Kinh nghiệm từ việc bao trái xoài ở Yên Châu

Yên Châu là địa phương có diện tích xoài lớn của tỉnh với trên 3.200 ha; chủ yếu là giống: Đài Loan, Thái, Úc và xoài tròn địa phương. Hằng năm, hơn 60% diện tích xoài trên địa bàn huyện được bao trái. Sau nhiều năm thực hiện bao trái, nhiều nhà vườn đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm đem lại hiệu quả cao hơn.

Giọng nữ
Nông dân xã Sặp Vạt bao trái cho xoài.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại túi bao được sản xuất từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: túi xốp, nilon sử dụng cho bao trái ổi; túi giấy, túi vải sử dụng bao cho trái xoài; túi lưới dùng để bao nhãn... Các sản phẩm túi này được nhập khẩu và sản xuất trong nước. Tùy vào túi tiền và đặc tính sinh trưởng của loại cây trồng mà nông dân có thể chọn loại bao thích hợp, tránh tình trạng loại túi chuyên dụng cho loại cây ăn quả này nông dân lại sử dụng cho loại cây ăn quả khác.

Đối với trên cây xoài, tùy vào từng loại giống sẽ có những loại túi bao khác nhau. Đa số các hộ trồng xoài trên địa bàn huyện Yên Châu áp dụng biện pháp bao trái với các loại xoài ghép như xoài Thái, Úc, Đài Loan. Ngoài tác dụng giảm thiệt hại do sâu bệnh, các túi bao còn giúp tăng khả năng quang hợp, chuyển đổi sắc tố của trái cây, từ đó giúp tăng trọng lượng, làm cho trái có màu sắc đẹp.

Thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc bọc xoài Đài Loan bằng túi giấy màu để tạo ra vỏ màu vàng. 

Cách đây 5 năm, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc áp dụng phương pháp bao trái cho trên 80 ha xoài Đài Loan. Với sản lượng khoảng 900 tấn quả/năm được ứng dụng kỹ thuật bao trái, giá bán 10.000-18.000 đồng/kg; thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Thời tiết năm nay diễn biến bất thường, nắng nóng xảy ra vào đợt xoài kết trái, làm giảm khoảng 30% sản lượng xoài của HTX. Vì vậy, HTX đang vận động thành viên tập trung theo dõi tình hình sinh trưởng của cây, chủ động nguồn nước tưới. Đặc biệt, áp dụng phương pháp bao trái toàn bộ diện tích, đảm bảo quả đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Chị Hà Thị Chình, thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, cho biết: Với 2 ha xoài, trước đây, gia đình thường ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, không chỉ tốn kém chi phí, mà lượng thuốc tồn dư trên sản phẩm không thể tránh khỏi. Từ khi tham gia HTX, gia đình được hướng dẫn kỹ thuật bao trái phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, quả xoài có mẫu mã đẹp, chất lượng hơn, tỷ lệ xoài loại 1 chiếm đến 70%, giá bán cao hơn so với xoài không bao trái. Mỗi năm, vườn xoài thu gần 30 tấn quả, thu nhập hơn 250 triệu đồng.

Hiện nay, xoài đậu quả được 40 ngày, gia đình chị Chình đang khẩn trương bao trái, tránh các bất lợi của thời tiết gây ra. Qua nhiều năm xuất bán sản phẩm xoài, tùy theo từng thị trường, chị Chình áp dụng phương pháp bao trái khác nhau như: đối với thị trường Trung Quốc ưa chuộng xoài Đài Loan, Úc có màu xanh đậm thì dùng túi bao bằng vải hoặc giấy màu trắng; thị trường Mỹ ưa chuộng xoài có màu vàng thì dùng túi bao giấy 2 lớp (mặt bên ngoài màu vàng, bên trong màu than đen)...

Xoài đậu trái được 35-40 ngày sẽ được nông dân tiến hành bao trái.

Cũng là một trong những xã tích cực áp dụng kỹ thuật bao trái cho xoài, những ngày này, đi dọc các bản Phát, Boong Xanh của xã Chiềng Pằn bắt gặp nông dân bao trái xoài, các vườn xoài phủ trắng màu túi học xoài chuyên dụng.

Hơn 3 năm nay, ông Hoàng Văn Minh, bản Phát, xã Chiềng Pằn đã áp dụng phương pháp bao trái cho 2,2 ha xoài Đài Loan của gia đình. Ông Minh nói: Gần đây, gia đình chủ yếu sử dụng các loại bao trái bằng vải do đơn vị trong nước sản xuất với giá bình quân 900 đồng/bao. Trung bình mỗi vụ, tôi sử dụng 20.000 bao vải bọc trái. Ưu điểm của loại túi bao này là dai, bền, thông thoáng và thoát nước, có thể quan sát được quá trình phát triển cùng màu sắc bên trong trái; túi tái sử dụng được sau 2-3 vụ. Quả phát triển tốt, trung bình trọng lượng mỗi quả đạt từ 1,2-1,5kg, tối đa có thể đạt đến 1,8kg. Dự kiến vườn xoài năm nay của gia đình, sản lượng thu hoạch 12 tấn.

Phát huy lợi ích từ việc bao trái mang lại, hiện nay, xã Chiềng Pằn tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật bao trái, cách thức giữ túi bền, giúp nông dân giảm chi phí. Đồng thời, xã họp bàn các tổ sản xuất trên địa bàn, làm việc với các đại lý cung cấp bao trái xoài cung ứng bao trước mùa vụ hoặc trả trước 50% kinh phí để nông dân có điều kiện sản xuất theo hình thức này, hướng người sản xuất xoài theo mô hình sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vườn xoài ở bản Phát, xã Chiềng Pằn được bọc trái tránh tác hại của thời tiết, sâu bệnh.

Hằng năm, hơn 60% diện tích xoài trên địa bàn huyện Yên Châu được bao trái. Chủ động trong việc chăm sóc, bao trái, sản phẩm xoài của Yên Châu được nhiều thị trường đón nhận. Năm 2023, có trên 15.140 tấn xoài được tiêu thụ tại thị trường trong nước, 2.190 tấn quả xuất khẩu ra thị trường các nước. Dự kiến năm 2024, huyện tiêu thụ và xuất khẩu 15.000 tấn xoài.  

Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Thực tế cho thấy, áp dụng phương pháp bao trái xoài, số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh giảm khoảng 50%, thậm chí nếu thời tiết thuận lợi không phải phun thuốc. Ngoài ra, sử dụng túi bao trái giảm được sự xâm nhập của nấm bệnh, phòng ngừa vỏ quả sần sùi và chấm đốm đen, giúp tăng năng suất 20-30% và tăng chất lượng quả, kéo dài thời gian bảo quản 3-5 ngày so với bình thường và bán giá cao hơn 5.000-8.000 đồng/kg so với xoài không bao trái. Huyện phấn đấu 80% diện tích xoài trên địa bàn được bao trái, đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ và xuất khẩu.    

Việc bao trái cho xoài góp phần tạo sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng, nâng cao chất lượng và thu nhập cho người trồng xoài, ngày một khẳng định thương hiệu xoài Yên Châu.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới