh mẫn. Sau khi uống chén nhân trần còn bốc khói, tôi bày tỏ muốn thắp hương cho bố chị là liệt sĩ Phạm Quang Bích và chồng chị là cựu chiến binh Lò Văn Lệt. Chị đăm chiêu im lặng gật đầu, dẫn chúng tôi vào bàn thờ, lại tự tay thắp hương đưa cho mọi người. Tôi và mọi người hết sức xúc động trước anh linh của những người đã khuất và thầm cảm ơn tấm lòng tốt của chị đối với chúng tôi - Tôi biết bàn thờ của người địa phương chỉ có gia chủ mới được vào.

Bằng Tổ quốc ghi công đồng chí Phạm Quang Bích

Ngồi trước ngôi nhà sàn cột bê tông rộng rãi và dưới những tán cây nhãn chín sớm trĩu quả trùm mát rượi và nhãn chín trẩy về ngồn ngộn dưới sân. Chị Liêm vặt nhãn vừa nói với chúng tôi rất nhỏ như thổ lộ với chính mình, mắt rưng rưng kể về những kỷ niệm tuổi thơ của mình.

Trong trí óc non nớt của chị hồi đó còn hằn sâu nhiều kỷ niệm. Chị Phạm Thị Liêm còn nhớ, lúc rỗi bố gắp thức ăn ngon cho, động viên ăn thêm, cõng chị đi chơi trong bản. Lúc đó chị vui lắm… Còn lại những gì biết về bố về sau, là mẹ chị kể lại và đồng đội của bố kể lại thôi.  

Chị Phạm Thị Liêm lấy tay lau nước mắt kể: Khoảng cuối năm 1962, có hai anh bộ đội đi qua bản Hin Pẻn, họ đi thẳng đến Ủy ban xã Mường Hung. Hai anh bộ đội mang ba chiếc ba lô đã bạc màu, thừa ra một cái là vì sao? Dân bản biết về nói với mẹ chị. Mẹ lên xã hỏi tình hình của bố. Cán bộ xã động viên, chồng chị vẫn khỏe, đang chiến đấu ở Mường Son, còn chiếc ba lô bạc màu hai anh bộ đội mang đến là của người khác. Nghe cán bộ xã động viên mà mẹ không yên.

Đêm đó mẹ chị sốt ruột không ngủ được, sáng sau mẹ lại đến xã đòi lục ba lô thì thấy có hai bộ quân phục cũ của bố chị. Mẹ chị khóc ngất đi. Sau đó, xã Mường Hung chuyển giấy báo tử về: Liệt sĩ Phạm Quang Bích - Thượng uý, Chính trị viên Tiểu đoàn 428 - hy sinh anh dũng tại Mường Son.

Thực ra mấy hôm trước xã giấu tin dữ đi, sợ mẹ chị buồn. Và cũng có lẽ cán bộ sợ lộ bí mật, vì bố chị đi làm nhiệm vụ đặc biệt quốc tế ở Lào.

Nối gót cha đi đánh Mỹ

Chồng chị Liêm là anh Lò Văn Lệt, người Thái Mường Hung. Năm 1965, vừa tròn 18 tuổi anh xung phong nhập ngũ tham gia lực lượng Công an vũ trang, đóng quân tại Đồn Biên phòng 449 Nậm Lạnh bảo vệ biên giới Sốp Cộp - Mường Son. Cuối năm 1968, hoàn thành nhiệm vụ, anh được ra quân, nhưng đầu năm 1969, anh lại tái ngũ tiếp tục phục vụ trong lực lượng Công an vũ trang chiến đấu tại chiến trường Mường Son. Chính mảnh đất Mường Son đã gim trong anh niềm tin, tự hào và nỗi đau, nơi bố vợ Phạm Quang Bích đã hi sinh, nhắc nhở anh lập công giết giặc trả thù cho cha.

Năm 1975, anh Lò Văn Lệt được cấp trên gọi chi viện lực lượng cho chiến trường miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, nhưng biên giới phía Nam chưa yên. Anh Lò Văn Lệt tiếp tục ở lại chiến đấu. Năm 1978, anh Lệt là Đồn Phó rồi Đồn trưởng Đồn biên phòng số 4 và Đồn Biên phòng số 7 huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông giáp biên giới huyện Ô Ranh, Căm Pu Chia.

Những năm tháng chống bọn diệt chủng Pôn Pốt-Yêng Xa Ry, anh đã trực tiếp chiến đấu nhiều trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công. Anh đã ba lần bị thương trong chiến đấu. Ghi nhận thành tích chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, anh vinh dự được cấp trên tặng: Một Huân chương Chiến công hạng Ba, hai Huân chương Kháng chiến hạng Hai và hạng Ba, một Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, đặc biệt bốn lần được tặng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 Năm 1979, anh được điều động về nhận nhiệm vụ Đồn phó Đồn biên phòng Chiềng Khương, Sơn La phụ trách địa bàn biên giới giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn. Bao nhiêu năm chiến đấu xa nhà, đây là lần đầu tiên được công tác gần nhà chỉ cách hơn mười cây số.

Sau hai mươi năm (1968 - 1988) phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang, dấu chân in trên khắp các vùng đất biên cương Tây Bắc, Tây Nam giáp Lào và Căm Pu Chia với nhiều thành tích vẻ vang và nhiều vết thương do chiến tranh. Anh Lò Văn Lệt được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ thương binh, hạng ¾ tại quê bản Hin Pẻn, xã Mường Hung.

Thương binh tàn nhưng không phế

Đất nước thanh bình, anh Lệt trở về quê hương trong niềm vui bên vợ hiền và con ngoan. Nhưng, nhà mình và bản mình còn nghèo quá. Người cựu chiến binh bàn tính phải phát triển kinh tế gia đình. Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn, gia đình chị thử nghiệm học tập các mô hình phát triển kinh tế như nuôi ba ba gai, nuôi nhím, nuôi lợn rừng, cá lồng…

Từ năm 1997, anh chị tập trung nuôi hươu sao lấy nhung; đến 2018 đàn hươu sao của gia đình anh chị đã phát triển lên 40 con. Mỗi con cho từ 0,5 kg đến 0,7 kg nhung. Những năm cao điểm gia đình thu được từ 7 đến 8 kg. Trang trại nuôi hươu của gia đình rộng 1ha, có dòng suối bốn mùa chảy qua. Được chăn thả trong môi trường tự nhiên nên đàn hươu khỏe mạnh phát triển tốt và cho nhung nhiều. Sản phẩm nhung của gia đình anh được khách hàng xa gần tìm đến mua.

Năm 1982, cựu chiến binh Lò Văn Lệt lại đứng ra gánh vác nhiệm vụ chung: Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Trưởng Công an xã Mường Hung đồng thời tham gia Ban Quản lý bản và Bí thư Chi bộ bản Phiêng Pẻn. Suốt hai mươi năm tận tâm, tận lực với công việc, anh đã làm nhiều việc có lợi cho dân.

Năm 2003, nhận thấy nguồn nước tưới cho nông nghiệp cho các bản quanh vùng không đáp ứng đủ. Anh Lệt tổ chức bà con đào một con mương dài 3,8 km dẫn nước tưới tiêu cho 130 ha ruộng nương, cơ bản là cây nhãn. Việc đào mương dẫn nước qua núi đá mấy chục năm trước khó khăn chồng chất, thiếu kinh phí, thiếu vật liệu nổ, thiếu máy móc. Nhưng với sức người của cộng đồng và ý chí người lính, con mương đã thành công đưa dòng nước xanh tắm mát các bản Phiêng Pẻn, Hát So, Nà Ái, Đội 8.

Năm 2020, cựu chiến binh Lò Văn Liệt lặng lẽ về với các cụ tổ tiên, để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi của gia đình và bà con bản mường. Bản Phiêng Pẻn ngày càng đổi thay, hơn mười hai năm liền bản được đều được cấp trên khen là bản tiên tiến. Trong đó có công của cố cựu chiến binh Lò Văn Liệt, là già làng trưởng bản có uy tín cao.

Người phụ nữ vùng cao giỏi việc nước, đảm việc nhà

Chị Phạm Thị Liêm kể về gia đình chị khá đặc biệt. Bố hi sinh khi hai chị em còn thơ nhỏ, đất nước lại đang chiến tranh, gian khổ. Nhưng được chính quyền, đoàn thể dân mường giúp đỡ, gia đình cũng dần vượt qua. Lớn lên noi gương bố là liệt sĩ, chị Liêm vượt lên khó khăn, vừa theo học vừa làm ruộng nương phụ giúp mẹ và chăm em nhỏ. Từ thiếu niên, chị Liêm đã hăng hái tham gia mọi phong trào địa phương. Tuổi trưởng thành, chị Liêm được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Hung.

   
Bà Cà Thị Tống vợ liệt sỹ Phạm  Quang Bích

 

   

Ngoài công việc xã hội, chị Phạm Thị Liêm còn tạo dựng mô hình vườn, ao, chuồng có hiệu quả. Không phụ công người, mảnh nương nhà chị ngô lúa vàng ươm, lợn béo trong chuồng, cá quẫy dưới ao, rau xanh tươi tốt. Mùa nào thức ấy đủ nuôi các con ăn học để chồng yên tâm chiến đấu. Tất cả đều bằng bàn tay của người phụ nữ đảm đang vun vén nên.

Chia tay bà Cà Thị Tống - vợ liệt sĩ, chị Phạm Thị Liêm - con liệt sĩ, chia tay xã Mường Hung - xã Anh hùng LLVTND, chúng tôi chợt nghĩ: Những con người ở đây xứng danh là ngọn đuốc sáng mãi. Ngọn đuốc trong chiến tranh và ngọn đuốc hòa bình của vùng cao biên viễn.

Bút ký: Trần Nguyên Mỹ
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới