Thi đua yêu nước tạo động lực đưa Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. 75 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng về tính chất và quy mô, thu hút các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

     

Đồng chí: Hoàng Quốc Khánh

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,

Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh

 

     

Nhìn lại quá trình lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết bao người con ưu tú của Sơn La đã lên đường chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều gương điển hình tiên tiến tiêu biểu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Điển hình như: Anh hùng Cà Văn Ắng, Lò Văn Hắc, Lò Văn Giá, Cà Văn Khụm, Đèo Văn Khổ, Nguyễn Đình Thử, Vì Văn Pụn, Đinh Đức Dừa... Trong lao động sản xuất, tiêu biểu có tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, như: Hợp tác xã Kim Chung, huyện Yên Châu; ông Lò Văn Muôn, dân tộc Thái huyện Mai Sơn; ông Bàn Văn Mình, dân tộc Dao, huyện Yên Châu,...

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn phát huy truyền thống thi đua yêu nước, tiếp tục phát động phong trào thi đua phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước chuyển biến mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, các dịch vụ an sinh xã hội chú trọng vào chất lượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh thăm dây chuyền chế biến ngô ngọt của Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.
Ảnh: PV

Tiêu biểu trong thời kỳ này, là các tấm gương điển hình tiên tiến như: ông Lò Văn Muôn, ông Bàn Văn Mình - Anh hùng Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; bà Nguyễn Thị Mỵ điển hình trong lĩnh vực giao thông vận tải; ông Phan Gần - Anh hùng Lao động trong lĩnh vực thương nghiệp và nhiều tấm gương khác...

Thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy phát triển, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh có bước chuyển biến cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt nhiều kết quả tích cực. Các phong trào thi đua có tiêu chí, nội dung cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị, được đông đảo tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia; tiêu biểu là các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Sơn La đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh”; “Toàn dân tham gia phòng chống ma túy”; “Thực hiện thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công”; đặc biệt là phong trào “Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và nông dân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi”...

Cùng với  đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều phong trào thi đua yêu nước từ tỉnh đến cơ sở phát động, triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Lĩnh vực kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ước bình quân 3 năm (2021-2023) tăng 6,03%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 đạt 54.333 tỷ đồng, bình quân đạt 18.111 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu ngân sách nhà nước nội địa ước đạt 13.712 tỷ đồng, bình quân 4.471 tỷ đồng/năm, tăng 6,13%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm đạt trên 174 triệu USD; toàn tỉnh có hơn 3.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn trên 51.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chuyển biến mạnh mẽ. Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, với nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao được thực hiện. Các mô hình tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm triển khai nhân rộng. Nhờ đó, năng suất, sản lượng các cây trồng tăng qua từng năm, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển, đưa Sơn La trở thành “hiện tượng nông nghiệp” của năm 2020 với giá trị sản xuất cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2022, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam đã diễn ra tại Sơn La.

Đến nay, tỉnh Sơn La có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; gần 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; 281 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, công nhận nhãn hiệu. Thương hiệu trái cây Sơn La an toàn đạt các tiêu chuẩn đưa vào bán tại hệ thống các siêu thị và xuất khẩu các thị trường, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Lĩnh vực văn hóa, xã hội và du lịch có nhiều khởi sắc. “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; Mộc Châu được công nhận là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á và Thế giới” năm 2022. Chất lượng giáo dục, đào tạo nâng lên, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ mức độ 2. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán nước ngoài; đặc biệt là tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được tăng cường... Qua các phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, là động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

Việc tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, công tác khen thưởng thực hiện đúng quy định, kịp thời; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và những trường hợp lập được thành tích tiêu biểu, xuất sắc đột xuất.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chuyển trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân.                           Ảnh: PV

BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH

★ 4 tập thể, 11 cá nhân phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động

★ 26 tập thể, cá nhân tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng

★ 938 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng

★ 54.100 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến

★ 121 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

★ 21 tập thể; 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và nhiều danh

75 năm, trải qua các giai đoạn lịch sử, với những tên gọi, nội dung và hình thức khác nhau, song phong trào thi đua yêu nước phát triển theo dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, của quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Điều đó, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần to lớn, tạo ra sức mạnh vật chất, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người “Càng khó khăn càng phải thi đua. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày”.

Các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua; đổi mới tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.

Chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, về cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung, xây dựng biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền gắn với xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực xã hội xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chất lượng, hiệu quả; tập trung hoàn thành sớm, chất lượng cao các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh.

Phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đoàn kết, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới