Dẻo thơm cốm Chiềng Khoang

Tháng 10 về, trên những cánh đồng ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, lúa bắt đầu ngả vàng. Bông lúa trĩu hạt, căng mẩy, uốn cong, dựa vào nhau đung đưa theo làn gió thu man mát. Đây cũng là thời điểm bà con bắt tay vào làm vụ cốm mới.

Cánh đồng lúa nếp tan xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai đầu vụ

Những ngày này, đến đầu xã Chiềng Khoang đã thoang thoảng mùi cốm thơm dịu, lan tỏa. Không khó để bắt gặp hình ảnh những sạp hàng ven đường bày bán những gói cốm xanh non. Bản Hán, nơi có cánh đồng nếp tan lớn nhất xã Chiềng Khoang, đầu vụ lúa, hầu hết các gia đình đều làm cốm. Từ sáng sớm, bản đã đông vui, nhộn nhịp, bà con ra đồng, cắt những bông lúa đang còn xanh đem về giã cốm.

Nhanh tay đảo chảo cốm ngay trên sân nhà, chị Hà Lường Thị Hà, bản Hán, vui vẻ nói: Năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa nếp tan được mùa, hạt căng mẩy nên làm cốm cũng chất lượng hơn hẳn. Mỗi năm, gia đình tôi làm được từ 3-4 tạ cốm bán cho những khách hàng trong huyện và cả người ngoài tỉnh.Gia đình đang tập trung nhân lực để làm cốm, mong kịp vụ để thu được nhiều hơn so với năm trước.

Lúa nếp non được gặt từ sáng sớm mang về tuốt lấy hạt

Cốm Chiềng Khoang được làm từ lúa nếp tan có độ dẻo, thơm và ngon. Cốm giữ được màu xanh tự nhiên, hạt cốm tròn đều, thơm đậm, mềm, dẻo, vị ngọt dịu, dễ ăn và hấp dẫn với bất cứ ai. Quy trình làm cốm được bà con nơi đây truyền lại cho nhau qua nhiều thế hệ theo cách truyền thống và thủ công. Bông lúa nếp non mới cắt về được vò, tuốt lấy hạt, đem rang trên lửa vừa để hạt cốm chín đều, chắc hạt, sau đó mang đi giã hoặc sát bằng máy rồi sàng sảy thật kỹ và đóng gói luôn để bán cho khách hàng. 

Làm cốm vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian, công sức. Có kinh nghiệm làm cốm nhiều năm, bà Lò Thị Mậu, bản Hán, chia sẻ: Cả nhà dậy từ 3 giờ sáng để ra đồng cắt lúa, đem về tuốt và rang ngay. Lúa gặt sáng sớm sẽ cho hạt cốm dẻo, thơm và đặc biệt là có độ ngọt đậm hơn. Người làm cốm phải chịu khó, vất vả nhưng bù lại, mùa cốm lại có thêm thu nhập cho gia đình.

Công đoạn rang cần nhanh tay để hạt cốm chín đều

Mùa cốm chỉ kéo dài trong tháng 10 dương lịch. Giống lúa để làm cốm được bà con để lại qua từng năm từ giống lúa nếp tan địa phương, cấy từ tháng 5, tháng 6. Tháng 10, lúa bắt đầu chuyển màu vàng chanh, hạt rõ độ chắc mẩy nhưng vẫn còn ngậm sữa là thời điểm tốt nhất để làm cốm. Nhà nào cũng tranh thủ chọn những đám lúa căng mẩy nhất để làm cốm như một thói quen được lưu giữ qua nhiều đời. Dần dần, cốm được nhiều người ưa chuộng, tìm mua, bà con làm với lượng nhiều hơn, trở thành một sản phẩm đặc sản của địa phương. Hiện nay, các hộ làm cốm chỉ tập trung ở bản Hán, tùy theo nhu cầu mà mỗi nhà có thể sản xuất từ vài chục kg đến đến 3-4 tạ cốm mỗi năm. Giá bán trung bình từ 70.000-100.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập thêm cho những gia đình làm cốm.

Cốm sau khi giã hoặc sát bỏ vỏ được sàng sảy kỹ lưỡng

Ông Quàng Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang, nói: Toàn xã có hơn 200 ha lúa nếp tan, được cấy vào vụ mùa. Với giống nếp tan này, bà con vừa có thể tranh thủ lúc lúa còn non để làm cốm, khi thu hoạch, gạo nếp tan cũng có giá trị cao, được khách hàng ở các địa phương khác yêu thích. Gạo nếp tan Chiềng Khoang đang được lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Cốm Chiềng Khoang có màu xanh tự nhiên, ngọt và thơm đậm
Sản phẩm cốm của Hợp tác xã thảo mộc, huyện Quỳnh Nhai

Hạt cốm xanh thơm dẻo được tạo ra từ đôi bàn tay chịu thương, chịu khó của những người nông dân cần mẫn, là món quà quê dân dã, quen thuộc mỗi độ thu về của đồng bào Thái ở xã Chiềng Khoang. 

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới