Khởi nghiệp từ phát huy tài nguyên bản địa

Những năm qua, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và phát huy giá trị của tài nguyên bản địa.

Giọng nữ
Thành viên HTX Aratay Coffee giới thiệu các sản phẩm.    Ảnh PV

Nhận thấy trên địa bàn có nhiều nông sản bản địa đặc trưng, năm 2022, chị Lò Thị Bưởi, bản Tở, xã É Tòng, huyện Thuận Châu, quyết định khởi nghiệp từ nuôi gà đen H'Mông bản địa và chăn nuôi gia súc, kết hợp phát triển dịch vụ nông nghiệp. Tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại thành phố Nam Định, Dự án khởi nghiệp “HTX Nông nghiệp sinh thái Efarm É Tòng” của chị Bưởi và các cộng sự đã đoạt giải khuyến khích.

Chị Bưởi chia sẻ: HTX Nông nghiệp sinh thái Efarm É Tòng không chỉ hỗ trợ các hộ thành viên phát triển sản xuất hiệu quả, mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng, kết nối tiêu thụ, đưa nông sản, đặc sản vùng cao Thuận Châu vươn xa, được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2023, HTX xuất bán ra thị trường hơn 4.000 con gà đen thương phẩm, sản lượng đạt trên 8 tấn. Các thành viên HTX nuôi trên 200 con lợn đen bản địa, 20 con bò; trồng đẳng sâm, đậu tương và gừng đen tại các bản Xam Phổng, Nà Lanh... Tổng doanh thu của HTX đạt hơn 2,5 tỷ đồng.

Cũng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, chị Cầm Thị Mòn, bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, đã sản xuất những sản phẩm cà phê có chất lượng được thị trường trong nước biết đến. Chị Mòn cho biết: Năm 2018, Dự án Care (thuộc tổ chức phi chính phủ của Úc) đã hỗ trợ thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm ở Chiềng Chung, tôi và một số thành viên được tham quan mô hình HTX sản xuất cà phê chất lượng cao ở Tây Nguyên. Sau chuyến đi, tôi đã hình thành ý tưởng thành lập HTX chuyên sản xuất sản phẩm cà phê chất lượng cao. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia dự án Care, đầu năm 2019, tôi đã vận động thành lập Hợp tác xã ARA - Tay Coffee, với 14 thành viên.

Thành viên Hợp tác xã ARA-Tay Coffee thu hái cà phê.

Để có vùng nguyên liệu đảm bảo, HTX ARA-Tay Coffee đã liên kết với bà con nông dân trong xã, vận động bà con tái canh cây cà phê, canh tác theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện nay, diện tích cà phê của các thành viên HTX đạt hơn 200 ha và có 300 ha vệ tinh của các hộ dân trong xã. Các thành viên HTX tập trung sản xuất sản phẩm cà phê mang thương hiệu Honey và Natural, được Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao và được lọt vào top 10 cà phê đặc sản ngon nhất tại Việt Nam do Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột chứng nhận.

Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyên đề triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” cho hàng trăm học viên là lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, cán bộ hội các cấp và hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp. Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực xây dựng dự án khởi nghiệp cấp vùng cho 3 HTX, doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp được Trung ương Hội lựa chọn tham gia vòng sơ khảo toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa”.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân 150 triệu đồng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ đầu tư sản xuất tại xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai. Các cấp hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH tỉnh cho 32.371 hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, tổng dư nợ trên 1.500 tỉ đồng.

Từ năm 2017 đến nay, đã có 161 ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ và hiện thực hóa; có 844 hội viên phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp bằng nhiều hình thức; 56 tổ hợp tác, HTX do phụ nữ quản lý được thành lập. Qua đó, phát huy tối đa giá trị tài nguyên bản địa, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa là một trong những nội dung thuộc Đề án 939 (Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025). Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ, như: Mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; mời các chuyên gia hướng dẫn kỹ năng, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, phát triển thương hiệu cho sản phẩm; đánh giá nhu cầu thị trường, xác định vùng nguyên liệu thế mạnh, giúp chị em tiếp cận những phương pháp hay, những nguồn tài nguyên hữu ích để bán hàng, tăng lợi nhuận và phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, các kênh vay vốn cũng được các cấp hội giới thiệu đến chị em để tiếp cận để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa khát vọng làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới